Sức trẻ trên biên đội tàu hộ vệ tên lửa hiện đại
Làm chủ Biên đội tàu vô cùng hiện đại ấy là những cán bộ chiến sĩ có tuổi đời còn rất trẻ nhưng luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có lệnh.
Thực hiện lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cả Tổ quốc, Biên đội tàu hộ vệ tên lửa gồm 4 chiếc mang tên 011-Đinh Tiên Hoàng, 012-Lý Thái Tổ, 015-Trần Hưng Đạo và 016-Quang Trung- hiện đại bậc nhất khu vực được đưa vào biên chế hoạt động của lực lượng hải quân vào năm 2011 và 2018, và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân được giao quản lý, khai thác.
Những con tàu lớp Gepard 3.9 có nhiệm vụ độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu, tìm kiếm tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay địch, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ, bảo vệ các đoàn tàu của ta...
Kể từ khi tiếp nhận, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 162 đã vượt mọi khó khăn để khai thác, làm chủ trang thiết bị, vũ khí tối tân trên tàu. Làm chủ Biên đội tàu vô cùng hiện đại ấy là những CBCS có tuổi đời còn rất trẻ nhưng luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có lệnh.
Chúng tôi có mặt ở quân cảng Lữ đoàn 162 đúng lúc đơn vị đang huấn luyện thực hành tại bến. Những con tàu lái cập cảng, mũi hướng ra biển, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Cái nắng chói chang, oi nồng không làm giảm đi không khí huấn luyện sôi nổi, khẩn trương trên các con tàu.
Ngay sau khi khẩu lệnh báo động chiến đấu của thuyền trưởng được phát đi, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu nhanh chóng cơ động đến các vị trí theo bảng bố trí chiến đấu. Các vị trí chiến đấu báo cáo công tác chuẩn bị về đài chỉ huy. Mặc cho nắng nóng, mặc cho mồ hôi ướt đầm vai áo, nhiệm vụ khẩn trương, phức tạp, song các khẩu lệnh, các động tác của cán bộ chiến sĩ trên tàu vẫn dứt khoát, thuần thục và đầy tự tin.
Thiếu tá Đặng Văn Độ, Thuyền trưởng tàu 016 – Quang Trung cho biết: "Tàu luôn bám sát vào phương châm huấn luyện cơ bản thiết thực vững chắc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và đạt được yêu cầu đề ra đòi hỏi các đơn vị phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trong đó có việc phối hợp huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với các đơn vị có liên quan. Đó là một giải pháp rất quan trọng và cũng là cách làm rất hiệu quả, sáng tạo trong đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của tàu".
Làm chủ những con tàu với trang thiết bị hiện đại bậc nhất của Quân chủng Hải quân hiện nay đa phần là những cán bộ, chiến sĩ có tuổi đời còn rất trẻ. Nhiệm vụ nặng nề, áp lực, cường độ làm việc cao, liên tục, luôn phải hoạt động trên biển, xa bờ song các tàu đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, cán bộ chiến sĩ đồng lòng, luôn xác định “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, vượt qua nhiều thử thách luôn khắc phục khó khăn, làm tốt công tác huấn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là những chuyến đối ngoại quốc phòng.
Trung tá Vũ Khánh Hải, Thuyền trưởng tàu 015-Trần Hưng Đạo cho biết, được quản lý, chỉ huy một trong những tàu chiến hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân là niềm tự hào của riêng anh cũng như CBCS thực hiện nhiệm vụ trên tàu. Tuy nhiên để làm chủ con tàu, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tích lũy kiến thức, đặc biệt là ngoại ngữ bởi không chỉ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵng sàng chiến đấu mà tàu cùng biên đội còn có nhiệm vụ rất đặc biệt là đại diện cho Quân đội, Quân chủng Hải quân tham gia những chuyến đối ngoại quân sự quốc phòng.
"Để làm chủ trang bị kỹ thuật hiện đại, trước hết mỗi cán bộ chiến sĩ phát huy được tính tự giác tích cực, chủ động sáng tạo của người học để nâng cao trình độ chuyên môn. Trên cơ sở kiến thức nền được học tại các nhà trường quân đội cần phải có phương pháp vận dụng kiến thức đó vào khai thác, học tập thông qua các việc như nghiên cứu các tài liệu gốc, tài liệu chuyên ngành, phải học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ để vận dụng vào công việc bảo quản, khai thác, sử dụng đối với tàu. Tiếp tục huấn luyện theo phương châm cơ bản, thiết thực và vững chắc, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và góp phần xây dựng Lữ đoàn chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là mục tiêu huấn luyện", Trung tá Vũ Khánh Hải nói.
