Sức sống bền bỉ của văn chương
Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022 - 2024 được đánh giá là thành công trong việc khơi dậy và quy tụ ngọn lửa sáng tạo từ mọi miền đất nước, khẳng định sức sống bền bỉ của văn chương và hiển lộ muôn mặt vẻ đẹp của đời sống đương đại.
Những lát cắt cuộc sống
“Công việc chính của tôi là giáo viên Toán, việc viết lách vô cùng tùy hứng. Giải thưởng sẽ là cú hích khiến tôi nhìn nhận nghiêm túc đối với việc viết”, tác giả Lê Văn Thân (giải Tư) chia sẻ tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022 - 2024, sáng 24/7.
Hai năm qua đời sống xã hội Việt Nam có nhiều biến động sau đại dịch Covid-19, sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra câu hỏi về vai trò của văn nghệ sĩ, mối quan tâm của công chúng đối với văn chương… Trong bối cảnh đó, cuộc thi không chỉ là sân chơi văn học mà còn là phép thử cho sức sống của truyện ngắn và tình yêu của người viết. Và giờ đây chúng ta ít nhiều tìm thấy câu trả lời…
Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết, Ban tổ chức nhận được gần 2.700 tác phẩm với nhiều lứa tuổi, đủ vùng miền, từ nhà văn thành danh đến cây viết trẻ, cho thấy sức hút của cuộc thi. Các tác giả khắc họa nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ phổ quát tới những biến chuyển thầm lặng, từ vấn đề cộng đồng tới ứng xử cá nhân. Không ít tác phẩm đề cập tới sự nghiền ngẫm, chất vấn các vết thương đã thuộc về lịch sử nhưng chưa được chữa trị triệt để…
Nhà văn Cao Duy Sơn dẫn chứng Bờ sông lặng sóng của Vũ Ngọc Thư (giải Nhì) là cách tiếp cận mang đến xúc động mạnh mẽ bởi tình thương và lòng nhân ái. Tinh thần đó được soi chiếu tận thẳm sâu tâm tưởng con người. Lối viết không mới nhưng nội dung và bố cục sáng tạo, mang lại hiệu quả thẩm mỹ. Truyện có hậu, dẫu có buồn đau, xót xa… nhưng mọi thứ được đặt đúng chỗ, cho người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về sự tàn khốc của chiến tranh, tình người sau cuộc chiến.

Các tác giả đoạt giải Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022 - 2024
Hay truyện ngắn Trăm Ngàn của Ngô Tú Ngân (giải Nhì) đề cập số phận nhân vật tên Trăm Ngàn lớn lên trong sự hắt hủi của gia đình và luôn ao ước một lần được gặp mẹ. Là người yêu nghệ thuật sân khấu, Trăm Ngàn mong muốn được hóa thân thành những nhân vật ông hoàng bà chúa, mua vui cho người nghèo. Đây là câu chuyện buồn về sự tìm kiếm ròng rã nhưng vô vọng của biết bao người không may mắn. Tuy vậy, tác phẩm vẫn sáng lên tình người, khát khao đi tìm nguồn cội…
Những lát cắt khác của đời sống cũng hiện lên chân thực, từ chuyện tranh chấp Đất ao ở nông thôn miền Bắc của Đào Quốc Vịnh (giải Tư); vẻ đẹp thơ mộng trong sinh hoạt của đồng bào miền núi qua Rượu hoa mất trí của Như Bình (giải Tư); đến cuộc sống của những con người mộc mạc làng chài trong Người chăn sóng biển của Nguyễn Hiệp... Mỗi tác phẩm, dù viết theo lối truyền thống hay tìm tòi cách tân, đều cho thấy sự chỉn chu, trách nhiệm của người sáng tạo.
Tiếp nguồn năng lượng mới
Tác giả Vương Đình Khang chia sẻ anh vừa tham gia cuộc thi, vừa đọc những truyện ngắn của các tác giả dự thi, từ đó, vô tình được đi chu du qua nhiều miền chữ nghĩa. “Có khi là một làng quê Bắc Bộ bình yên, có khi là khu ổ chuột giữa đô thị xa hoa tấp nập, có lúc là một nhánh sông Cửu Long chấp chới cò bay, hoặc đắm mình trong lịch sử, một cuộc khởi nghĩa oai hùng hay một trận kháng chiến máu lửa. Hành trình đọc đó mang nhiều bài học về cuộc sống và về việc viết”.
Độc giả ngày nay đòi hỏi cao hơn những tác phẩm có hơi thở cuộc sống cùng nghệ thuật sáng tạo trong cách viết, để khi đọc sẽ thấy mình trong đó, tìm được tư tưởng, thông điệp mạnh mẽ gửi gắm trong đó. Bởi vậy, sứ mệnh với người viết là tiếp tục mang đến cho người đọc điều mới mẻ, khác lạ.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, việc để trống hạng mục cao nhất của cuộc thi (dù số lượng tham dự rất lớn) thể hiện đòi hỏi cao nhưng hết sức chính đáng. Đó là lời nhắc ý vị trong giới văn chương rằng còn những bước hoàn thiện ở phía trước mà mỗi tác giả cần vươn tới nếu thật sự muốn chinh phục đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn.
“Quan trọng hơn, chúng ta cùng nhận ra tinh thần nhân ái của người sáng tác đối với đời sống, với cộng đồng, được gửi gắm qua từng câu, từng chữ, từng chi tiết. Khi con người còn biết yêu thương trân quý nhau thì cuộc sống vẫn còn ánh sáng để mỗi chúng ta can đảm, lạc quan bước tiếp về phía trước”, nhà văn Nguyễn Bình Phương tin tưởng.
Vượt lên trên những con số và giải thưởng, giá trị lớn nhất mà Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022 - 2024 mang lại là sự khẳng định vai trò của văn chương trong việc soi chiếu cuộc sống và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Nói như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khi các nhà văn hoàn thành truyện ngắn là hoàn thành văn bản thứ nhất, thuộc về nhà văn. Khi được công bố, truyện ngắn trở thành văn bản thứ 2, thành văn bản thứ n khi đi qua mỗi người - văn bản của người đọc. Có người tiếp nhận nó theo đúng tinh thần của văn bản thứ nhất, cũng có nhiều người tiếp nhận với cách nhìn khác. Đó là sự đa diện của đời sống văn chương.
“Mỗi truyện ngắn mang vẻ đẹp riêng, tiếng nói riêng, khoảnh khắc riêng của đời sống mà nếu không có nhà văn, những điều đó sẽ bị chôn vùi, khuất lấp. Giữa lúc chúng ta thấy hình như con người đang rời xa vẻ đẹp của văn học nghệ thuật, vẻ đẹp của đời sống thì sáng tạo văn chương đánh thức, làm tất cả phải dừng lại, suy nghĩ và tìm kiếm những giá trị mà lâu nay bị bỏ quên vì mục đích khác”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-song-ben-bi-cua-van-chuong-10380937.html