Suối nguồn cảm hứng của nhạc sỹ Lào Cai
LCĐT – Lào Cai - nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số là mảnh đất màu mỡ, khơi nguồn sáng tác cho các nhạc sỹ.
“Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu đời sống và bản sắc văn hóa của đồng bào Mông. Trong đó, thứ âm hưởng mà chỉ dân ca người Mông mới có, hay lắm! Nó trầm bổng, hào sảng, nhiều quãng nhảy. Nghe tiếng nhạc mà hình dung ra được khí chất những người con của núi rừng” - nhạc sỹ Phùng Chiến, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Lào Cai (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) đã bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về việc đi tìm chất liệu và nguồn cảm hứng sáng tác để viết lên ca khúc “Sa Pa - nơi gặp gỡ đất trời” - nhạc phẩm làm nên tên tuổi của ông.
Ít ai biết rằng, để viết nên bản tình ca này, nhạc sỹ Phùng Chiến cần tới 16 năm để dưỡng nuôi cảm xúc, gọt dũa ca từ và tìm hiểu, truyền tải sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Có lẽ, nhờ sự tìm tòi, nghiêm túc và khéo léo, sáng tạo trong sáng tác, khi ca khúc “Sa Pa - nơi gặp gỡ đất trời” vang lên đã phác họa cho người nghe hình ảnh về cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông một cách chân thực, rõ nét và ẩn chứa trong đó là chất nhạc riêng của dân ca dân tộc này.
Không chỉ đồng bào Mông mà chất liệu dân gian của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là dân tộc vùng Tây Bắc cứ trở đi trở lại, biến hóa linh hoạt, đầy màu sắc và là nguồn chất liệu dồi dào để ông viết gần 150 tác phẩm.
Mượn lời từ câu ca dao: “Đố ai quét sạch lá rừng/Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây”, cùng với âm hưởng dân ca dân tộc Dao, thêm chút sắc màu của núi rừng Tây Bắc, nhạc sỹ Phùng Chiến đã sáng tác nên ca khúc “Kèn lá đêm trăng”. Những câu hát bật lên nỗi nhớ nhung của người con trai hướng về người con gái “Lá quế làm kèn nhớ/Lá hồi làm kèn thương/Bao nhiêu, bao nhiêu lá rừng/Bấy nhiêu, bấy nhiêu thương nhớ”. Hoặc như ca khúc “Cánh còn cầu duyên” với âm hưởng dân ca rõ nét của đồng bào Tày mộc mạc, thuần khiết, giản đơn; “Lửa cháy đêm xòe” gợi cho người nghe sắc màu văn hóa Thái…
Theo nhạc sỹ Phùng Chiến, chất liệu dân gian rất gần gũi trong đời sống, đến từ câu ca dao, hò, vè, điệu hát ru, từ dân nhạc, dân vũ của cộng đồng mỗi dân tộc. Bản thân mỗi người từ khi sinh ra đã được tiếp xúc với chất liệu âm nhạc dân gian, trong lời hát ru của bà, của mẹ, khi lớn lên là lời hát giao duyên, thậm chí là những thanh âm, thanh sắc xuất hiện trong nghi lễ truyền thống. Với nhạc sỹ, chất liệu dân gian là cái nôi, mảnh đất dưỡng nuôi cảm hứng. Nhưng chỉ vậy thì chưa đủ, điều quan trọng là nhạc sỹ phải biết sáng tạo trên nền chất liệu ấy, để mỗi tác phẩm mang sắc màu riêng, dấu ấn riêng.
Còn đối với nhạc sỹ trẻ Vũ Đình Trọng, Chi hội phó Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh, mỗi chuyến đi thực tế, tìm hiểu bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc lại cho anh thêm nhiều kiến thức, tạo nguồn cảm hứng trong sáng tác nhạc. Lào Cai - nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số - trở thành mảnh đất màu mỡ, khơi nguồn sáng tác không chỉ cho anh mà cả các nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh.
Tham gia sáng tác nhạc từ năm 2009 tới nay, nhạc sỹ Vũ Đình Trọng đã ra mắt gần 20 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc. Trong hầu hết tác phẩm của anh hiện rõ nét âm hưởng âm nhạc dân gian của cộng đồng các dân tộc. Như ca khúc “Về với em quê hương điệu khắp Nôm” được sáng tác dựa trên âm hưởng dân ca dân tộc Tày, còn “Giữa Y Tý đại ngàn” lại đậm chất nhạc và hình ảnh của những người con Hà Nhì ở miền cao núi nhọn.
Theo nhạc sỹ Vũ Đình Trọng, ca khúc muốn sống lâu trong đời sống, trong lòng thính giả thì phải có hồn cốt, nét độc đáo riêng và cái hồn cốt ấy đến từ bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng. Việc khai thác, sử dụng chất liệu dân gian cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công của tác phẩm âm nhạc.
“Để khai thác và sử dụng, truyền tải chất liệu dân gian vào mỗi tác phẩm đòi hỏi nhạc sỹ phải tiếp cận sâu, thực sự ngấm, bởi nghệ thuật không phải là sự sao chép, rập khuôn, nhàm chán. Khi nhạc sỹ hiểu, thấm được chất liệu dân gian của mỗi cộng đồng thì mới có thể lựa ý tứ, chọn âm hưởng và cho mình phương thức làm mới dân ca, lồng ghép tiết tấu dân gian vào hơi thở của thời đại”, nhạc sỹ Vũ Đình Trọng tâm sự.
Theo dòng chảy của thời đại và xu thế hội nhập, âm nhạc đã có nhiều biến chuyển, phù hợp với đời sống và nhu cầu của xã hội. Dù vậy, đối với nhạc sỹ, việc khai thác và truyền tải rõ nét sắc màu văn hóa từ chất liệu dân gian luôn là điều mà họ khát khao hướng tới. Đó không chỉ là sự sáng tạo thuần túy, mà hơn cả là tình yêu của người sáng tác nhạc với chất liệu dân gian giản đơn, ngọt ngào, đằm thắm. Đây cũng là cách bảo tồn, phát huy văn hóa của cộng đồng các dân tộc, không để mai một theo thời gian.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/suoi-nguon-cam-hung-cua-nhac-sy-lao-cai-post367081.html