Sulli tự tử và sợi dây kết nối đáng sợ giữa sao Hàn với fan

Nếu người hâm mộ bỏ tiền để mua những thứ ngôi sao của họ ca ngợi, họ cũng sẵn sàng bắt chước hành động cực đoan của người nổi tiếng. Cụ thể là tự tử.

Sàn sàn tuổi nhau. Lớn lên trong môi trường đề cao quan niệm truyền thống và trọng danh dự trên tất cả. Phải gồng mình đáp ứng các chuẩn mực khắt khe của xã hội Hàn Quốc ngay thuở mới thiếu niên.

Làm việc quần quật bất kể đêm ngày để theo đuổi giấc mơ. Bắt buộc phải thành công. Không được phép tụt lại phía sau. Không có chỗ cho sai lầm.

Những tương đồng kỳ lạ đó là sợi dây kết nối các thần tượng Kpop và người trẻ Hàn Quốc gần lại với nhau hơn bao giờ hết. Thế nhưng, cũng chính sự tương đồng trong những gì cả thần tượng lẫn fan phải đối mặt càng khiến tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc - quốc gia vốn từ lâu đã phải đương đầu với tình trạng người dân tuyệt vọng tìm đến cái chết - leo thang.

Bắt chước thần tượng bằng mọi giá

Với mật độ phủ sóng trên diện rộng và tầm ảnh hưởng lớn, các thần tượng Kpop là đối tượng được khai thác, tận dụng tối đa giá trị thương mại. Nói cách khác, họ trở thành công cụ hái ra tiền. Sự xuất hiện của họ bảo đảm cho mức độ thành công cho bất cứ sự kiện hay sản phẩm nào.

Tại Hàn Quốc, hơn 60% các quảng cáo tại nước này có sự góp mặt của các ngôi sao làng giải trí, trong đó lực lượng thành viên nhóm nhạc thần tượng chiếm đông đảo.

Các fan “ăn ngủ” cùng nhóm nhạc, phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình giống ca sĩ yêu thích và thậm chí học theo cả hành vi tích cực lẫn tiêu cực của thần tượng.

Ở các nước phương Tây, tỷ lệ này khiêm tốn hơn rất nhiều: Australia (18,2%), Đức (13,9%) và Hà Lan (13,4%). Ở nước láng giềng Nhật Bản, tỷ lệ cũng dừng ở mức 49%; Indonesia theo sau với 26,4%.

Và khi văn hóa Kpop trở thành một phần không thể thiếu của người trẻ Hàn Quốc, không khó hiểu khi từng nhất cử nhất động của giới idol cũng tác động đến đời sống fan.

Các fan “ăn ngủ” cùng nhóm nhạc, phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình giống ca sĩ yêu thích và thậm chí học theo cả hành vi tích cực lẫn tiêu cực của thần tượng.

Nói cách khác, nếu người hâm mộ bỏ tiền để mua những thứ ngôi sao của họ ca ngợi, họ cũng sẵn sàng bắt chước hành động cực đoan của người nổi tiếng. Cụ thể là tự tử.

Vì sao người hâm mộ cuồng nhiệt với thần tượng đến vậy? Một trong những lý do chính là họ muốn quên đi các áp lực, khó khăn bủa vây cuộc sống hiện tại.

Và đây là những thử thách khắc nghiệt mà bất kỳ một người trẻ Hàn Quốc nào cũng phải trải qua.

Nửa sau của thế kỷ 20, nền kinh tế Hàn Quốc chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, điều mà người Hàn vẫn tự hào gọi là “phép màu trên sông Hán”. Nhưng phép màu ấy không còn nữa sau khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng dần qua các năm.

Cổng trường đại học đồng nghĩa với “tấm vé vàng” quyết định thành bại sau này tại Hàn Quốc. Ngay từ bé, trẻ em nước này đã vùi đầu vào “cuộc chiến sinh tử” mang tên học hành, nỗ lực bằng mọi cách để đỗ đạt.

Ngay cả sau khi tốt nghiệp, người trẻ vẫn lao đầu tìm cách cải thiện cơ hội thành công trên thị trường việc làm. Tuy nhiên, số lượng cử nhân nước này từ lâu đã vượt quá nhu cầu của thị trường lao động.

Nhiều gánh nặng đè nén khiến thanh thiếu niên Hàn Quốc mang nặng cảm giác bế tắc, tuyệt vọng về tương lai. Như một tất yếu, người trẻ nước này oằn mình đối diện với chứng trầm cảm, rối loạn lo âu vì căng thẳng kéo dài.

