Sức sống làng nghề truyền thống

PTĐT - Từ bao đời nay, các làng nghề ở Hạ Hòa cứ nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, phát triển ngày càng khấm khá, quy tụ nhiều lao động có tay nghề. Các sản phẩm làng nghề gắn với thế mạnh của từng địa phương và dần khẳng định được uy tín, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 làng nghề, năm 2018, tổng doanh thu của các làng nghề đạt gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 850 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề dịch vụ và sản xuất ngư cụ ở Thao Hà, xã Bằng Giã hiện còn gần 100 hộ duy trì nghề với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. - Ông Nguyễn Văn Trác đã có gần 50 năm gắn bó với nghề làm ngư cụ.

Làng nghề dịch vụ và sản xuất ngư cụ ở Thao Hà, xã Bằng Giã hiện còn gần 100 hộ duy trì nghề với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. - Ông Nguyễn Văn Trác đã có gần 50 năm gắn bó với nghề làm ngư cụ.

Ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Làng nghề phát triển sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vì vậy, huyện luôn chú trọng đến các chính sách hỗ trợ vay vốn; khuyến khích người dân chủ động đầu tư, mở rộng sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp đào tạo, tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhờ đó, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng lên và có chỗ đứng trên thị trường”.Với lợi thế về phát triển kinh tế đồi rừng, trên địa bàn huyện có 3 làng nghề sản xuất và chế biến lâm sản, phân bố ở các xã Ấm Hạ, Hà Lương, Hương Xạ. Trong đó, làng nghề chế biến lâm sản Ấm Hạ là lớn nhất với các sản phẩm sơ chế từ đơn giản đến phức tạp như: Ván bóc, ván ép, gỗ xẻ, dăm… Trải qua thời gian, làng nghề dần đổi mới về công nghệ sản xuất, chế biến với các thiết bị máy móc hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, làng nghề có trên 50 cơ sở sản xuất, nhiều cơ sở có quy mô lớn, tạo việc làm cho 15- 25 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đây là làng nghề đứng đầu toàn huyện về tổng doanh thu (đạt trên 60 tỷ đồng/năm). Cùng với phát triển làng nghề sản xuất và chế biến gỗ, Hạ Hòa còn được biết đến là “cái nôi” của nghề chế biến chè. Trong 11 làng nghề truyền thống có đến hơn một nửa số làng nghề hoạt động trong lĩnh vực này, bởi đây là vùng có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phát triển cây chè với diện tích duy trì ổn định trên 1.900ha, trong đó 85% diện tích chè trồng bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Từ những hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, bằng phương pháp thủ công, máy chế biến chè mini tại gia đình, đến nay một số hộ của làng nghề chế biến chè Phú Ích đã liên kết sản xuất, đầu tư vốn xây dựng nhà xưởng mua máy móc, thiết bị sản xuất chè theo dây chuyền hiện đại đảm bảo số lượng, chất lượng và trực tiếp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở, doanh nghiệp thu mua. Cùng với đó, các làng nghề sản xuất và chế biến chè Lê Lợi - Cáo Điền, Phú Thịnh - Yên Kỳ cũng đang từng bước đổi mới, hướng tới sản xuất sản phẩm chè xanh chất lượng cao. Mới đây, huyện Hạ Hòa đã công bố và trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Chè xanh Yên Kỳ”, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm làng nghề vươn xa. Không chỉ đẩy mạnh phát triển làng nghề sản xuất, chế biến nông, lâm sản, ngôi làng nhỏ nằm bên bờ Ngòi Lao ở xã Bằng Giã lại quanh năm gắn bó với nghề làm ngư cụ, một công cụ đắc lực phục vụ người dân vùng sông nước mưu sinh với các sản phẩm như: Lưới đơn, lưới kép, chũm, vợt, vó các loại… Nghề nối nghề, từ một vài hộ gia đình, lâu dần, nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, làng nghề dịch vụ và sản xuất ngư cụ Thao Hà ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp làng. Ông Nguyễn Văn Trác cho biết: “Tôi đã có gần 50 năm gắn bó với nghề làm ngư cụ. Hiện nay, chất liệu, kích thước, mẫu mã sản phẩm ngư cụ phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng, số lượng, chủng loại và môi trường sống của các loại thủy sản, trong đó, lưới là ngư cụ được sản xuất nhiều nhất, giá thành dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng”. Nghề sản xuất ngư cụ tuy không kén thợ nhưng đòi hỏi phải có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và sự kiên trì. Hiện nay đã có một số loại máy móc bổ trợ giúp cho việc đan lưới trở nên đơn giản, sản phẩm bền, chắc, rút ngắn được thời gian hoàn thành và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.Nhờ sự đổi mới trong tư duy, cách làm, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã ngày càng mở rộng quy mô, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201909/suc-song-lang-nghe-truyen-thong-166766