Sức mua của thị trường nội địa: Nóng trở lại

Sức mua nội địa tăng từ 7-10%, các địa phương và doanh nghiệp. Để có thể phục hồi, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh khuyến mãi vào những tháng cuối năm.

Sức mua tăng từ 7-10%

Theo đại diện các siêu thị, sức mua đã tăng từ 7-10% so với những tháng trước, nhờ hàng loạt các giải pháp kích cầu tiêu dùng từ Chính phủ và doanh nghiệp.

Đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp, đơn vị đã thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng kéo dài 3 tháng (từ ngày 15/6 đến 15/9) theo lời kêu gọi của Sở Công thương TP.HCM.

Cùng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, tăng mức lương cơ sở từ 1/7, việc giảm sâu giá hàng hóa đã giúp sức mua tại hệ thống này tăng cao hơn, đưa thị trường nội địa nóng trở lại.

Tương tự, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng GO/Big C khu vực Hà Nội và miền Bắc cho biết, hệ thống liên tục mở ra các chương trình khuyến mãi đặc trưng, nhắm vào các mặt hàng thiết yếu theo từng thời điểm.

Thị trường nội địa đang nóng trở lại.

Thị trường nội địa đang nóng trở lại.

Ông nói: “Chúng tôi tập trung khuyến mại cho mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng có nhu cầu nhiều nhất, như vậy có nghĩa là các mặt hàng ưu tiên khuyến mại của chúng tôi là mặt hàng có nhiều người mua nhất. Bên cạnh đó, chương trình xuyên suốt là cam kết 1.000 sản phẩm luôn luôn rẻ hơn, thậm chí là rẻ nhất trong khu vực".

Ngoài chương trình giảm giá chung, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng cho từng mặt hàng cũng được hệ thống này áp dụng. Hiện đơn vị này đang áp dụng chương trình với chủ đề “chọn tiết kiệm chọn GO” đồng loạt tại 38 cửa hàng GO! & Big C.

Cụ thể, từ ngày 10/8-23/8, ưu đãi tới 22% khi mua sản phẩm thứ 2 đối với các dòng sản phẩm dinh dưỡng, hàng tiêu dùng, thực phẩm đông mát và rau củ, và giảm tới 50% cho hàng gia dụng…

Thống kê từ Sở Công thương TP.HCM cho thấy, đợt giảm giá lần này thu hút trên 3.000 doanh nghiệp, nhà bán lẻ tham gia. Ước tính doanh số khuyến mãi đến nay hơn 120 nghìn tỷ đồng.

Thực tế, chỉ tính riêng tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng cuối năm

Việc kích cầu tiêu dùng đang có những chuyển biến tích cực, các địa phương và doanh nghiệp đều cho rằng, để có thể phục hồi, họ sẽ đẩy mạnh chương trình khuyến mãi vào những tháng cuối năm.

Hiện TP Hà Nội đã có hơn 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, bà Trần Thị Lan Phương, Quyền giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội cho biết “gấp đôi năm trước và còn tiếp tục bổ sung thêm".

Bộ Công thương đánh giá, từ nay đến cuối năm, điều hành giá dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng. Vì thế, bộ sẽ có chỉ đạo các sở công thương đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho Tết Nguyên đán 2024, tổ chức kích cầu gắn với công nghiệp văn hóa, du lịch để làm sao vừa thu hút du lịch, vừa tăng được sức mua.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, thời gian tới, ngành công thương sẽ tập trung vào kích cầu tiêu dùng gắn kết với du lịch, gắn kết với phát triển nông thôn mới... với mục tiêu phát triển kinh tế của từng địa bàn có thông qua chương trình kết nối cung cầu.

Ngọc Diệp

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/suc-mua-cua-thi-truong-noi-dia-nong-tro-lai-d600552.html