Thế nhưng, dù là vấn nạn chung của cả xã hội, người dân Hàn Quốc vẫn mang nặng sự kỳ thị với các chứng bệnh liên quan đến tâm thần, sức khỏe tâm lý.

Tại Hàn Quốc, nếu một đứa trẻ gặp vấn đề về tâm lý, quyết định đi điều trị hay không phụ thuộc phần lớn vào cha mẹ và hầu hết phụ huynh đều cảm thấy miễn cưỡng.

Như một tất yếu, người trẻ nước này oằn mình đối diện với chứng trầm cảm, rối loạn lo âu vì căng thẳng kéo dài.

Năm 2011, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc chỉ ra chỉ có 15,3% số bệnh nhân mắc bệnh tâm lý tìm đến chữa trị y tế. Trung bình, người mắc trầm cảm mất đến 3-4 năm mới chịu đi khám. Con số thống kê không phản ánh toàn bộ khi chưa thể tính đến số lượng người Hàn nhất quyết không thừa nhận mình gặp bất ổn.

Bên cạnh đó, hệ thống điều trị sức khỏe tâm lý tại Hàn Quốc được đánh giá là còn nhiều thiếu sót và chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng người bệnh không tìm được sự trợ giúp như mong đợi.

Khi không thể tìm thấy lối thoát, nhiều người chọn cách tự chấm dứt cuộc sống. Tỷ lệ người vị thành niên tự tử tại Hàn đứng đầu thế giới và tăng ở mức đáng báo động trong 20 năm qua.

Kể từ năm 2007, tự tử trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc, theo báo cáo của Statistics Korea. Năm 2009, vấn nạn này trở nên trầm trọng nhất khi tỷ lệ chạm ngưỡng cao nhất ở mức 10,3%. Đến năm 2017, tỷ lệ này giảm nhẹ 0,1 % so với năm trước đó, song vẫn nằm ở mức cao 7,7%.

“Cộng đồng tang tóc”

Với vụ tự tử của Sulli, trong vòng một thập kỷ qua làng giải trí xứ Hàn chứng kiến không dưới 10 trường hợp các ngôi sao tự tử sau khi trải qua quãng thời gian dài vật lộn với chứng trầm cảm.

Cái chết của người nổi tiếng tạo ra cái mà nhà thơ Margaret Gibson gọi là "cộng đồng tang tóc”. Dễ thấy, khi một nghệ sĩ ra đi, khán giả sẽ lần lượt tưởng niệm, lật giở lại các mốc sự nghiệp, ngợi ca những ký ức về người đã khuất.

Với cộng đồng người hâm mộ, nỗi đau còn khoét sâu hơn khi họ phải trải qua khoảng thời gian khó khăn để chấp nhận sự thật rằng thần tượng đã ra đi mãi mãi.

Nghiêm trọng hơn, tự tử mang tính lây lan, thường được biết đến dưới cái tên hiệu ứng Werther, chỉ hành vi bắt chước tự tử của người khác. Hiện tượng này càng dễ xảy ra khi cái chết ban đầu thuộc về người nổi tiếng trong làng giải trí.

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Alex Mesoud, khả năng sao chép các vụ tự tử tăng cao sau khi khán giả hay tin ngôi sao nào đó đã chọn cách tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Các nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất có xu hướng cùng tuổi hoặc giới tính với người nổi tiếng.

Những người hâm mộ vốn luôn có cảm giác gắn kết, coi mình là phần không thể thiếu trong cuộc sống của idol, sẽ không tránh khỏi cảm giác rơi vào hố sâu tuyệt vọng.

Sự học theo này xuất phát từ việc công chúng thường theo dõi cuộc sống của các ngôi sao trong làng giải trí và bắt chước hành động của những người cùng trải qua nỗi đau tương tự với họ.

Điều này giúp giải thích lý do các vụ tử tự của các ngôi sao luôn xuất hiện với vẻ ngoài lạc quan, vui vẻ rạng ngời dễ khiến giới trẻ học theo hơn là những ngôi sao vốn có hình ảnh không mấy đẹp đẽ. Khi ngôi sao nhạc rock đình đám Kurt Cobain tự tử, hiệu ứng Werther không xảy ra do khán giả đã biết rõ tiền sử lạm dụng chất gây nghiện của ca sĩ này.