Chứng kiến không khí huấn luyện khẩn trương của từng bộ phận trên tàu với những thao tác nhanh, chính xác khi điều khiển tại các bộ phận mới thấy hết sự khổ luyện của mỗi CBCS. Chỉ học thuộc tính năng các nút điều khiển đã là cả một quá trình bởi tất cả đều bằng tiếng Nga, vậy mà hầu hết các CBCS đều đảm nhiệm tốt được 2-3 vị trí.
Thượng úy Lê Hồng Thái, trưởng ngành 5, tàu 012-Lý Thái Tổ cho biết: "Tài liệu của tàu cơ bản bằng tiếng Nga nên mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn phải nỗ lực nghiên cứu, học tập, bám sát những buổi huấn luyện chuyển giao của chuyên gia Nga sau đó ghi nhớ, thực hành,huấn luyện… Cường độ làm việc trên tàu rất cao, nhưng anh em luôn biết cách sắp xếp khoa học để có thời gian tự học tập nghiên cứu. Bởi lẽ, nếu không tự học, tự đọc, không nghiên cứu kỹ thì không thể nắm hết được trang thiết bị, tính năng, không chủ động và không tự tin khi thao tác thực hành huấn luyện chiến đấu, nhưng càng học càng nghiên cứu thì chúng tôi càng thêm yêu và gắn bó với con tàu".
Là cán bộ trẻ, quản lý, chỉ huy một ngành lớn trên con tàu hiện đại là vinh dự và là trách nhiệm lớn đối Đại úy Vũ Duy Kiên, trưởng ngành cơ điện tàu 015. Với nỗ lực của bản thân cùng nhiều sáng kiến, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị nhiều biện pháp chú trọng huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật; phát huy việc tự học, tự nghiên cứu tìm tòi để rút ngắn thời gian làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật... đóng góp vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, Vũ Duy Kiên vinh dự trở thành gương mặt điển hình tiên tiến của Lữ đoàn và Vùng 4 Hải quân giai đoạn 2019-2024.
Đại úy Vũ Duy Kiên chia sẻ: "Công tác trên con tàu hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân có trang bị kỹ thuật số hóa hiện đại thì việc nắm bắt kiến sâu tình trạng trang bị cũng như kiến thức chuyên môn, chuyên ngành nhưng nội dung tương đối phức tạp. Do đó, bản thân cũng cần phải tự giác học tập, nghiên cứu tài liệu để đảm bảo tốt công tác kỹ thuật của ngành cũng như công tác kỹ thuật trên tàu, nhất là đảm bảo vệ hệ động lực hoạt động, thực hiện tốt các nhiệm vụ đi biển dài ngày cũng như thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng".
Thiếu tá QNCN Hà Tuấn Anh, Trắc thủ Ra đa, tàu 011-Đinh Tiên Hoàng cho biết rằng, so với các tàu mặt nước khác thì tàu hộ vệ tên lửa có nhiều vũ khí trang thiết bị mới, sử dụng kỹ thuật số và công nghệ thông tin, bên cạnh đó tài liệu chủ yếu là tiếng Nga nên mỗi CBCS khi về tàu nhận nhiệm vụ đều phải nỗ lực rất nhiều.
"Là con tàu hiện đại, nhiều máy móc vũ khí mới nên phải ra sức học hỏi, cố gắng làm chủ các trang thiết bị, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Bản thân tôi và các CBCS khác luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi được làm việc trên con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại của Quân chủng Hải quân. Phát huy truyền thống của đơn vị của Vùng 4, chúng tôi vượt mọi khó khăn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc", Thiếu tá QNCN Hà Tuấn Anh cho biết.
Là đơn vị nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo của Vùng 4 Hải quân cũng là đơn vị có đội tàu chiến hùng mạnh, trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ trên giao cho Lữ đoàn 162 ngày càng nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 162 đã tập trung huấn luyện chiến đấu, có nhiều đổi mới trong phương pháp huấn luyện để đạt kết quả cao nhất.
Thượng tá Mai Văn Doanh, Chính ủy Lữ đoàn 162 khẳng định: "Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn không ngừng giáo dục, xây dựng bồi đắp lòng trung thành, bản lĩnh, ý chí chiến đấu của cán bộ chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; bình tĩnh, tự tin giải quyết tốt các tình huống diễn ra trong quá trình tuần tra, tuần tiễu trên biển; bảo đảm đúng đối sách, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo được phân công quản lý"
Được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của hải quân, là điểm sáng trên tất cả các mặt công tác, Lữ đoàn 162 được lựa chọn để các đơn vị trong toàn Quân chủng về học tập, trong đó Biên đội tàu hộ vệ tên lửa là nòng cốt. Có được điều này chính là sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó của mỗi CBCS. Sức trẻ, tình yêu biển, đảo, gắn bó với con tàu, với đơn vị như ngôi nhà thứ hai của mình. Các cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 162 đã xây dựng được “thương hiệu riêng”, khẳng định “chất thép”, sẵn sàng bảo vệ biển, đảo của tổ quốc trong mọi tình huống.