Sức sống mới giữa đại ngàn Pù Mát

Người Đan Lai trước đây sống biệt lập, co cụm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì đói nghèo, lạc hậu và hôn nhân cận huyết thống… nhưng nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp và bộ đội Biên phòng mà giờ đây cuộc sống của người Đan Lai đang đổi thay từng ngày với sức sống đang bừng lên giữa đại ngàn Pù Mát.

Một góc bản Búng.

Một góc bản Búng.

Đời chẳng còn như “tô Moong, tô Quang”

Câu chuyện một thời về bốn mươi vết khấc trên cán dao làm bằng sừng nai đánh dấu 40 lần rời bản..., sáng ăn lộc ở ngọn Khe Choăng, tối về ngủ Huồi Khặng… đời như “tô Moong, tô Quang” (hươu, nai); hay những hủ tục về những đứa trẻ mới lọt lòng, mỗi người thân trong gia đình múc một gáo nước lạnh lấy từ ngoài suối về dội từ đầu đứa trẻ dội xuống, cùng với đó là cuộc sống cơ cực, biệt lập giữa rừng sâu, đói nghèo của người Đan Lai,... khiến cộng đồng không khỏi chạnh lòng.

Có dịp về xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) ngỏ ý muốn vào trong bản Búng và Cò Phạt, nơi sinh sống của người Đan Lai, Trung tá Nguyễn Lương Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn đã nhận lời và dẫn chúng tôi đi.

Đường vào bản Búng vẫn phải nhờ bè kéo.

Đường vào bản Búng vẫn phải nhờ bè kéo.

Đoạn đường gần 20km từ trung tâm xã vào bản Cò Phạt và bản Búng chẳng ai nghĩ là gian nan, vất vả đến thế. Trước đây, khi con đường này chưa bị hư hỏng, việc đi lại trở nên thuận lợi hơn.

Thế nhưng, mấy năm gần đây, sau nhiều đợt mưa lũ, đường đã bị hư hỏng nặng, cộng với xe tải chở vật liệu vào thi công đường tạo thành những rãnh “sống trâu”, cùng những con dốc dựng đứng, khúc khuỷu, rồi khe suối… làm cho việc đi lại vô cùng khó khăn.

Trời mưa, chỉ có thể đi lại bằng xuồng từ đập Phà Lài vào, vượt qua hàng chục con thác lớn, nhỏ trên con sông Giăng đầy hiểm nguy…

Trầy trật gần hai tiếng đồng hồ, xuyên qua những cánh rừng giữa đại ngàn Pù Mát, chúng tôi đã đến nơi “sơn cùng thủy tận”.

Ít tháng nữa, cây cầu treo thứ 4 hoàn thành, thì đường vào bản Búng sẽ chấm dứt cảnh lội suối.

Ít tháng nữa, cây cầu treo thứ 4 hoàn thành, thì đường vào bản Búng sẽ chấm dứt cảnh lội suối.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi vào với hai bản người Đan Lai đó chính là không khí rộn vang tiếng máy móc và công nhân đang thi công làm đường từ bản Búng ra.

Đi sâu vào trong bản, các trục đường chính đã được bê-tông hóa, xen kẽ những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang là những nhà lá tạm bợ.

Tại trung tâm bản đã có trạm quân dân y và điểm trường lẻ dành cho học sinh mầm non, lớp 1 và 2.

Sóng điện thoại và điện lưới thắp sáng đã phủ gần kín hai bản. Những ruộng lúa chạy dọc theo các con khe và ôm lấy những rừng cây xanh thẳm.

Những nếp nhà ở bản Búng.

Những nếp nhà ở bản Búng.

Điện lưới quốc gia và sóng điện thoại đã phủ kín bản.

Điện lưới quốc gia và sóng điện thoại đã phủ kín bản.

Những ruộng lúa ở bản Búng.

Những ruộng lúa ở bản Búng.

Để giúp chúng tôi chứng kiến sự thay đổi của người Đan Lai từng ngày, thiếu tá Võ Văn Sơn (Đồn Biên phòng Môn Sơn) dẫn chúng tôi gặp gia đình ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ngoài trồng lúa nước, tự túc được lương thực, gia đình ông Linh còn nuôi hơn chục con trâu, bò và rất nhiều gà, vịt. Cuối năm 2023, ông Linh đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

“Trước đây, cái bụng không được no. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, cuộc sống giờ đã tốt hơn rất nhiều. Tôi nói với bà con cố gắng nuôi nhiều lợn, nhiều bò. Lên rừng chặt chuối về nấu với cám cho nó ăn. Mình phải siêng năng để thoát nghèo”, ông Linh chia sẻ.

Ở bản Cò Phạt còn có gia đình ông Lê Xuân Đường cũng làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Cũng như ông Linh, gia đình ông Đường hiện đã dựng được nhà ba gian, nuôi được 10 con trâu, bò cùng hàng trăm con gà, vịt...

