Súng đã nổ trên đất Ukraine

Sau nhiều tuần căng thẳng, ngày 24-2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố phê chuẩn 'chiến dịch quân sự đặc biệt' đến miền Đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.

Theo lãnh đạo Nga, hành động quân sự này của Nga là nhằm bảo vệ hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk trước “cuộc diệt chủng” mà ông cho là Kiev đang tiến hành. Cộng đồng quốc tế đang có những phản ứng trái chiều về cuộc khủng hoảng quân sự này.Vào lúc 3 giờ sáng, giờ quốc tế, ngày 24-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trên đài truyền hình thông báo mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

“Tôi quyết định khởi động một chiến dịch quân sự đặc biệt với mục tiêu nhằm bảo vệ những người đang bị đàn áp và những nạn nhân của một vụ diệt chủng do chính quyền Kiev tiến hành từ 8 năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Nga nỗ lực phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, đưa ra công lý những người gây nên tội ác đẫm máu nhắm vào thường dân mà trong đó có cả những công dân của Liên bang Nga. Kế hoạch của Nga không nhằm chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.Chúng tôi không có ý định áp đặt bất cứ điều gì với bất kỳ một ai”.

Vụ nổ ở thành phố Kharkiv, Ukraine.

Vụ nổ ở thành phố Kharkiv, Ukraine.

Tổng thống Putin cảnh báo, nước Nga sẽ dẹp trừ tập đoàn quân sự đang cầm quyền tại Kiev và theo quan điểm của Nga, đấy không hơn không kém là một chế độ “tân phát xít”. Nguyên thủ Nga kêu gọi các binh sĩ Ukraine buông súng đồng thời cảnh cáo tất cả những ai có ý đồ can thiệp, cản trở nước Nga hay đe dọa nước Nga, dân tộc Nga cần biết rằng nước Nga sẽ lập tức đáp trả và sẽ phải lãnh lấy những hậu quả chưa từng thấy trong lịch sử.

Tổng thống Nga nói việc phê chuẩn chiến dịch quân sự là giải pháp cuối cùng, nhằm bảo vệ người dân. Những tình huống như vậy cần hành động quyết đoán từ Nga, theo ông Putin. Tổng thống Putin đã chọn đúng thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhóm họp lần thứ hai trong tuần để tìm giải pháp cho khủng hoảng Ukraine, để thông báo quyết định phát động chiến dịch quân sự.

Hãng thông tấn Interfax của Nga cho biết quân đội nước này đã đổ bộ vào hai thành phố Mariupol và Odessa của Ukraine. Mariupol là thành phố thuộc vùng Donbas, miền Đông Ukraine.Trong khi đó, Odessa nằm ở Tây Nam Ukraine và cách xa biên giới Nga nhưng có nhiều người gốc Nga sinh sống. Reuters cho biết tiếng nổ của đạn pháo đã được ghi nhận tại thành phố Donetsk do lực lượng ly khai miền Đông Ukraine kiểm soát, vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thực hiện hoạt động quân sự tại Ukraine.

“Cơ sở hạ tầng quân sự, trận địa phòng không, sân bay và lực lượng không quân Ukraine đã bị vô hiệu hóa bằng các loại vũ khí có độ chính xác cao”, quân đội Nga cho biết. Lực lượng này cũng tuyên bố không nhằm vào các thành phố hay dân thường. Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga ngày 24-2 cho biết đã phá hủy 74 mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự trên mặt đất của Ukraine sau các đợt không kích. Hiện chưa có thông tin thêm về vị trí các mục tiêu mà Nga đã đánh phá.

Ngày 24-2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố phê chuẩn “chiến dịch quân sự đặc biệt” đến miền Đông Ukraine.

Ngày 24-2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố phê chuẩn “chiến dịch quân sự đặc biệt” đến miền Đông Ukraine.

Vài giờ sau khi quân đội Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch đặc biệt ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Ukraine ban bố thiết quân luật khắp cả nước, đồng thời kêu gọi toàn dân không hoảng sợ, sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống và ông tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói thêm rằng ông đã điện đàm với nguyên thủ nhiều quốc gia. Theo AFP, sau 3 cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đức, ông Zelensky tuyên bố “Chúng tôi đang thành lập một liên minh chống Nga”.

Tại Liên Hợp quốc, Đại sứ Ukraine đã chỉ ra sự vô ích của cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 24-2, nơi các đồng minh NATO lên án sự hung hăng của Nga, theo New York Times. Viết trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói tương lai châu Âu và thế giới đang bị đe dọa, yêu cầu hành động ngay lập tức. Ông Kuleba liệt kê những phương thức trừng phạt, bao gồm loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, cô lập Nga trên mọi phương diện, viện trợ vũ khí và thiết bị cho Ukraine, hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.

