Sức sống mới ở Đăk Sơ Mei
Xã Đăk Sơ Mei (huyện Đak Đoa, Gia Lai) là vùng căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là quê hương của anh hùng Wừu. Sau 47 năm xây dựng, Đăk Sơ Mei đã mang diện mạo mới, những thôn làng với nhiều ngôi nhà mới khang trang.
Già làng Đinh Nhếp (thôn Tul Doa) từng là một dân quân thời kháng chiến chống Mỹ. Trong ngôi nhà sàn nhìn ra vườn cà phê đang kỳ rộ hoa, ông kể về những ngày địch càn quét vây ráp, cả làng phải bỏ chạy lên núi; kể về anh hùng Wừu, người con của Đăk Sơ Mei nhiều lần bị địch bắt, tra tấn chết đi sống lại nhưng một lòng thủy chung với Cách mạng; dẫn địch vào địa điểm mai phục để du kích ta tiêu diệt, còn ông ngã xuống dưới họng súng quân thù. Ông cũng kể về những năm tháng dân làng ăn củ mài, củ sắn, dành dụm góp lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội, cho đến ngày toàn thắng.
Già làng Đinh Nhếp rưng rưng: “Ngày trước, nhà nào được 50 gùi gạo thì cho cách mạng 25 gùi, mình lấy 25 gùi, làm được ít thì cho ít, được nhiều thì cho nhiều. Người dân ăn uống rất khổ vì muối không có, bột ngọt và mắm cũng không có, chỉ ăn lá rừng thôi, Thời gian đó thật là khổ nhưng vẫn theo Đảng, theo Bác Hồ, cứ theo Đảng và cách mạng thôi, khó khăn bao nhiêu cũng phải theo”.
Giọng già làng Đinh Nhếp vui hẳn lên khi nói về làng Tul Doa cùng cả xã Đak Sơ Mei hôm nay khi giao thông hoàn thiện, đi lại thuận lợi. Lớp trẻ nhiều em học hết cấp 3, có em học tới đại học. Bà con trong làng phần lớn đã biết trồng cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đất dốc thì bà con trồng rừng, đất tốt thì trồng thêm mít, chôm chôm, sầu riêng… giá trị kinh tế cao.
Ông Chrêng, Bí thư Đảng ủy xã Đak Sơ Mei cho biết, phát huy truyền thống của xã anh hùng, cả hệ thống chính trị vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa rẫy sang trồng cây công nghiệp, cây ăn trái… đã giúp đời sống của người dân đổi thay nhanh chóng.
“Là một xã đặc biệt khó khăn của huyện, vùng 3, có thể nói rằng, tốc độ phát triển đúng hướng, đời sống kinh tế của bà con từng bước nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, mức sống của người dân từng bước được nâng lên. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy và cả hệ thống chính trị của địa phương và sự quyết tâm nỗ lực của nhân dân để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghè”, ông Chrêng cho hay.
Trong các thay đổi toàn diện đang diễn ra ở Đăk Sơ Mei, thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách sống của người dân, có ý nghĩa quan trọng. Theo anh A Lanh Đinh Yôn, 37 tuổi (thôn Tul Doa), bà con Ba Na bây giờ không chỉ biết khoa học kỹ thuật mà còn biết hạch toán đầu tư, biết chi tiêu sao cho có lợi. Như gia đình anh, từ chỗ có bao nhiêu chi tiêu hết chừng ấy, nay đã có tích lũy phù hợp với thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
“Trước khi bắt đầu làm, tôi cũng không có kinh nghiệm đâu, nhưng về sau có lớp tập huấn, xã triển khai tập huấn để truyền đạt khoa học kĩ thuật thì tôi cũng tham gia và học hỏi. Sau đó học hỏi thêm mọi người xung quanh, những vườn liền kề người ta có kinh nghiệm như thế nào thì mình học hỏi thêm. Ai có nhu cầu học hỏi thì mình cũng sẵn sàng truyền đạt”, anh A Lanh Đinh Yôn nói.
Trên quê hương Anh hùng Wừu, người dân nơi đây vẫn luôn nhắc nhau rằng, những hy sinh, mất mát của cha anh ngày trước là để đổi lại cho cuộc sống ấm no hôm nay. Người Ba Na trên mảnh đất này đang viết tiếp những câu chuyện đẹp, đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/suc-song-moi-o-dak-so-mei-post931280.vov