Sương còn đọng vai anh – Tình yêu đọng mãi trong đời!
Bài thơ Sương còn đọng vai anh của nhà thơ Hồng Vinh khá tinh tế, tránh được cái mòn sáo lại đưa ra được tứ thơ mới, tình cảm vẫn rất riêng, nồng nàn mà khỏe khoắn, đáng trân trọng.
Làm thơ về tình yêu không dễ, bởi đó là trạng thái tình cảm đặc biệt với những rung động rất riêng tư, khó nắm bắt, hơn nữa lại đã có quá nhiều thi sĩ viết hay. Tìm ra điểm tựa trữ tình mới để neo gửi tâm trạng, suy nghĩ, tấm lòng… theo cách riêng của mình quả là không hề đơn giản, đòi hỏi sự gặp gỡ may mắn chủ quan, khách quan, ngoài đời cho (vốn sống, tài năng, tâm huyết) và trời cho (ngẫu nhiên lóe sáng, vô tình bắt gặp…).
Bài thơ "Sương còn đọng vai anh" của nhà thơ Hồng Vinh khá tinh tế, tránh được cái mòn sáo lại đưa ra được tứ thơ mới, tình cảm vẫn rất riêng, nồng nàn mà khỏe khoắn, đáng trân trọng. Ngoài các yếu tố chủ quan của tâm hồn thi sĩ, có lẽ có sự gặp gỡ rất đẹp với hoàn cảnh không gian…
SƯƠNG CÒN ĐỌNG VAI ANH
Ngoài ấy sương lạnh bủa vây
Máy bay nằm lì chờ đợi
Còn em bồn chồn trong này
Sân bay nóng như lửa đốt!
Em nhớ ngày ra đất Bắc
Đêm ngồi bãi cỏ đẫm sương
Ngắm trăng lung linh mặt sông
Chúng mình như vào cõi mộng...
Anh đọc thơ Hàn Mặc Tử:
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Mai vườn đã nở bung hoa
Em muốn gửi ra mấy chậu
Cánh vàng đọng giọt sương sa
Anh thấy hình em trong đó?!
Chờ mãi hồi âm đâu thấy?
Nhớ phim “Sương mù chiến tranh” [1]
Anh xem quên ăn, quên ngủ
Nên đã để em bâng khuâng?!
Máy bay hạ cánh đường băng
Anh mang cành đào sương đọng
Lệ bỗng tràn hai mí mắt
Ôm vai anh còn hơi sương?!
Chẳng qua vì quá yêu thương
Ngờ anh thay lòng đổi dạ
Nhưng tim anh đâu lạnh giá
Dù qua bao biển sương sa!...
_________________________________
[1] Bộ phim hay của Mỹ nói về các cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ tham chiến, đã đoạt giải Oscar.
Hà Nội - Tân Sơn Nhất, ngày đầu năm 2024
Nguyễn Hồng Vinh
Bài thơ 7 khổ nhưng khổ nào cũng có hình tượng “sương”. Sương bảng lảng vương vấn suốt bài như tình yêu khó nắm bắt, khó xác định, mơ hồ mà có sức chi phối, chinh phục con người ta ghê gớm. Những ngày đầu năm 2024, Hà Nội đẫm sương. Sương mù, lạnh, tê tái, đi lại khó khăn… Chẳng ai thích. Nhưng với cảm nhận tinh tế, Hồng Vinh lại coi đó là một thi liệu đắt. Trong thế giới thơ ca cổ kim, sương đã bồng bềnh bay trong nhiều áng thơ kiệt tác, tưởng đã sáo mòn, thế mà sương vẫn đọng trong thơ Hồng Vinh với tư cách nghệ thuật một điểm tựa trữ tình.
Khổ đầu là một tương phản không gian:
Ngoài ấy sương lạnh bủa vây
Máy bay nằm lì chờ đợi
Còn em bồn chồn trong này
Sân bay nóng như lửa đốt!