Phản ứng trước tuyên bố phát động chiến dịch quân sự của ông Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang theo dõi tình hình chặt chẽ và sẽ sớm trao đổi với các đối tác G7. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh Nga phải chịu trách nhiệm về những tổn thất sinh mạng sắp xảy đến. Ông cho biết sẽ sớm phát biểu trước người dân Mỹ về những hậu quả mà Nga sẽ đối mặt. Ông Biden nói Mỹ sẽ tham gia cùng các đồng minh NATO để bảo đảm đòn phản ứng mạnh mẽ, thống nhất và quyết đoán trước các hành động của Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ trích hành động của Nga và gọi đây là sự phá vỡ luật pháp quốc tế một cách “phi lý và hiển nhiên”.Ông cho biết Berlin sẽ tham vấn các đối tác thuộc nhóm G7, NATO và Liên minh châu Âu (EU).Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố cảm thấy “kinh hoàng” trước tình hình tại Ukraine.

Tại Bruxelles, lãnh đạo ngoại giao EU, Josep Borrell tuyên bố: Liên minh châu Âu lên án hành động “không thể tha thứ được” của chính quyền Nga và cảnh báo Moscow sẽ bị “cô lập chưa từng có”. Về phản ứng của Pháp, trên Twitter, Tổng thống Emmanuel Macron đã “nghiêm khắc lên án quyết định gây chiến của Nga chống lại Ukraine”, đồng thời khẳng định “Pháp đứng về phía Ukraine và phối hợp hành động với các đối tác cùng đồng minh để ngăn chặn chiến tranh”. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ông Putin ngừng tấn công “vì nhân loại”.“Tổng thống Putin hãy rút quân về nước, vì nhân loại”, ông Guterres nói, sau cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an.

Trong buổi họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 24-2 bác bỏ cụm từ “xâm lược” mà một nhà báo phương Tây dùng để mô tả hành động của Nga. “Trung Quốc một lần nữa kêu gọi mọi bên không đóng cánh cửa dẫn tới hòa bình, đồng thời cần cam kết đối thoại và thương lượng”, bà Hoa nói.

Nhận định rằng tình hình có “bối cảnh lịch sử phức tạp”, bà Hoa cho biết Trung Quốc đang theo sát diễn biến ở Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ở Ukraine kiềm chế, theo Reuters. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhận định một số quốc gia đã theo chân Mỹ để đổ dầu vào lửa. Bà tin rằng các lo ngại an ninh chính đáng của mọi bên sẽ được tôn trọng. Bà Hoa nhận định Nga là một nước độc lập và có thể tự ra quyết định căn cứ vào lợi ích của mình.

Đại diện của Nga tại Liên Hợp quốc, ông Vasily Nebenzya, đã nói với Hội đồng Bảo an rằng đây không phải một cuộc chiến mà là “hoạt động quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine”. Bất chấp những lời chỉ trích, ông Vasily Nebenzya cho biết các hoạt động quân sự của Nga theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp quốc, cho phép “tự vệ”.

“Dựa theo khoản 7, Điều 51 Hiến chương, được sự phê chuẩn của Hội đồng Liên bang và tuân thủ các hiệp ước hữu nghị đã được Quốc hội Liên bang ký kết với “Cộng hòa nhân dân Donetsk” (DPR) và “Cộng hòa nhân dân Lugansk” (LNR), tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt”, ông Putin phát biểu ngày 24-2.

Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết nước này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.

Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết nước này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.

Theo AFP, các thành viên Hội đồng Bảo an đang chuẩn bị đưa ra một dự thảo nghị quyết về Ukraine, trong đó sẽ chỉ trích Nga về các hành động của họ đối với nước láng giềng. Nhưng, động thái này chắc chắn thất bại.Nghị quyết sẽ không được thông qua vì Nga có quyền phủ quyết nhưng động thái cho Washington và các đồng minh cơ hội chứng tỏ rằng Moscow đang bị quốc tế cô lập vì các hành động đối với Ukraine.

Trước tình hình tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường đối thoại, giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc. “Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết ngày 23-2.

Một phần của lịch sử

Trước khi cho quân đội vượt biên giới Ukraine để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, trong cuộc họp Hội đồng An ninh Liên bang Nga về tình hình khu vực Donbass thuộc miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia nói về các vấn đề như quan hệ Nga - Ukraine, tình hình miền Đông Ukraine và việc đảm bảo an ninh cho nước Nga.

