Sức sống của phong trào văn nghệ quần chúng
Đoàn NTQC huyện Phú Hòa biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2019. Ảnh: THIÊN LÝ
Thời gian qua, các đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật được nhiều địa phương và cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, góp phần tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Toàn tỉnh hiện có 10 đội tuyên truyền lưu động (1 của tỉnh, 9 của các huyện, thị xã, thành phố), trên 100 đội văn nghệ quần chúng và các CLB nghệ thuật ở các địa phương, cơ quan, đơn vị với hàng ngàn diễn viên không chuyên tham gia.
Sôi nổi và rộng khắp
Thời gian qua, sức sống của phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở các địa phương trong tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hàng chục hội thi, hội diễn, liên hoan, có đợt kéo dài từ 3-4 đêm, nhưng đêm nào số lượng người xem cũng chật kín.
Ông Ngô Viết Hải, Trưởng Phòng VH-TT huyện Đông Hòa, cho biết: Sân chơi nghệ thuật quần chúng (NTQC) trên địa bàn huyện Đông Hòa những năm qua diễn ra rất sôi nổi. Trong những buổi phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, nói không với bạo lực gia đình..., việc áp dụng hình thức hoạt cảnh, lồng ghép lời ca sinh động, dễ hiểu khiến buổi tuyên truyền không còn tẻ nhạt. Các đợt thi văn nghệ cũng góp phần tạo không khí rộn ràng, tươi vui ở địa phương, cơ sở.
Nổi bật là các đêm văn nghệ vào các dịp lễ lớn của đất nước, của tỉnh thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ. Đây cũng là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng các hạt nhân văn nghệ cơ sở và là nguồn lực chính để tham gia các cuộc thi, liên hoan, hội diễn NTQC cấp tỉnh, cấp Trung ương; qua đó nâng cao chất lượng NTQC địa phương...
Đặc biệt, các hoạt động văn hóa văn nghệ của cộng đồng các dân tộc thiểu số thường xuyên được tổ chức, như: Liên hoan Cồng chiêng ở xã Krông Pa, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa); Liên hoan Dân ca, nhạc cụ dân tộc, Hội thi Nghệ thuật đẽo tượng gỗ và chế tác nhạc cụ dân tộc (huyện Sông Hinh); Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại các thôn, buôn, xã, thị trấn hàng năm...
Ngoài ra, các đội NTQC ở các địa phương còn tham gia nhiều hoạt động khác như: Ngày hội VH-TT-DL đồng bào dân tộc Chăm theo định kỳ; Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam; Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung... Qua đó, những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quảng bá rộng rãi.
Theo ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, huyện đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, như: sưu tầm, giữ gìn và phát huy các loại nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca, hát khan, các lễ hội văn hóa truyền thống; mời nghệ nhân có kinh nghiệm về tại huyện tổ chức tập huấn cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn và nghệ nhân các thôn/buôn về lý thuyết và thực hành đánh cồng chiêng, nhảy arap. Sông Hinh cũng đã tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng; tuyển chọn một số đội cồng chiêng và các nghệ nhân tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài huyện. Từ đó, số nghệ nhân biết đánh cồng chiêng, nhảy arap ngày càng tăng và phong trào biểu diễn cồng chiêng ở các thôn/ buôn có hướng phát triển tốt, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong công chúng; giúp người dân hiểu sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh...
Nâng cao chất lượng nghệ thuật
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã được đầu tư nâng cấp và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, hội họp, triển khai các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên, phong trào NTQC vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: nguồn kinh phí còn hạn hẹp; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là cấp xã, thôn hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Một số cơ sở vật chất văn hóa đã xuống cấp, hư hỏng, nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp; trang thiết bị thiếu thốn, không đồng bộ, nhưng địa phương không quan tâm trong đầu tư xây dựng, sửa chữa để hoạt động. Đời sống văn hóa tại nhiều khu vực miền núi, miền biển, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu....
Theo ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL, để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng sâu rộng hơn nữa, cần nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật (biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh…); sáng tác, dàn dựng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc để phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc đổi mới.
Đồng thời phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua các liên hoan, hội thi, hội diễn NTQC, tạo điều kiện cho quần chúng tham gia sáng tạo, hưởng thụ và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; duy trì tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn NTQC cấp tỉnh theo định kỳ và tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn do Bộ VH-TT-DL tổ chức. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động văn hóa ở cơ sở để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giảm sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị, đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa.