Sức sống mới ở làng gốm Quyết Thành
Mẻ gốm vừa ra lò vào cuối tháng 7 vừa qua, tại lò gốm Liên Kiểm, thuộc làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế (Kim Bảng) có khá nhiều các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Những chiếc lọ hoa được đắp hoa văn tinh tế trở thành điểm nhấn của lô sản phẩm. Ngay cả một số chum cũng được đắp hình mang tính nghệ thuật dùng để trưng bày… Anh Lại Tuấn Sơn, quản lý lò gốm tâm sự: Cơ sở đang cố gắng tạo nên sức sống mới bằng các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Chúng tôi coi đấy là hướng đi giúp nâng tầm, phát huy và phát triển nghề gốm truyền thống của ông, cha để lại…
Mẻ gốm vừa ra lò vào cuối tháng 7 vừa qua, tại lò gốm Liên Kiểm, thuộc làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế (Kim Bảng) có khá nhiều các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Những chiếc lọ hoa được đắp hoa văn tinh tế trở thành điểm nhấn của lô sản phẩm. Ngay cả một số chum cũng được đắp hình mang tính nghệ thuật dùng để trưng bày… Anh Lại Tuấn Sơn, quản lý lò gốm tâm sự: Cơ sở đang cố gắng tạo nên sức sống mới bằng các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Chúng tôi coi đấy là hướng đi giúp nâng tầm, phát huy và phát triển nghề gốm truyền thống của ông, cha để lại…
Được biết, tại lò gốm Liên Kiểm hiện nay các công đoạn sản xuất đều đã được cải tiến, từ khâu làm đất, đầu tư hệ thống máy lọc đất đến máy ép bạt thủy lực tạo đất nguyên liệu để nâng cao hiệu quả và cho ra những sản phẩm chất lượng. Với công đoạn tạo sản phẩm được cơ sở đầu tư bàn xoay điện vê, vuốt sản phẩm đều và đỡ tốn thời gian hơn trước, đồng thời áp dụng công nghệ nung tiên tiến trong lò thủ công.
Theo đó, cơ sở đầu tư tấm kê chịu nhiệt cao của Nhật Bản để kê, đỡ sản phẩm khi vào lò và quá trình nung. Do vậy, sản phẩm hạn chế tối đa được tác động bởi sự co, ngót, bảo đảm chuẩn, đẹp, chín già đều. Đặc biệt, cơ sở đang đẩy mạnh cải tiến mẫu mã sản phẩm gốm. Cùng với nghệ nhân của làng, cơ sở gốm Liên Kiểm đã kết hợp với một số họa sỹ trong tỉnh tạo ra đa dạng các sản phẩm gốm mỹ nghệ, như: tượng phật, lọ hoa, đồ trưng bày… Cơ sở gốm Liên Kiểm cũng đầu tư lò nung gas có thể tích 3 m3 để nung các sản phẩm kỹ thuật có độ mỏng như: chuyên, chén, lọ đựng rượu các loại...
Vốn đam mê về gốm, họa sỹ Nguyễn Thị Mỹ Dung, công tác tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh dành toàn bộ thời gian ngoài giờ kết hợp với lò gốm Liên Kiểm sáng tạo các sản phẩm gốm mỹ nghệ và thử nghiệm đưa men vào các họa tiết, hoa văn nung trong lò thủ công. Chị Dung chia sẻ: Nhu cầu người chơi hiện nay đang quay về với sản phẩm gốm thủ công. Thế mạnh nữa, gốm thủ công cho ra các sản phẩm độc bản, tạo cảm hứng sưu tầm, cuốn hút người chơi. Việc sản xuất các sản phẩm gốm nghệ thuật là hướng đi tất yếu để phát triển đối với những lò gốm tại làng nghề Quyết Thành.
Những năm gần đây, làng gốm truyền thống Quyết Thành đã có sự thay đổi căn bản. Hiện nay 3 lò gốm thủ công của làng vẫn đang duy trì hoạt động và đều có sự đầu tư phát triển mới. Cùng với đó, có thêm 2 lò nung sử dụng công nghệ đốt ga hiện đại. Chính vì thế, sản phẩm của làng gốm đã đồng đều, đa dạng, phong phú với nhiều sản phẩm tinh, tốn ít nguyên liệu hơn, như: ấm chén, lọ hoa, lọ đựng rượu, chậu gốm nghệ thuật trồng cây cảnh… Cơ sở sản xuất Phú Thỏa của anh Nguyễn Đức Phú đã đầu tư xây dựng lò nung gas hơn 1 tỷ đồng.
Theo anh Nguyễn Đức Phú, với lò nung gas gần như sản phẩm không bị hỏng như lò thủ công. Lò gas rất phù hợp nung các sản phẩm kỹ thuật cao do có thể chủ động hoàn toàn về nhiệt độ. Đây là yếu tố quan trọng để các cơ sở sản xuất của làng nghề thường xuyên đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm gốm Quyết Thành hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Không ít khách hàng tìm về đặt riêng các sản phẩm theo nhu cầu.
Làng gốm Quyết Thành vốn nổi tiếng, được đánh giá cao do chất lượng đất sét và bàn tay khéo léo của những người thợ. Tuy nhiên, đã có thời gian làng gốm gần như bị mai một. Những sản phẩm làm ra không có sự đổi mới, dẫn đến thiếu sức cạnh tranh với các làng gốm nổi tiếng khác. Không ít nghệ nhân, thợ giỏi của làng gốm Quyết Thành đã bỏ nghề hoặc đi làm thuê tại Bát Tràng. Từ đầu năm 2018, sau thời gian dài khó khăn, HTX gốm Quyết Thành giải thể. Lò gốm chuyển sang cho các cá nhân quản lý đầu tư phát triển sản xuất.
Bác Lại Văn Liên, chủ lò gốm Liên Kiểm trăn trở: Là những người gắn bó với làng nghề gần trọn cuộc đời nên chúng tôi luôn đau đáu gìn giữ và phát triển nghề gốm. Khi còn HTX gốm Quyết Thành, tuy các lò gốm giao khoán nhưng vẫn mang tính tập thể. Vì thế, chúng tôi dù muốn đầu tư đổi mới, phát triển sản xuất theo xu thế thị trường rất khó. Khi được chuyển sang tư nhân hóa là bước thay đổi rất lớn, tạo sức bật mới cho làng nghề.
Thay đổi công nghệ và tìm hướng đi mới cho sản phẩm đang là tín hiệu vui cho làng gốm Quyết Thành. Nói như người dân làng gốm, từ khi chuyển đổi hình thức hoạt động, làng gốm được "cởi trói" và dần tạo nên sức sống mới trong quá trình phát triển.