Sức sống mới của sách cũ

Với tất cả sự cạnh tranh trên thị trường, sách cũ vẫn giữ vững vị trí của mình giống một 'món ăn lạ' chỉ người hiểu mới thấy hay.

 Sách cũ không chỉ có giá trị sưu tầm với những người lớn tuổi, nó còn là một nguồn tư liệu đáng quý cho các bạn trẻ tham khảo.

Sách cũ không chỉ có giá trị sưu tầm với những người lớn tuổi, nó còn là một nguồn tư liệu đáng quý cho các bạn trẻ tham khảo.

Đối với nhiều người, sách cũ là một kỷ niệm gợi nhắc họ trở về những ngày tháng xa xôi. Một bộ truyện Tam quốc diễn nghĩa phiên bản năm 2000 hay những cuốn tiểu thuyết của Jane Austen được xuất bản từ thời còn in ấn trên loại giấy cũ nâu sần.

Bên cạnh đó, khám phá một cuốn sách cũ đôi khi giúp chúng ta hiểu được thêm về người chủ nhân trước đó của nó. Những dấu bút, ký tặng hay cả các phần lưu trú tổng hợp kiến thức đầy giá trị vẫn còn nguyên vẹn được dán kín trong các trang sách.

Sách cũ và giá trị xuyên thời gian

Chị Nguyễn Minh Ngọc (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) đang là giáo viên Ngữ Văn tại một trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhớ lại năm tháng còn là sinh viên, những cuốn tiểu thuyết như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Kiêu hãnh và định kiến hay Thép đã tôi thế đấy đã phần nào làm giàu có cho tâm hồn của chị.

“Ngày ấy lấy đâu ra nhiều sách, may thay có người bạn tốt bụng đọc xong hay chia sẻ lại cho tôi. Nhờ những cuốn sách đó, tôi đã thấy được hình ảnh phản chiếu của mình. Những khó khăn, gian nan các nhân vật đối mặt bằng con mắt lạc quan yêu đời là bài học lớn nhất tôi có được từ các cuốn sách ngày ấy”, chị Ngọc chia sẻ.

Không chỉ phục vụ cho việc giảng dạy, đối với chị Ngọc, sách còn là một niềm đam mê vô tận và đôi khi nhờ chúng mà chị cảm thấy như mình được trẻ lại. Tình yêu trong các cuốn sách ngày xưa được viết lên một cách chân thành, nồng nhiệt và lắng đọng hơn bây giờ.

Theo chị Ngọc, không chỉ dừng lại ở câu chuyện đôi lứa, những cuốn sách kinh điển còn phản ánh cả một bộ mặt xã hội với các mối quan hệ rối ren và cách các nhân vật trong đó xoay xở ra sao. Chị Minh Ngọc tâm sự thêm: “Những cuốn sách mới của tác giả trẻ hiện tại viết rất hay thế nhưng tôi cảm thấy chỉ sách cũ mới đủ sức gợi lại kỷ niệm tuổi trẻ trong tôi”.

 Hội sách cũ 2022 thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều người

Hội sách cũ 2022 thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều người

Đối với một số nhà sưu tập, sách cũ là những ấn phẩm đặc biệt cho đến tận bây giờ nó mới có giá trị. Chính vì vậy, giá trị của những cuốn sách này có thể lên tới vài triệu. Những người bán sách ở phố Láng cho biết, bây giờ mà tìm được bản truyện Đôi lứa xứng đôi được xuất bản vào những năm 1940 thì đúng là đáng cả gia tài. Hay gần đây hơn là tập truyện The Godfather (Bố già) đầu tiên được dịch tại Việt Nam cũng là một trong những thứ nhiều người khao khát có được.

Những dấu bút xưa trong trang sách cũ

Một trong những thứ làm sách cũ trở nên độc đáo hơn chính là những dòng bút ký tặng, lưu dấu hay những tờ ghi chú tổng hợp. Đôi khi là một bài thơ, một hình vẽ đầy hài hước. Vào một lần đi tìm cho mình những cuốn sách cần thiết ở hội sách, em Phạm Linh Chi (16 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tìm được những dòng lưu ý trên quyển sách ôn tập tiếng Anh. Đọc kỹ ra đó đều là những trường hợp đặc biệt lưu ý mà người chủ cuốn sách trước đó đã sưu tầm lại. Không nghĩ nhiều, Linh Chi lập tức thả nó vào giỏ hàng của mình.

 Những lưu ý được ghi lại trong cuốn sách tiếng Anh, em Phạm Linh Chi tìm được ở hội sách cũ.

Những lưu ý được ghi lại trong cuốn sách tiếng Anh, em Phạm Linh Chi tìm được ở hội sách cũ.

Mặc dù là sách cũ, những dòng chữ viết trên đó rất nắn nót, cẩn thận. Cách gạch đầu dòng được thể hiện rất khoa học và giúp cho người đọc có thể hệ thống hóa được thông tin.

“Đối với các loại sách để ôn tập, phục vụ việc học em thường chọn các cuốn sách mới vì nó cập nhật thông tin hơn. Tuy nhiên, thi thoảng em gặp được các cuốn sách cũ có những dòng ghi chép cẩn thận này. Nó rất giá trị đối với em. Nếu có may mắn nào đó gặp lại được chủ nhân của các dòng chữ này thì nó sẽ là một điều thú vị”, Linh Chi cho biết.

Đối với em Nguyễn Trọng Nghĩa (22 tuổi, Hà Nội), trong một lần tìm kiếm cuốn sách cho bản thân tại hội sách cũ, vô tình quyển Ghi chép của người nuôi ong của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1985 xuất hiện và thu hút sự chú ý của em. Tựa đầu cuốn sách có ghi “Tặng cháu Hằng nhân ngày sinh 25/8/1985”. Trong một số trang sách là đầy những dòng luyện chữ hoa, chữ in nghiêng giống như một của một em học sinh lớp một. Một số đoạn còn có các câu thoại của người chủ cũ viết vào nhưng một phần nối dài thêm cho các câu chuyện. Cuốn sách thiếu nhi trong những năm 1980 bỗng chốc trở nên thật sống động cho con người sinh ra ở một thế kỷ khác.

“Em không rõ ngày xưa giá 3 đồng cho cuốn sách này là nhiều hay ít nhưng bây giờ đối với em cuốn sách này là vô giá. Đọc một cuốn sách cũ đôi khi là đọc về một con người cũ nào đó”, Nghĩa tâm sự.

Giá trị của mỗi quyển sách đôi khi được tạo nên từ những người sở hữu chúng. Mỗi cuốn sách đều là một thế giới riêng và sách cũ là một thế giới luôn đầy những bí ẩn và khơi gợi trí tưởng tượng của bất kỳ ai. Theo xu hướng vận động của nền kinh tế, sách cũ có thể trở thành một thị trường ngách nhỏ hơn nữa tuy nhiên với nhiều bạn trẻ sách vẫn là một nguồn tri thức bất tận vượt qua cả giới hạn về thời gian.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suc-song-cua-sach-cu-trong-boi-canh-so-hoa-post1376820.html