Sức tàn phá của pháo bắn đạn hạt nhân đầu tiên trên thế giới
Sử dụng loại đạn hạt nhân W9 có sức nổ lên tới 15 Kiloton, pháo M65 của Mỹ có đủ sức mạnh san phẳng cả thành phố chỉ với một phát bắn.
Theo những dữ liệu được công bố trên trang web Military Factory, nhà chức trách Mỹ vào cuối năm 1949 cảm thấy quân đội nước này cần một vũ khí răn đe sử dụng đạn pháo hạt nhân, nên đã yêu cầu kỹ sư nổi tiếng khi đó là Robert Schwartz đảm nhận nhiệm vụ chế tạo loại khí tài trên.
Ông Schwartz đã dành nhiều tháng để thiết kế chi tiết về cỗ pháo, từ kích thước cỡ nòng cho đến phương thức vận chuyển. Vị kỹ sư này cũng xem xét qua nhiều ý tưởng, và tổng hợp thành mẫu thiết kế cuối cùng. Dự án sau đó được chuyển cho Lầu Năm Góc, và giới lãnh đạo đã phê duyệt sản xuất.
Tới năm 1952, quá trình sản xuất hoàn tất và cỗ pháo bắn đạn hạt nhân đầu tiên được đặt tên là M65. Tổng trọng lượng của M65 lên tới 78,41 tấn, với thiết kế cỗ pháo nằm ở giữa hai xe đầu kéo. Thời gian để dỡ cỗ pháo ra khỏi xe đầu kéo mất khoảng 12 phút. Tầm bắn tối đa của M65 đạt hơn 30km.
Loại đạn được M65 sử dụng là W9 có đường kính 280mm, dài 1,39m và nặng 390kg. Nó chứa 50kg uranium được làm giàu ở cấp độ vũ khí có sức công phá lên tới 15 Kiloton, tương đương quả bom Little Boy từng được Mỹ dùng trong thực chiến.
M65 được ra mắt công chúng Mỹ lần đầu vào tháng 1/1953, trong buổi duyệt binh mừng lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower.
Tới tháng 5 cùng năm, M65 được đưa vào thử tại Vùng thử nghiệm hạt nhân Nevada nằm ở quận Bye thuộc bang Nevada, Mỹ. Cuộc thử nghiệm được đặt mật danh là Grable, với sự theo dõi của các quan chức cấp cao khi đó gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Charles Erwin Wilson và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) Arthur W. Radford.
Cuộc thử nghiệm đã diễn ra thuận lợi, khi pháo M65 bắn đạn hạt nhân W9 về phía mục tiêu giả định nằm cách vị trí khai hỏa hơn 11km.
Trong các năm sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt hai xưởng vũ khí ở Watervliet và Watertown chế tạo ít nhất 20 khẩu M65. Số pháo này lần lượt được Washington triển khai tại một số quốc gia Tây Âu và Đông Á. Cứ sau vài tháng, các kíp điều khiển M65 nhận được lệnh di chuyển tới vị trí đóng quân mới.
Dù khả năng tác chiến của M65 đã được chứng minh thông qua thử nghiệm, nhưng với sự phát triển của máy bay ném bom tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào những năm cuối thập niên 1950, nên M65 đã mất đi tính răn đe vốn có. Tới năm 1963, M65 bị quân đội Mỹ loại biên.