Ông Putin cho biết Ukraine không chỉ là nước láng giềng, mà còn là một phần lịch sử chung của nước Nga. Ukraine được thừa hưởng vùng đất lịch sử của Nga nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã trở thành công cụ để các nước phương Tây kiềm chế Nga. Ngoài ra, ông Putin cũng lên án việc NATO mở rộng về phía Đông đã châm ngòi cuộc khủng hoảng và cho rằng NATO do Mỹ dẫn đầu là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.

Một xe radar phòng không tại căn cứ quân sự của Ukraine bên ngoài thành phố Mariupol bị trúng tên lửa, bốc cháy.

Một xe radar phòng không tại căn cứ quân sự của Ukraine bên ngoài thành phố Mariupol bị trúng tên lửa, bốc cháy.

Ngay sau bài phát biểu, đó là việc ông Putin ký sắc lệnh công nhận hai nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Luhansk, đồng thời ký hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ giữa Nga với hai nước cộng hòa này. Theo hiệp ước, hai bên cam kết bảo vệ lẫn nhau, đồng thời lần lượt ký các thỏa thuận hợp tác quân sự và công nhận biên giới của nhau. Theo đó, Nga có quyền thiết lập căn cứ quân sự ở vùng Donbass và hai nước cộng hòa cũng có thể thiết lập căn cứ trong lãnh thổ Nga.

Ngoài ra, theo sắc lệnh của ông Putin, các lực lượng vũ trang Nga sẽ thực hiện chức năng bảo vệ hòa bình ở hai nơi này, còn Bộ Ngoại giao Nga sẽ thảo luận về việc thiết lập “quan hệ ngoại giao” với cả hai... Và, trong lúc cả thế giới còn đang đắn đo xem nên làm gì để trừng phạt nước Nga thì họ đã đi trước một bước. Chiến tranh là điều không ai muốn, song “tình hình đòi hỏi chúng tôi phải có hành động dứt khoát, nhanh chóng” - Tổng thống Putin nói trong một bài phát biểu về hành động quân sự của Nga đối với Ukraine.

Nga là quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, trừng phạt Nga hay trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin vì vấn đề Ukraine sẽ khiến phương Tây phải trả giá không hề nhẹ, bởi vì để đánh vào chỗ hiểm của Nga, phương Tây sẽ phải tự làm tổn thương mình và cả thế giới. Nhà phân tích chính trị Josh Rogin nói: “Tổng thống Mỹ phải lo lắng về các cuộc thăm dò trong nước khi ông ấy sắp bước vào mùa bầu cử mới và các nhà lãnh đạo ở châu Âu cũng có những ràng buộc chính trị trong nước. Điều đó cuối cùng sẽ giới hạn phạm vi phản ứng của đồng minh có thể thực hiện để trừng phạt Nga và Tổng thống Putin”.

Phân biệt chiến dịch quân sự đặc biệt và hoạt động quân sự quy mô lớn

Theo một phân tích của trang Kp.ru, không nên nhầm lẫn giữa chiến dịch quân sự đặc biệt mà Tổng thống Putin tuyên bố với chiến dịch quân sự quy mô lớn.

Hoạt động quân sự thông thường là các hành động quân sự phối hợp của các lực lượng vũ trang để đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương hoặc để tấn công, phá hủy các vị trí quân sự hoặc mục tiêu chiến lược của đối phương. Một hoạt động quân sự như thế có thể ở tiền tuyến, do quân đội thực hiện hoặc được thực hiện bởi các lực lượng nhỏ hơn, từ cấp sư đoàn trở xuống, để đạt được ưu thế chiến lược hoặc tác chiến - chiến thuật.

Còn chiến dịch quân sự đặc biệt là một tổ hợp các hoạt động tìm kiếm, trinh sát, phản gián, các biện pháp ngăn ngừa do các lực lượng liên quan thực hiện theo kế hoạch duy nhất ở một hoặc một số khu vực, dưới sự kiểm soát tập trung, nhằm ngăn chặn, trấn áp và loại bỏ hậu quả của một tình huống hay trạng thái khủng hoảng nào đó. Chẳng hạn như chiến dịch hiện đang diễn ra ở Donbass, có sự tham gia của cả các đơn vị như FSB, Bộ Nội vụ, Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga.

Huy Thông (Tổng hợp)

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/sung-da-no-tren-dat-ukraine-i645402/