Suối nước nóng kìm hãm tham vọng lớn của Nhật Bản

Trong nhiều thập kỷ, chủ nhân của những suối nước nóng đã kìm hãm tham vọng năng lượng địa nhiệt của Nhật Bản, coi đó là mối đe dọa với nền văn hóa của nước này.

Suối nước nóng là địa điểm nghỉ dưỡng được yêu thích ở Nhật Bản. Quốc gia Mặt Trời mọc có hàng nghìn khu nghỉ dưỡng suối nước nóng nép mình trong núi hoặc nằm trên bờ biển tuyệt đẹp. Một vài địa điểm trong số đó đã mở cửa nhiều thập kỷ qua.

Tất cả suối nước nóng đều được cung cấp bởi nguồn năng lượng địa nhiệt dồi dào. Trên thực tế, Nhật Bản có tiềm năng lớn về năng lượng địa nhiệt.

Nếu được khai thác để tạo ra điện, nó có thể đóng vai trò chính trong việc thay thế các nhà máy điện than, khí đốt hoặc hạt nhân.

Với hơn 100 ngọn núi lửa đang hoạt động, Nhật Bản có nguồn tài nguyên địa nhiệt lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh suối nước nóng đã kiên quyết phản đối việc phát triển địa nhiệt, theo Japan Times.

Trong khi đó, AFP nhận định việc khai thác địa nhiệt để sản xuất điện là một vấn đề vẫn gây chia rẽ ở Nhật Bản - một quốc gia được đánh giá là nghèo tài nguyên.

Tranh cãi

Yoshiyasu Sato, chủ nhà trọ Daimaru Asunaroso nằm cạnh suối nước nóng ở tỉnh Fukushima, cho biết: “Sự phát triển địa nhiệt tràn lan là mối đe dọa đối với nền văn hóa của chúng tôi”.

“Nếu có chuyện gì xảy ra với onsen (suối nước nóng) của chúng tôi, ai sẽ trả tiền?”, ông Sato đặt câu hỏi.

Nhật Bản đang khai thác rất ít tài nguyên địa nhiệt của mình. Theo các nhà phân tích, nước này chỉ tạo ra khoảng 0,3% điện năng từ năng lượng địa nhiệt.

Dù đang rất cần những phương pháp sản xuất điện mới và sạch hơn, quốc gia này lại được cho là đang lãng phí tài nguyên địa nhiệt của mình.

Trong nhiều thập kỷ, những nhà trọ như của ông Sato đã phản đối các dự án địa nhiệt vì lo ngại rằng chúng sẽ làm hỏng suối nước nóng giàu khoáng chất của họ.

Trong một động thái phủ đầu, ông Sato đã trang bị cho Asunaroso thiết bị giám sát theo dõi lưu lượng nước và nhiệt độ trong thời gian thực. Ông cũng đang thúc đẩy các onsen trên toàn quốc làm điều tương tự. Không những vậy, ông đã lãnh đạo phe phản đối phát triển địa nhiệt tại nước này.

Giới chức Nhật Bản, các công ty điện lực khổng lồ và thậm chí doanh nghiệp sản xuất lớn đều gặp khó trong việc đối phó với sự phản đối của họ.

 Hồ nước nóng ở Beppu có màu đỏ tự nhiên. Ảnh: New York Times.

Hồ nước nóng ở Beppu có màu đỏ tự nhiên. Ảnh: New York Times.

Ông Shuji Ajima, thuộc Công ty Phát triển Điện lực có trụ sở tại Tokyo (J-Power), khẳng định suối nước nóng đã dẫn đến việc buộc phải từ bỏ một số dự án địa nhiệt trong những thập kỷ qua.

“Các nhà máy địa nhiệt sẽ không bao giờ tạo nên sự thay đổi đột phá, nhưng tôi tin rằng chúng vẫn có thể đóng một vai trò trong sản xuất năng lượng không carbon”, ông nhận định.

Suối nước nóng được nhận định là phép màu của tự nhiên. Hơn 13.000 nhà trọ và phòng tắm suối nước nóng nằm rải rác khắp Nhật Bản.

Trong khi đó, các nhà phát triển dự án địa nhiệt lập luận vì họ khoan sâu bên dưới suối nước nóng, nên chúng ít có khả năng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, mối liên hệ giữa suối nước nóng và địa nhiệt vẫn còn là một điều bí ẩn.

