Suối Bu - từ xóm nghèo trở thành miền quê đổi mới

Vốn là xóm có điều kiện đặc biệt khó khăn, cách đây khoảng dăm, bảy năm, Suối Bu thuộc xã Trường Sơn cũ, nay là xã Cao Sơn (Lương Sơn) được coi là xóm

Vốn là xóm có điều kiện đặc biệt khó khăn, cách đây khoảng dăm, bảy năm, Suối Bu thuộc xã Trường Sơn cũ, nay là xã Cao Sơn (Lương Sơn) được coi là xóm "nhiều không”. Đến nay, với sự cố gắng, nỗ lực vượt khó, chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xóm, từ chỗ là địa bàn nhiều không, nhiều khó khăn, Suối Bu đã vươn lên trở thành miền quê đổi mới...

Trưởng xóm Đinh Công Thuần (thứ 2 từ trái sang) trao đổi, nắm bắt tình hình đời sống, phát triển kinh tế của người dân xóm Suối Bu, xã Cao Sơn (Lương Sơn).

Trưởng xóm Đinh Công Thuần (thứ 2 từ trái sang) trao đổi, nắm bắt tình hình đời sống, phát triển kinh tế của người dân xóm Suối Bu, xã Cao Sơn (Lương Sơn).

Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông mới mở, thênh thang giữa cánh đồng xanh ngát, Trưởng xóm Suối Bu Đinh Công Thuần chia sẻ, đoạn đường đang đi trước là đồng sâu, ruộng thụt, chỉ có con đường nội đồng bằng tấm ván cửa để người dân chở lúa trong mỗi vụ gặt. Không chỉ vậy, cách đây khoảng dăm, bảy năm, quanh xóm chỉ là những con đường đất lầy thụt khi mưa xuống, bụi đến bạc má vào ngày nắng. Không ai có thể hình dung được mọi thứ lại đổi thay như hiện giờ, khi cả xóm không còn tuyến đường nào lầy thụt, kể cả những tuyến đường vào khu sản xuất xa nơi dân cư...

Góp thêm câu chuyện với Trưởng xóm Đinh Công Thuần, chị Bùi Thị Vân, một người dân trong xóm kể: Trước đây Suối Bu không chỉ nghèo về cơ sở hạ tầng, đường sá mà cuộc sống của người dân cũng trăm bề thiếu thốn, hầu hết chỉ phụ thuộc vào việc canh tác vài ba chân ruộng cạn. Ruộng đất ít, lúa được mang lên trồng trên đồi để lấy cái ăn. Ngoài lúa, ngô, sắn, người dân vào rừng lấy măng, chặt tre, nứa bán cho người dân làng nghề thủ công ở Chương Mỹ, Thanh Oai (Hà Nội) kiếm cân gạo đắp đổi qua ngày...

Những tưởng cuộc sống gian khó, cái nghèo, cái đói bám dai dẳng trên mảnh đất này... Nhưng những lo lắng đó đã không xảy ra khi người dân Suối Bu nỗ lực vươn lên cùng với sự đồng hành, hỗ trợ, giúp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đầu tiên là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, đường được Nhà nước đầu tư bằng các nguồn vốn phát triển với sự tham gia tích cực của người dân. Người dân tự bảo nhau hiến đất, góp công, góp của để làm. Tiếp đó là việc triển khai các chương trình, hỗ trợ thực hiện các mô hình kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế rừng bền vững. Cùng với đó là nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình được người dân Suối Bu học tập, áp dụng vào thực tế ở địa phương. Chính những điều này đã trở thành động lực mạnh mẽ để đưa Suối Bu từng bước vươn lên.

Theo Trưởng xóm Đinh Công Thuần, đến nay, ngoài hệ thống đường giao thông được mở rộng, cứng hóa 100% thì các công trình hạ tầng nông thôn, thiết chế văn hóa của xóm như nhà văn hóa, sân chơi thể thao; các công trình xử lý rác, đảm bảo vệ sinh môi trường đều được đầu tư cơ bản hoàn thiện trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm. Có được điều này là do địa phương đã phát huy nội lực từ nhân dân khi huy động được sự tham gia, tích cực đóng góp sức lao động và của cải, vật chất để xây dựng.

Trong 118 hộ dân với 575 nhân khẩu cả xóm, ngoài những thanh niên đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy trên địa bàn huyện, số người ở lại trong độ tuổi lao động đều tích cực tham gia các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, đời sống kinh tế của người dân Suối Bu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Cùng với đầu tư trồng rừng sản xuất (chủ yếu là keo lấy gỗ), các hộ dân trồng tre Bát Độ để lấy măng, trồng cây ăn quả như bưởi, nhãn kết hợp với chăn nuôi.

Theo ông Đinh Công Thuần, nếu trước đây do khó khăn về đường giao thông, chưa có đường, sản phẩm nông, lâm sản và chăn nuôi của bà con làm ra phải chịu giá thấp hơn các nơi khác vì mất công vận chuyển, sau khi hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ, thậm chí vào đến tận chân đồi, khu sản xuất thì sản phẩm nông sản được tư thương thu mua với giá thị trường. Nhờ vậy, đời sống của người dân trong xóm từng bước được nâng lên.

Theo tính toán, đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt trên 45 triệu đồng. Cả xóm hiện chỉ còn 6/118 hộ nghèo. Đáng nói hơn, nhiều hộ vốn có hoàn cảnh khó khăn đã từng bước thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá không chỉ của xóm mà trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, như hộ anh Bùi Văn Công với mô hình kinh tế tổng hợp kết hợp trồng rừng, buôn bán lâm sản mỗi năm có nguồn thu từ 600 - 700 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều hộ có nguồn thu từ 200 triệu đồng/năm trở lên nhờ trồng cây ăn quả, chăn nuôi như hộ anh Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Định, Nguyễn Văn Nhung, Đinh Công Tuấn... Những cố gắng, nỗ lực đó đã đưa Suối Bu trở thành miền quê đáng sống với khung cảnh thơ mộng, yên bình, môi trường sống luôn được đảm bảo ở khu vực phía Tây của huyện Lương Sơn.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/193071/suoi-bu-tu-xom-ngheo-tro-thanh-mien-que-doi-moi.htm