Tại Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2021, Việt Nam đăng cai nội dung Xạ thủ bắn tỉa tại Trung tâm huấn luyện quân sự quốc gia 4.
Thay vì sử dụng các dòng súng bắn tỉa đời mới, các đội tuyển đều sử dụng súng bắn tỉa huyền thoại SVD do Liên Xô phát triển.
Nội dung Xạ thủ bắn tỉa diễn ra trong bốn giai đoạn, lần lượt là đánh giá kỹ năng cá nhân, đánh giá theo cặp, đánh giá đồng đội và đánh giá tốc độ. Thành tích của giai đoạn đầu tiên quyết định việc chia bảng cũng như nội dung thi đấu ở các giai đoạn sau.
Có thể nói, trong số những tượng đài về súng bắn tỉa không thể không kể đến Dragunov SVD - khẩu súng bắn tỉa đã thành huyền thoại.
Từ khi được giới thiệu vào đầu thập niên 1960 cho tới nay, súng trường bắn tỉa SVD đã trở thành một trong những biểu tượng vũ khí do Liên Xô phát triển sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, bên cạnh khẩu AK-47
SVD là khẩu súng bắn tỉa bán tự động sử dụng loại đạn kích thước 7,62 x 54 mm thành công nhất thế giới. Súng được sáng chế bởi nhà vũ khí lừng danh Yevgeny Dragunov.
Mẫu thiết kế của Yevgeny Dragunov đã đánh bại 2 mẫu thiết kế của Sergei Simonov, Aleksandr Konstantinov trong cuộc thi chung kết và trở thành súng bắn tỉa tiêu chuẩn cho quân đội Liên Xô.
Sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm khắt khe, mẫu thử nghiệm được chấp nhận đưa vào trang bị trong quân đội Liên Xô từ năm 1963.
Lô súng bắn tỉa SVD sản xuất thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào năm 1963 với 200 khẩu.
Loại súng này được nhà máy chế tạo súng trường Izhmash sản xuất hàng loạt vào năm 1964, kể từ đó về sau SVD đã trở thành súng bắn tỉa tiêu chuẩn cho quân đội các nước khối Warsaw.
Cuộc chiến tranh lớn đầu tiên mà súng thử lửa chính là chiến tranh Việt Nam. Ngay khi được trang bị SVD, các đơn vị bắn tỉa của quân đội Việt Nam đã gây ra nhiều thiệt hại cho đối phương.
SVD thuộc loại súng trường bán tự động hoạt động theo nguyên lý trích khí ngắn gắn khóa nòng xoay.
Khóa nòng của SVD có 3 rãnh để sử dụng trong việc đẩy vỏ đạn ra ngoài cũng như nạp viên đạn mới vào buồng đạn.
Nòng súng của SVD dài và mỏng để giảm trọng lượng, tăng tầm bắn. Bên trong nòng súng được mạ crome để chống ăn mòn.
Thiết kế nòng súng có 4 rãnh khương tuyến, viên đạn ra khỏi nòng súng với tỷ lệ xoắn 320mm, biến thể nâng cấp vào những năm 1970 giảm độ xoắn xuống còn 240mm.
SVD có ốp lót tay làm bằng gỗ có khoét lỗ vừa để làm giảm trọng lượng vừa tăng khả năng tản nhiệt cho súng. Báng súng và tay cầm ở vị trí cò súng được làm bằng gỗ liền khối phía trên có ốp tì má để ngắm bắn.
Biến thể SVD-S được thiết kế với báng súng có thể gập lại được để sử dụng cho lực lượng lính dù, nòng súng ngắn hơn, loa che lửa đầu nòng mới ngắn hơn.
Súng được trang bị kính ngắm quang học PSO-1. Kính ngắn này có sẵn bộ phận gá có thể lắp vào hoặc tháo rời khỏi súng một cách nhanh chóng.
PSO-1 có độ khuếch đại 4x với phạm vi nhìn thấy mục tiêu tối đa 1.200 mét, biến thể nâng cấp PSO-1M2 có phạm vi nhìn thấy mục tiêu tăng lên 1.300 mét.
SVD sử dụng cỡ đạn 7.62x54mm, hộp tiếp đạn 10 viên.
Ngoài đạn thông thường, súng Dragunov có thể bắn các loại đạn xuyên giáp, đạn vạch đường hay đạn cháy vào mục tiêu.
Nòng súng cũng có thể gắn bộ phận giúp hạn chế tạo ra tia lửa sau khi đạn rời nòng. Nó giúp vị trí ẩn nấp của xạ thủ không bị lộ sau mỗi lần siết cò.
Các bộ phận của súng bắn tỉa Dragunov SVD khi tháo rời. Tương tự như súng AK-47, súng bắn tỉa SVD cũng khá dễ dàng trong việc bảo quản lau chùi. Người lính có thể thao tác vệ sinh súng ngay tại mặt trận mà không đòi hỏi cần phải có phụ kiện hỗ trợ tháo lắp.
SVD có chiều dài tổng thể 1.225mm. Nòng súng dài 620mm với SVD tiêu chuẩn, 565mm với SVD-S, 600mm với SVU.
Trọng lượng của súng từ 4,3-5,02kg tùy biến thể. Tầm bắn hiệu quả của SVD là 800m, trong khi tầm bắn tối đa với kính ngắm quang học là 1.200-1.300m.
Súng có sơ tốc đầu nòng tương đối nhanh khoảng 830m/s. Thời gian từ khi viên đạn rời khỏi nòng súng đến khi chạm mục tiêu ở khoảng cách 1.300 mét chỉ mất khoảng 1,5 giây.
SVD đã chứng minh là một súng bắn tỉa có độ chính xác cao, dễ sử dụng và bảo quản trong điều kiện chiến trường. Từ nguyên mẫu này, Nga đã phát triển thành công các biến thể hiện đại như SVD-M và SVU.
Việt Hùng