Nhật Bản cần nhiều năng lượng sạch hơn để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và kiềm chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, chứng nhận xanh của năng lượng địa nhiệt, kết hợp với chi phí tương đối thấp và khả năng sản xuất điện liên tục suốt ngày đêm, đã khiến nó trở thành một nguồn năng lượng tái tạo đầy hứa hẹn.

Chính phủ Nhật Bản, với mục tiêu tăng gấp ba công suất địa nhiệt của đất nước vào năm 2030, đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dự án hơn.

Theo Viện Chính sách Năng lượng Bền vững ở Tokyo, nếu Nhật Bản phát triển tất cả nguồn địa nhiệt thông thường để sản xuất điện, họ có thể cung cấp khoảng 10% lượng điện của mình.

Con số đó nhiều hơn lượng điện mà Nhật Bản tạo ra từ thủy điện, năng lượng Mặt Trời, gió hoặc hạt nhân vào năm 2019. Jacques Hymans, một chuyên gia năng lượng tại Đại học Nam California, cho biết đó là năng lượng có thể tái tạo. “Đó là tất cả những thứ Nhật Bản cần”, vị chuyên gia nói thêm.

Cùng tồn tại

Tuy nhiên, trên khắp Nhật Bản, chính quyền địa phương gần đây đã đưa ra một loạt hạn chế mới.

Chẳng hạn, Oita, một tỉnh có nhiều suối nước nóng nhất Nhật Bản, gần đây đã mở rộng khu vực cấm khoan ở thành phố Beppu - được coi là thủ đô suối nước nóng của Nhật Bản.

Yutaka Seki, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Suối Nước nóng Quốc gia, cho biết: “Chúng tôi hiểu nhu cầu năng lượng của quốc gia. Chúng tôi không phản đối năng lượng địa nhiệt chỉ với mục đích phản đối. Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt thận trọng trước sự phát triển quy mô lớn và không được kiểm soát”.

Ở Beppu, hơi nước ở khắp mọi nơi. Trong nhiều thập kỷ, các khách sạn lớn, nhà trọ và thậm chí cả nhà ở tư nhân đã sử dụng các suối nước nóng trong khu vực này. Điều đó đã làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn suối nước nóng.

 Ông Sato và thiết bị theo dõi chất lượng nước mà ông đã lắp đặt. Ảnh: New York Times.

Ông Sato và thiết bị theo dõi chất lượng nước mà ông đã lắp đặt. Ảnh: New York Times.

Hầu hết suối nước nóng hiện nay đều sử dụng máy bơm để đẩy nước nóng từ dưới lòng đất lên.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ hào phóng của chính phủ gần đây đã thúc đẩy một loạt dự án địa nhiệt nhỏ hơn. Dẫu vậy, hầu hết nhà máy được xây dựng kể từ khi chính sách này được thông qua đều rất nhỏ, có lẽ chỉ cung cấp điện cho vài trăm ngôi nhà.

Các chuyên gia cho biết số lượng đó là quá ít để có tác động đáng kể đến thị trường năng lượng nói chung của Nhật Bản.

Yuzawa, thuộc tỉnh Akita, là một ví dụ hiếm hoi về một thị trấn suối nước nóng sử dụng năng lượng địa nhiệt. Và Nhật Bản đã hy vọng có thêm nhiều Yuzawa.

Quốc gia này đã mở các nhà máy điện địa nhiệt quy mô lớn, mang tính thương mại đầu tiên vào năm 1966. Con số đó cũng tăng trong những thập kỷ tiếp theo. Tuy nhiên, công suất địa nhiệt tại Nhật Bản gần như không tăng kể từ những năm 1990, do sự phản đối của người dân.

Tranh cãi cũng dấy lên ngay cả ở Yuzawa. Kể từ cuối năm 2020, một nhà trọ địa phương đã phải đóng cửa định kỳ sau khi suối nước nóng cạn kiệt. Trong khi đó, thành phố Yuzawa cho rằng sự phát triển địa nhiệt của họ không phải là nguyên nhân.

“Tôi không thể nói rằng mình không lo lắng”, Masami Shibata, chủ sở hữu một nhà nghỉ suối nước nóng ở Yuzawa, cho biết.

“Tuy nhiên, năng lượng địa nhiệt đã trở thành một phần của thành phố Yuzawa. Tôi nghĩ rằng cả suối nước nóng và địa nhiệt đều có thể cùng tồn tại”, bà nói.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suoi-nuoc-nong-kim-ham-tham-vong-lon-cua-nhat-ban-post1415105.html