Rời bản Cò Phạt, ngược theo dòng khe Khặng vào bản Búng, chúng tôi càng vui khi được gặp thêm những nhân tố mới.

Gặp chúng tôi, chị La Thị Lập khoe mình là người đầu tiên trong bản mua máy xát gạo về phục vụ dân bản.

Chị Lập bộc bạch: Căn nhà sàn khang trang này có được một phần cũng nhờ vào chiếc máy xay xát này. Sau một thời gian, chị mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ. Đến nay cuộc sống của gia đình cũng đã bớt khổ, không còn bụng đói, đứt bữa như trước nữa.

Chị Lập còn cho biết, khi tuyến đường từ bản ra trung tâm hoàn thành, nếu có vốn, tôi sẽ đưa một số mặt hàng điện tử như nồi cơm điện, quạt điện,… về phục vụ nhu cầu của người dân.

Chị La Thị Lập phấn khởi bên chiếc máy xát gạo đầu tiên của bản.

Chị La Thị Lập phấn khởi bên chiếc máy xát gạo đầu tiên của bản.

Sau khi được thiếu tá Võ Văn Sơn cho vay năm con lợn giống, gia đình anh Lê Văn Chơi (29 tuổi) nuôi lớn, bán ba con để trả nợ vốn vay con giống. Hai con còn lại, gây thành lợn nái. Nay trong chuồng có đàn lợn nhỡ hơn 20 con cùng hai con lợn mẹ.

Qua hướng dẫn của Thiếu tá Sơn, gia đình anh Chơi còn trồng 2ha cỏ voi, ngô và mua máy đập bột, máy băm cỏ để phục vụ chăn nuôi.

Kế bên nhà anh Chơi là nhà Trưởng bản Lê Văn Chín gây dựng được một trang trại vừa trồng lúa, chăn nuôi trâu, bò và lợn…

"Thợ xây quân hàm xanh" đồn Môn Sơn giúp đồng bào Đan Lai xây nhà.

"Thợ xây quân hàm xanh" đồn Môn Sơn giúp đồng bào Đan Lai xây nhà.

Những năm qua, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, và sự hỗ trợ, đồng hành của Đồn Biên phòng Môn Sơn và các đơn vị liên quan, đời sống của người Đan Lai đang dần khởi sắc, các hủ tục lạc hậu cũng dần được đẩy lùi; dần chấm dứt hôn nhân cận huyết thống…

Sự thay đổi thể hiện cả trong đời sống kinh tế và nhận thức, tư duy. Từ chỗ chỉ biết sống dựa vào rừng, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, nay người Ðan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát đã có bước tiến dài, khi thành thạo trồng lúa nước, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Số hộ nuôi vài ba con trâu, bò, vài chục con dê, chăn thả gia cầm… ngày một nhiều.

Mỗi bản có khoảng 50 - 60 thanh niên rời bản, rời rừng sâu đi làm công nhân ở các khu công nghiệp hay đi xuất khẩu lao động. Đây là nhân tố không chỉ thay đổi dần nhận thức trong cuộc sống, trong làm ăn cùng thêm đồng vốn tích cóp, họ sẽ giúp bản làng thêm vui tươi.

Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết, để hỗ trợ cho người Đan Lai, đơn vị cử cán bộ phụ trách phối hợp địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho các hộ trong quá trình chăn nuôi, trồng lúa. Tuyên truyền bà con phải để con giống mà phát triển chăn nuôi, không được làm thịt, cúng vía... Từ chỗ chỉ khai thác lâm sản theo tự nhiên, người Đan Lai nay đã biết trồng rừng nguyên liệu, nhận khoán bảo vệ rừng cho Vườn quốc gia Pù Mát, trồng lúa nước, làm trang trại. Nhiều hộ mua sắm được ti-vi, xe máy, mở tiệm tạp hóa…

Liên quan đến hoạt động chăn nuôi, Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh cho hay, 7 con bò giống được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội trao tặng cho 7 hộ dân người Đan Lai trên địa bàn nay đã phát triển lên 31 con. Số lợn giống, dê giống của Đồn hỗ trợ cũng đang được các hộ dân chăn nuôi tốt.

Tuyến đường vào bản Cò Phạt, bản Búng cùng một cầu treo trị giá hơn 26 tỷ đồng đang được đơn vị khẩn trương thi công để sớm đưa vào hoạt động.

Tuyến đường vào bản Cò Phạt, bản Búng cùng một cầu treo trị giá hơn 26 tỷ đồng đang được đơn vị khẩn trương thi công để sớm đưa vào hoạt động.

Trò chuyện với Trưởng bản Búng, được biết, giờ đây bà con mong sao con đường từ bản ra trung tâm xã sớm hoàn thành, vì bao đời nay người Đan Lai cách biệt với thế giới bên ngoài một phần cũng chính là do đường đi lại khó khăn, bị chia cắt bởi khe, suối. Đường làm xong, người Đan Lai sẽ đi lại thuận lợi hơn, mở ra nhiều cơ hội mới cho bà con.