Các thần tượng Hàn Quốc vốn luôn xuất hiện với hình tượng hoàn hảo, vẻ ngoài tươi cười và sẵn sàng chiều lòng khán giả mọi lúc mọi nơi. Trầm cảm, suy sụp dường như không có chút ăn nhập nào với ngoại hình long lanh, tiền tài danh vọng nơi họ.

Và khi những ngôi sao ấy chọn cái chết để giải thoát, những người hâm mộ vốn luôn có cảm giác gắn kết, coi mình là phần không thể thiếu trong cuộc sống của idol, sẽ không tránh khỏi cảm giác rơi vào hố sâu tuyệt vọng.

Sự tắc trách của truyền thông

Đáng lo ngại hơn, sự gia tăng số ca tự tử tỷ lệ thuận với mức độ phủ sóng thông tin trên truyền thông.

Trước tháng 9/2008, tự tử bằng việc đốt than trong không gian kín không phải là điều phổ biến ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi nam diễn viên Ahn Jae-hwan chọn lựa cách thức này để quyên sinh, nhiều người dân Hàn Quốc đã học theo.

Thực trạng này bắt nguồn từ việc báo chí nước này đưa tin vội vàng, thiếu cẩn trọng về vụ việc. Trong số 597 bài báo được xuất bản trong hai ngày đầu tiên sau khi nam diễn viên ra đi, 40% bài miêu tả cụ thể cách Ahn Jae-hwan tự vẫn. 13/17 tin tức trên TV đề cập đến chi tiết than bị đốt cháy trong xe hơi của người quá cố.

Những thông tin tiêu cực được nhắc đi nhắc lại vô tình ăn sâu vào tiềm thức của công chúng về khả năng tử vong cao do ngộ độc khí carbon monoxide có trong than gây ra.

Trong trường hợp của Ahn Jae-hwan, truyền thông Hàn Quốc đã liên tiếp vi phạm các hướng dẫn đưa tin về tự tử do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Phòng chống Tự tử Hàn Quốc (KASP) và Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc (JAK) phát hành.

Cái chết của Sulli, Jonghyun hay bất cứ một idol nào không chỉ là câu chuyện người nổi tiếng quyên sinh vì trầm cảm. Nó phản ảnh một thực tế nghiệt ngã của xã hội Hàn.

Cái chết của một ngôi sao nào đó luôn là tin tức nóng hổi, giật gân song chuyện miêu tả quá chi tiết đến phương thức, nguyên nhân tự tử tạo nên tác động xấu đến cộng đồng. Thay vì đưa tin vội vàng hay suy đoán chủ quan về quyết định tự vẫn, điều báo chí cần làm là khuyên nhủ, cung cấp các nguồn tư vấn cho người có ý định tự tử.

Tại một đất nước có áp lực cuộc sống khắc nghiệt như Hàn Quốc, người trẻ càng dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Werther khi chứng kiến thần tượng của mình ra đi.

Cái chết của Sulli, Jonghyun hay bất cứ một idol nào không chỉ là câu chuyện người nổi tiếng quyên sinh vì trầm cảm. Nó phản ảnh một thực tế nghiệt ngã và những căng thẳng của xã hội Hàn. Và đặc biệt nghiêm trọng là mối nguy của sự lây lan và bắt chước tự tử, đòi hỏi cả xã hội phải xắn tay vào giải quyết.

Tháng 1/2018, chính phủ Hàn Quốc thông qua các giải pháp toàn diện nhằm giảm tỷ lệ tự tử ở nước này. Từ năm 2018, các cuộc khám sức khỏe bắt buộc sẽ bao gồm cả chẩn đoán trầm cảm.

Cái chết của các sao Hàn sẽ bớt phần đau thương nếu như chúng ta có thể rút ra được những bài học nhằm giảm sự kỳ thị với các chứng bệnh liên quan đến tâm thần, tăng cường các dịch vụ trợ giúp như đường dây nóng, nhân lực có chuyên môn.

Và quan trọng không kém là khán giả cần cảm thông, thấu hiểu hơn tác động của công chúng lên cuộc sống người nổi tiếng để từ đó góp phần giảm nhẹ những áp lực khắc nghiệt trên vai các thần tượng.

CedarBough T Saeji
Illustration: Như Ý Biên dịch: Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sulli-tu-tu-va-soi-day-ket-noi-dang-so-giua-sao-han-voi-fan-post1002360.html