Sức mua thịt lợn giảm nhẹ
HNN - Trước thông tin một số trường hợp nhiễm bệnh liên cầu lợn (LCL) trong thời gian gần đây khiến sức mua thịt lợn ở các chợ có giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, đối với những quầy hàng bán thịt lợn rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch thú y, các siêu thị... người mua vẫn chọn mua.

Hầu hết thịt ở các chợ đều qua kiểm dịch của ngành thú y
Chọn thịt tươi, có nguồn gốc rõ ràng
Khi xuất hiện thông tin về dịch LCL tại TP. Huế, nhiều người dự đoán sức tiêu thụ thịt lợn tại các chợ truyền thống sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy.
Khảo sát tại chợ Phường Đúc vào sáng 11/7, sạp thịt của chị Lê Thị Chi vẫn khá nhiều người ghé mua. Nghe chúng tôi hỏi vấn đề dịch LCL có ảnh hưởng tới sức mua hay không, chị Chi cười: “Lợn nhà nuôi, có dấu thú y nên khách vẫn tin tưởng. Nếu trước đây mỗi buổi sáng bán được 40 - 50kg thì nay giảm khoảng 10 - 15%”, chị Chi chia sẻ.
Chị Lê Thị H., một khách hàng quen thuộc sạp thịt chị Chi góp chuyện: “Dù có dịch nhưng nhà tôi vẫn ăn thịt lợn. Chỉ khác là bây giờ kỹ tính hơn, chọn thịt có dấu kiểm dịch, nhìn miếng thịt tươi, sạch thì mua về dùng”.
Tại chợ Bến Ngự, bà Lê Thị S., một tiểu thương mua bán có thâm niên cho biết, sạp thịt của bà vẫn duy trì bán mỗi ngày, dù lượng tiêu thụ có giảm hơn trước. Số lượng giảm đa phần là khách lạ. Như chia sẻ của bà S., hiện nay khách lạ có phần e dè hơn khi đến mua thịt. Họ hỏi kỹ nguồn gốc, xem kỹ màu sắc của thịt. Những ngày qua bà S. chỉ lấy lượng thịt đủ để bán trong ngày, không để qua đêm vì sợ khách hàng nghi ngờ là thịt lợn bệnh”.
Chị Nguyễn Thị Lan (phường Thủy Xuân) cho biết, ngày nào gia đình chị cũng ăn thịt, nhưng giờ tình hình như vậy thì có hạn chế hơn. Khi cần dùng thì chị Lan chọn lựa thịt tươi ngon ở các cửa hàng uy tín vì họ luôn được ban, ngành chức năng kiểm dịch, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Khi sơ chế, chị mang găng tay và nấu chín kỹ trước khi dùng.
Dù sức mua có phần chững lại, nhưng giá thịt lợn tại các chợ trên địa bàn TP. Huế vẫn duy trì ở mức như trước đây. Trong đó, thịt ba chỉ dao động từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, thịt vai và mông khoảng 120.000 đồng/kg.
Theo nhiều tiểu thương, việc giữ giá cũ là để đảm bảo ổn định thị trường và duy trì mối lâu dài. Một phần do nguồn thịt lợn có chứng nhận kiểm dịch vẫn đảm bảo an toàn nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý e dè của người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm tra tại các điểm giết mổ, vận chuyển, buôn bán
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Huế cho biết, dù những ngày qua có một số ca bệnh LCL xuất hiện trên địa bàn nhưng ngành Chăn nuôi và Thú ý vẫn đảm bảo hoạt động vận chuyển, mua bán thịt lợn sạch diễn ra bình thường, không gây xáo trộn thị trường hay ảnh hưởng đến sinh kế người dân.
“Tuyệt đối không có chuyện "ngăn sông, cấm chợ". Chúng tôi luôn phối hợp với các ban, ngành chức năng các địa phương, tăng cường kiểm tra tại các điểm giết mổ, vận chuyển, buôn bán thịt để kiểm soát nguồn lợn bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng,” ông Hưng nói.
Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Huế khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tiêu dùng: Lựa chọn thịt rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch; không sử dụng thịt không rõ xuất xứ; chế biến kỹ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cần chủ động tố giác những hành vi vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết gây ảnh hưởng sức khỏe và gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết, cách phân biệt lợn khỏe mạnh và lợn bệnh như sau: Với lợn khỏe, khi mổ ra màu sắc thịt sắc đỏ tươi, mỡ trắng sáng, không mùi hôi, hoi, da không có đốm, các vết khác thường. Đối với lợn bệnh, thịt có màu lạ như thâm xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy nhớt đó là lợn ôi hoặc đã mắc bệnh. Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra độ đàn hồi của thịt, lấy ngón tay ấn vào miếng thịt không bị lõm, không bị dính hay rỉ nước thì đó là lợn khỏe mạnh.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/suc-mua-thit-lon-giam-nhe-155580.html