Sức sống của dân ca, dân vũ trong xã hội hiện đại

Các loại hình dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc sinh sống trên mảnh đất xứ Thanh còn lưu giữ được đến nay khá đa dạng và phong phú. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị để dân ca, dân vũ ngày càng khẳng định được sức sống trong xã hội hiện đại.

Trò diễn Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân).

Trò diễn Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân).

Trải qua quá trình hình thành, sinh sống và lao động trên mảnh đất xứ Thanh, đồng bào các dân tộc đã sản sinh ra nhiều làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc được truyền lại từ đời này qua đời khác. Trong đó, có thể kể đến như dân ca, dân vũ Đông Anh (hay còn gọi là Ngũ trò Viên Khê), xã Đông Khê (TP Thanh Hóa), bao gồm một hệ thống các trò diễn xướng kết hợp với các làn điệu dân ca vô cùng đặc sắc; hay trò diễn Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân), với những điệu múa lúc phóng khoáng, khi mạnh mẽ, uyển chuyển nhịp nhàng; hay điệu hò sông Mã thể hiện bản lĩnh phi phàm của người xứ Thanh trên hành trình chinh phục dòng Mã giang; đến các trò diễn của đồng bào dân tộc thiểu số như: múa rùa, múa bát, hát ru, hát xường giao duyên, hát khặp dân tộc Thái...

Có lẽ, cho đến nay, khi nói đến Ngũ trò Viên Khê, mỗi người dân sinh sống ở xã Đông Khê nói riêng và trên mảnh đất Thanh Hóa nói chung đều rất đỗi tự hào. Bởi, vượt qua biết bao thách thức của thời gian với biết bao biến thiên của lịch sử, từ một loại hình diễn xướng dân gian đã bị mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền, giờ đây Ngũ trò Viên Khê lại “hồi sinh” với một diện mạo tươi mới và vượt ra khỏi ranh giới của “ao làng”, để trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Là nghệ nhân tiêu biểu và cũng là người đã dành nhiều tâm huyết trong hành trình khôi phục Ngũ trò Viên Khê, nghệ nhân ưu tú Lê Công Trưởng, thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê (TP Thanh Hóa), chia sẻ: "Ngũ trò Viên Khê đã có từ rất lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt và tâm tư, tình cảm của người nông dân xưa. Ban đầu, Ngũ trò Viên Khê có 5 trò nhưng về sau do tiếp biến văn hóa nên có đến 12 trò như: Múa đèn, Tiên Cuội, Tô Vũ, Trống Mõ, Thiếp, Vằn vương... Tuy nhiên, trải qua thời gian do nhiều biến động của lịch sử, hệ thống các trò diễn dần bị mai một, không còn được người dân tổ chức. Vốn là người tâm huyết với Ngũ trò Viên Khê, tôi và nhiều người dân khác trong làng vẫn luôn mong muốn một ngày nào đó di sản văn hóa này sẽ được khôi phục. Và mong muốn ấy đã thành sự thật, khi năm 2002, các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương và Nhân dân thực hiện dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Ngũ trò Viên Khê. Sau đó, nhờ những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương trong việc sưu tầm, tìm hiểu các tài liệu và luyện tập lại các tích trò sao cho giống nguyên bản nhất, đến năm 2017, Ngũ trò Viên Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó đến nay Ngũ trò Viên Khê không chỉ được các nghệ nhân am hiểu tại địa phương tích cực truyền dạy lại cho lớp trẻ mà còn được mang đi biểu diễn tại nhiều sự kiện quan trọng ở cả trong và ngoài tỉnh. Điều này, không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây, mà còn khẳng định được sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa này, dù trong thời đại nào vẫn phát huy được giá trị vốn có của mình".

Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù có khá nhiều loại hình âm nhạc hiện đại xuất hiện, thế nhưng loại hình dân ca, dân vũ không vì thế mà mất đi. Bởi bà con các dân tộc luôn ý thức được việc bảo tồn và phát huy các loại hình dân ca, dân vũ trong đời sống là việc làm cần thiết, không chỉ góp phần giữ gìn hồn cốt của dân tộc, mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần. Bởi vậy, mà hiện nay ở nhiều địa phương miền núi, công tác giữ gìn phát huy giá trị của loại hình dân ca, dân vũ được đặt lên hàng đầu. Điển hình nhất phải kể đến huyện Ngọc Lặc hiện còn giữ được khá nhiều loại hình dân ca, dân vũ độc đáo như, lễ hội Pồn pôông, “Sắc bùa” (hay còn gọi là Phường chúc), nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên, nghi lễ nhảng chập đáo (Tết nhảy) của người Dao quần chẹt... Để bảo tồn, phát huy giá trị của các làn điệu dân ca, dân vũ, trong thời gian qua huyện đã tích cực sưu tầm, kiểm kê để có kế hoạch bảo vệ các làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ mai một; khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân am hiểu truyền dạy lại dân ca, dân vũ cho lớp trẻ và đưa dân ca, dân vũ vào dạy tại các trường học; thường xuyên tổ chức liên hoan, trình diễn, giới thiệu về dân ca, dân vũ của địa phương đến bạn bè, du khách; đưa dân ca, dân vũ gắn với hoạt động du lịch của địa phương...

Nói về việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình dân ca, dân vũ, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa, cho biết: Công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có loại hình dân ca, dân vũ luôn được Trung tâm tích cực thực hiện, thông qua việc thường xuyên mở các lớp tập huấn truyền dạy về dân ca, dân vũ, dân nhạc cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với nhiều địa phương mở các lớp tập huấn như: “Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mông” huyện Mường Lát; “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị hát ru, múa chuông của đồng bào dân tộc Dao” huyện Cẩm Thủy... Cùng với đó, Trung tâm cũng tích cực hướng dẫn, duy trì và phát triển các đội văn nghệ, câu lạc bộ dân ca, dân vũ tại các địa phương; hướng dẫn các nghệ nhân tham gia truyền dạy cho lớp trẻ... Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ giá trị của dân ca, dân vũ trong chính người dân, những người nắm giữ di sản.

Ngoài ra, để bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca, dân vũ, ngày 12/4/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương Đề án bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2021-2030. Từ việc thực hiện đề án sẽ góp phần nâng tầm các giá trị của dân ca, dân vũ, đồng thời, quảng bá về sắc thái văn hóa du lịch xứ Thanh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để tăng cường hơn nữa hoạt động truyền dạy và tập huấn về dân ca, dân vũ cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa tinh thần trong Nhân dân...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/suc-song-cua-dan-ca-dan-vu-trong-xa-hoi-hien-dai-247474.htm