Sức nặng của lời hứa
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các vấn đề chất vấn được Quốc hội lựa chọn rất trúng và đúng, với nhiều vấn đề 'nóng', cấp thiết về lao động xã hội, công thương, xây dựng, tài chính, thanh tra, tham nhũng… Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã thừa nhận những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong lĩnh vực mà mình phụ trách, nhận trách nhiệm và có các giải pháp cùng những cam kết trong việc chỉ đạo xử lý, giải quyết khắc phục.
Cử tri mong rằng với những lời hứa và phần trả lời thuyết phục như vậy thì trong thời gian tới, những vấn đề đang có nhiều khó khăn, vướng mắc sẽ được thực hiện rốt ráo, qua đó tạo chuyển biến tích cực đối với các lĩnh vực vừa được chất vấn.
Theo dõi nhiều cuộc chất vấn về những vấn đề vướng mắc trong đời sống xã hội, những bức xúc của người dân tại nghị trường Quốc hội, thì đa phần các thành viên trong Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tỏ ra cầu thị, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của dân, thậm chí còn thể hiện sự "dằn vặt, buồn lòng" trước tình trạng người dân và các doanh nghiệp bị gây khó khăn, sách nhiễu, những vấn đề quốc kế dân sinh mà người dân quan tâm chưa được giải quyết kịp thời, thỏa đáng.
Trên thực tế liệu đã làm yên lòng cử tri và nhân dân chưa? Chắc chắn là chưa. Bởi vậy, sau rất nhiều lời hứa "kiên quyết xử lý dứt điểm", "đã có kết hoạch, nhất định sẽ làm và nhanh chóng tháo gỡ…", nhưng vẫn chưa thay đổi sau phiên chất vấn. Những vấn đề xã hội mà cử tri quan tâm, bức xúc vẫn diễn ra, thử thách lòng kiên nhẫn của người dân. Kết quả là đơn, thư khiếu nại ngày một nhiều, năm này qua năm khác và cảnh ăn chực nằm chờ để khiếu kiện vượt cấp tất yếu sẽ xảy ra.
Chưa có một nghiên cứu, thống kê, đánh giá những cam kết, hứa hẹn của Bộ trưởng, trưởng ngành được thực hiện bao nhiêu phần. Bởi vậy, tới kỳ họp sau không thấy nhắc đến việc lần trước ai, đồng chí nào đã cam kết, đã hứa mà chưa làm và lý do tại sao? Phải chăng cam kết, “hứa suông” đã được sử dụng triệt để, như một biện pháp nhằm làm "hạ nhiệt" nghị trường và dư luận xã hội từ trước đến nay. Nếu hứa mà chưa hoặc không thực hiện được, thì cử tri và nhân dân sẽ giảm đi lòng tin, dần dần dẫn đến mất lòng tin vào lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành. "Một lần thất tín là vạn lần bất tin".
Có một chân lý mà ai cũng dễ thấy "Sống trên đời này để lời nói đi đôi với việc làm thật khó lắm thay!". Hứa thì dễ, hứa cho vừa lòng cũng không quá khó. Chỉ mỗi hiện thực hóa lời hứa mới là thách thức. Vấn đề là làm thế nào để lời hứa được thực thi trọn vẹn, hoặc ít nhất cũng được vài phần trong đó. Đấy là câu chuyện tất nhiên không phải của ngày một, ngày hai.
Vẫn biết để lời hứa thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan. Tôn trọng lời hứa của chính mình, thấu hiểu những bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của người dân và thực hiện lời hứa trước dân với cái tâm trong sáng vì dân, vì nước mới có được lòng tin của người dân.
Cử tri và nhân dân không bắt các Bộ trưởng, trưởng ngành phải hứa, nhưng lại luôn có quyền đòi hỏi người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình phải thực hiện lời hứa. Các Bộ trưởng, trưởng ngành luôn phải tâm niệm lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri là bản khế ước và là sự cam kết đầy lương tâm và trách nhiệm.
Có những lời hứa cần được công bố rộng rãi để mọi người theo dõi và kiểm chứng, nhưng cũng có lời hứa không nhất thiết phải nói ra, đó là khi các đại biểu dân cử tự hứa với lòng mình "hứa với dân rồi thì phải làm, không được hứa suông". Suy cho cùng, dù là lời hứa vô tình thốt ra, hay lời hứa với tràn đầy sự chân thành, thì đó vẫn là một sự cam kết thực hiện đến cùng và qua đó lòng tin của nhân dân vào những lời hứa mới thực sự ý nghĩa.
Trong năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc này sẽ được thực hiện tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Trong mỗi một nhiệm kỳ, nếu vị tư lệnh ngành, người đứng đầu cơ quan, địa phương có thời gian lãnh đạo, chỉ đạo được nửa nhiệm kỳ mà ở đó vẫn trì trệ, lẹt đẹt, không sửa chữa, khắc phục được những yếu kém thì dứt khoát phải được thay thế bởi những người có đủ tâm, đủ tầm, đủ bản lĩnh chính trị, đủ tinh thần chiến đấu cao, đủ lòng tự trọng để nhận về mình những trách nhiệm cụ thể khi để các vụ việc xấu, tiêu cực xảy ra tại nơi mình phụ trách.
Đã đành, làm lãnh đạo phải đứng mũi chịu sào, phải vất vả hy sinh, và phải xác định là công bộc của dân. Nhưng ở vị trí đã được dân cử, dân bầu chọn, lãnh đạo phải hoàn thành tốt những trách nhiệm và nghĩa vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/suc-nang-cua-loi-hua-i673641/