Một đối lập về không gian vật lý “ngoài ấy”/“trong này”, ngoài ấy sương sa, trời lạnh, trong này trời nóng. Máy bay dường như cũng sốt ruột như người, mong chóng “ngoài ấy” sương tan để cất cánh… “Sân bay nóng như lửa đốt” cũng là tâm trạng “lửa đốt” của “em”. Bốn câu thơ ngắn nhưng gói cả không gian vật lý, không gian tâm trạng, cả tâm trạng, hoàn cảnh nhân vật trữ tình. Thời gian chờ đợi bao giờ cũng lâu. Trong khoảng chờ đợi đó nhân vật “hồi cố” về ngày qua với kỷ niệm đẹp như là một logic tâm trạng. Cũng tất nhiên là “nhớ” về “anh”:
Em nhớ ngày ra đất Bắc
Đêm ngồi bãi cỏ đẫm sương
Ngắm trăng lung linh mặt sông
Chúng mình như vào cõi mộng...
Một không gian êm đềm thi vị đặc trưng xứ Bắc. Và cũng chỉ qua hai chữ “đẫm sương” ấy cho thấy thời điểm vật lý của “đêm”: Trời đã về rất khuya, rất khuya mới “đẫm sương”. Có sông, có trăng, có triền đê miên man cỏ, có sương đủ lạnh gợi thương, gợi nhớ, có cả “anh” và “em”. Cũng là một “cõi mộng” đặc trưng của không gian tình yêu nơi xứ Bắc… Trong bối cảnh ấy “anh” đọc thơ Hàn Mặc Tử:
Chẳng hiểu tùy hứng vô tình
Anh đọc thơ Hàn Mặc Tử:
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Có lẽ “anh” mượn thơ Hàn để nói thay tâm trạng mình, nỗi lòng mình. Chữ “ai” trong thơ Hàn lúc này lại nói được rất nhiều: “ai” là “ai”, là “anh”, là “em”, là “chúng mình”… Cũng không cần biết, chỉ biết “chúng mình” đang yêu… Khổ thơ trở về thời hiện tại với không gian xứ Nam:
Mai vườn đã nở bung hoa
Em muốn gửi ra mấy chậu
Cánh vàng đọng giọt sương sa
Anh thấy hình em trong đó?!
Đó là đặc trưng của không gian mùa xuân Nam Bộ. Gửi mai vàng cho “anh” cũng là gửi cả hồn “em”, tình “em” ra Bắc. Cầu nối hai không gian Bắc Nam là “giọt sương”. Cầu nối tình yêu giữa họ cũng là “giọt sương”. “Giọt sương” phương Bắc và “giọt sương” phương Nam tuy hai nhưng là một. Trong giọt sương ấy có hình bóng cả hai. Và cũng qua “sương”, họ chứng tỏ tình yêu vì nhau, cho nhau hơn cho chính cá nhân mình:
Chờ mãi hồi âm đâu thấy?
Nhớ phim “Sương mù chiến tranh”
Anh xem quên ăn, quên ngủ
Nên đã để em bâng khuâng?!
Nhưng đến khổ thơ này thì “giọt sương”, “hơi sương” cũng chứng minh tình yêu của họ ngày thêm nồng nàn:
Máy bay hạ cánh đường băng
Anh mang cành đào sương đọng
Lệ bỗng tràn hai mí mắt
Ôm vai anh còn hơi sương?!
“Hơi sương” ở đây đa nghĩa, có thể là sương thật, sương của không gian vật lý quấn vương vào người, cũng có thể hiểu đó là “sương” của những trở ngại, vất vả, khó khăn… Hiểu theo ý nào cũng là câu thơ hay. Khổ cuối chỉ khép về câu chữ nhưng mở ra cả một chân trời hạnh phúc:
Chẳng qua vì quá yêu thương
Ngờ anh thay lòng đổi dạ
Nhưng tim anh đâu lạnh giá
Dù qua bao biển sương sa!...
Một triết luận đẹp về tình yêu: Hãy yêu chân thành, nóng bỏng, nồng nàn thì dù có “qua bao biển sương sa” của chướng ngại nỗi đời thì hạnh phúc vẫn nở hoa. Phần lớn dung lượng câu chữ bài thơ mang điểm nhìn của nhân vật trữ tình “em”, giọng của “em”, những trăn trở, cật vấn, kỷ niệm… cũng là của “em”, nhưng đến khổ cuối cùng giọng có xu hướng “lưỡng tính”, vừa của “em”, vừa của “anh”. Lại cũng có thể hiểu là lời “đồng vọng”, giọng cả hai thống nhất trong một giọng chung, rất khó phân biệt. Gọi ra cho đúng nhất cái giọng đó thì chỉ có một tên gọi là giọng Tình Yêu!