Sudan nỗ lực chấm dứt khủng hoảng sau đảo chính, Thủ tướng trở lại, phản ứng trong-ngoài... bất nhất

Tối muộn 20/11, quân đội Sudan và phe Thủ tướng bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 25/10 Abdalla Hamdok đã đạt được thỏa thuận, theo đó, lực lượng vũ trang nước này đồng ý phục chức cho ông Hamdok.

Thủ tướng Hamdok (phải) và Tướng Al-Burhan trong lễ ký thỏa thuận tối 20/11 tại thủ đô Khartoum. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Hamdok (phải) và Tướng Al-Burhan trong lễ ký thỏa thuận tối 20/11 tại thủ đô Khartoum. (Nguồn: AP)

Thỏa thuận 14 điểm được Tướng Abdel-Fattah Al-Burhan và Thủ tướng Hamdok ký tại phủ tổng thống ở thủ đô Khartoum, thống nhất phục chức thủ tướng và trả tự do các nhà lãnh đạo dân sự Sudan.

Phát biểu sau buổi ký, Tổng Tư lệnh quân đội al-Burhan đã gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Hamdok, đồng thời khẳng định, các cuộc bầu cử "tự do và minh bạch" sẽ được tổ chức ở Sudan như một phần trong quá trình chuyển tiếp dân sự.

Theo thỏa thuận mới đạt được mang tên "Sáng kiến quốc gia chung", các tổ chức chính trị, đảng phái, lực lượng đấu tranh vũ trang, quân đội và lực lượng dân sự cùng nhất trí giữ vững sự thống nhất quốc gia.

Ông Hamdok đảm nhiệm vai trò là Thủ tướng của thời kỳ chuyển tiếp. Các bên tiếp tục các thủ tục để đạt được sự đồng thuận về hiến pháp, luật pháp và chính trị thời kỳ chuyển tiếp.

Ngày 21/11, Văn phòng của ông Hamdok cho biết, quân đội đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại và rút các lực lượng an ninh bên ngoài nhà riêng của ông.

Trước diễn biến mới này, các lực lượng của Tự do và Thay đổi - liên minh dân sự đối lập chính ở Sudan - tuyên bố họ không công nhận bất kỳ thỏa thuận chính trị nào với quân đội, đồng thời khẳng định các cuộc biểu tình lớn phản đối quân đội tiếm quyền sẽ được tiếp tục.

Tương tự, Hiệp hội Chuyên gia Sudan (SPA) cũng bác bỏ thỏa thuận chính trị trên, tuyên bố rằng: “Thỏa thuận này không đáng tin cậy và chỉ liên quan các bên tham gia ký kết”.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận mới này.

Liên hợp quốc nhấn mạnh, việc Sudan "cần bảo vệ trật tự hiến pháp, để từ đó bảo đảm cho các quyền cơ bản".

Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat đánh giá cao việc ký kết thỏa thuận giữa Tướng Al-Burhan và Thủ tướng Hamdok, mô tả thỏa thuận vừa đạt được là bước đi quan trọng để đưa Sudan quay trở lại khuôn khổ hiến pháp, trong đó nhấn mạnh quá trình chuyển tiếp dân chủ.

Ông Mahamat khuyến khích tất cả các chủ thể chính trị và xã hội, dân sự và quân sự ở Sudan theo đuổi và thực hiện định hướng trên một cách hiệu quả và toàn diện, trên cơ sở hòa bình và hòa giải dân tộc.

Cũng trong ngày 21/11, Mỹ, Anh, Na Uy, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Thụy Sỹ cũng đã ra tuyên bố chung hoan nghênh quyết định phục chức thủ tướng cho ông Hamdok.

Trong khi đó, bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận chính trị vừa được ký kết, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố khẳng định, việc ký kết văn bản trên là một phần nhận thức và trách nhiệm nhằm đạt được sự đồng thuận để thúc đẩy quá trình chuyển tiếp diễn ra thành công, đem lại lợi ích to lớn cho người dân Sudan.

Động thái mới nhất tại Sudan được kỳ vọng sẽ khép lại những bất ổn tại quốc gia châu Phi này suốt gần một tháng qua, kể từ cuộc đảo chính bất ngờ ngày 25/10, các lực lượng quân sự Sudan tiến hành bắt giữ Thủ tướng Hamdok cùng các thành viên khác trong chính phủ nước này.

Tướng Burhan - người đứng đầu Hội đồng Tối cao cầm quyền và là nhân vật điều hành chính quyền sau cuộc đảo chính quân sự - sau đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán hội đồng này cùng chính phủ chuyển tiếp ở Sudan.

(theo AFP, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sudan-no-luc-cham-dut-khung-hoang-sau-dao-chinh-thu-tuong-tro-lai-phan-ung-trong-ngoai-bat-nhat-165571.html