Những trăn trở phía thượng nguồn sông Giăng

Người Đan Lai còn được biết đến với cái tên "tộc người ngủ ngồi", gắn với lịch sử hình thành và cuộc sống trong cảnh trốn chạy kẻ thù. Đã từng có giai đoạn người Đan Lai khiến cả cộng đồng không khỏi chạnh lòng, khi thấy họ sinh sống biệt lập nơi rừng sâu, ngủ ngồi trên cây, hoang dã như người rừng.

Ðói nghèo bủa vây, cùng các hủ tục lạc hậu như: hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn… kéo dài nhiều năm khiến tộc người Ðan Lai đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi.

Người Đan Lai hiện sinh sống tập trung trên địa bàn huyện Con Cuông, có 785 hộ, với 3.528 nhân khẩu, chiếm 4,8% dân số toàn huyện.

Đề án Bảo tồn và Phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát đã “giải cứu” người Đan Lai ra khỏi rừng sâu, giúp họ hòa nhập với cộng đồng.

Cuộc di cư lịch sử bắt đầu từ năm 2001, khi chính quyền, cùng hệ thống chính trị các cấp xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã vào rừng tuyên truyền, vận động để đưa 36 hộ dân đầu tiên ra định cư tại hai bản Tân Sơn và Cửa Rào.

Sau đó, hàng chục hộ dân khác được đưa ra tại các điểm tái định cư Thạch Sơn và Bá Hạ ở xã Thạch Ngàn. Hiện trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát có hơn 230 hộ gia đình, với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống tại bản Cò Phạt và bản Búng.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh Đan Lai, Đồn Biên phòng Môn Sơn phối hợp với Trường Trung học cơ sở Môn Sơn triển khai mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" đã triển khai tại ký túc xá Trường Trung học cơ sở Môn Sơn, đón các em học sinh tộc người Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt, cách trường 20km ra học. Năm học 2024-2025, ký túc xá Trường Trung học cơ sở Môn Sơn sẽ đón khoảng 90 em học sinh từ lớp ba trở lên ở các bản này ra học.

Đồn Biên phòng Môn Sơn chuẩn bị bếp ăn cùng lương thực, thực phẩm phục vụ các cháu học sinh Đan Lai ở ký túc xá.

Đồn Biên phòng Môn Sơn chuẩn bị bếp ăn cùng lương thực, thực phẩm phục vụ các cháu học sinh Đan Lai ở ký túc xá.

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, tuy nhiên hiện nay đời sống của người dân hai bản người Đan Lai này vẫn hết sức khó khăn.

Không ít nhà của người Đan Lai vẫn là nhà sàn bằng tre nứa, tạm bợ; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo gần 100%. Đặc biệt, khó khăn nhất khi người Đan Lai không có đất sản xuất do địa bàn sinh sống nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.

Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn Lê Thanh Hải chia sẻ: So với trước đây thì cuộc sống của người Đan Lai đã khởi sắc hơn mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Với điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí còn hạn chế, nên việc tiếp thu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các bản người Đan Lai vẫn còn chậm.

Về lâu dài, ngoài sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp, các ngành, để người Đan Lai có điều kiện hội nhập thì địa phương rất mong muốn con đường nối từ trung tâm xã vào hai bản sớm hoàn thành. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của người dân khi mà huyện Con Cuông đã có định hướng phát triển hai bản Búng và Cò Phạt trở thành điểm trung chuyển của tuyến du lịch sinh thái trên dòng sông Giăng.

Niềm vui khi tuyến đường đi qua.

Niềm vui khi tuyến đường đi qua.

Chia sẻ về những đổi thay của người dân Đan Lai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông Phạm Trọng Bình cho biết: Huyện Con Cuông cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người Đan Lai phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện lưới quốc gia, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt. Hiện địa phương đang đầu tư mở đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Cò Phạt và bản Búng, phá thế cô lập với thế giới bên ngoài.

Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ, lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới và các chương trình chính sách của tỉnh, huyện. Hỗ trợ đồng bào Đan Lai sản xuất nông nghiệp như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới để nâng cao năng suất.

Đất canh tác rất ít lại chưa được giao đất nên bà con gặp khó trong phát triển sản xuất.

Đất canh tác rất ít lại chưa được giao đất nên bà con gặp khó trong phát triển sản xuất.

“Trước thực tế đất ở, đất sản xuất cho người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn, huyện Con Cuông đã tiếp tục đề xuất cấp trên giao một phần diện tích Vườn quốc gia Pù Mát về địa phương quản lý để giao đất ở, đất sản xuất cho người dân trong thời gian tới”. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông cho biết thêm.

THÀNH CHÂU - ĐÌNH PHƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/suc-song-moi-giua-dai-ngan-pu-mat-post829507.html