Sương khói vực Hòm

Du khách chụp hình với phong cảnh đẹp của vực Hòm. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Những ngày đầu xuân này, nhiều người rủ nhau đến vực Hòm (xã An Lĩnh, huyện Tuy An) ngắm thác, suối và rừng. Thác nước từ trên cao đổ xuống như đào cho vực thêm sâu. Du khách thỏa thích hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ.

Từ ngã tư quốc lộ 1 - Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) rẽ về hướng tây theo tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa, qua khỏi địa phận xã An Thọ, rẽ phải là đến đầu thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh. Tại đây, du khách thấy ngay tấm bảng chỉ dẫn đường đến vực Hòm. Tiếp tục đi qua 3 khúc cua nữa rồi liên tục xuống dốc Đá Lát đến suối Cái rẽ phải, thác Vực Hòm hiện ra trước mắt.

Hòa mình với thiên nhiên

Gần 8 giờ sáng, sương non bảng lảng. Dưới làn nước trong lành mát lạnh, chúng tôi hòa mình với thiên nhiên ngắm nhìn thác Vực Hòm. Dưới thác nước là vực sâu ăn vào vách đá tạo hang động lộ ra khoảng trống với những khối đá hình lục giác treo lơ lửng. Những dịch chuyển của địa lý đã tạo ra dòng thác chảy thẳng đứng từ trên cao xuống như ngày càng đào vực sâu thêm. Tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thác Vực Hòm, chị Phan Thị Nhung đến từ phường 8, TP Tuy Hòa chia sẻ: Đến đây tôi được chiêm ngưỡng vực nước, cây rừng đan giăng như mắc võng giữa suối. Vừa rồi tôi đến sớm chụp được ảnh sương mù quyện trên tán lá cây trên đầu thác. Dưới vực thì nước trong xanh, tĩnh lặng trong sương mai. Đến nửa buổi, nhiều người nhóm lửa nướng tôm cá, làn khói bay lên vón lại trên cành cây, nhìn mơ màng. Ngắm cảnh đẹp, sương khói quyện vào nhau hiền hòa, bỏ lại sau lưng những ồn ào khói bụi thị thành.

Theo các nhà khoa học, thác Vực Hòm với những cột đá bazan cao và to, cấu tạo địa chất là dãy đá xếp chồng cùng kiểu như gành Đá Đĩa, danh thắng quốc gia đặc biệt nổi tiếng của Phú Yên.

Những ngày cuối tuần, nhiều gia đình rủ nhau đến vực Hòm. Họ sắm chuyến dã ngoại, mang theo thực phẩm tươi sống đến đây nhóm lửa chế biến món “tôm ôm bếp lửa” hay món “cá bơi trên lửa”. Món đầu tiên là tôm xỏ lụi bằng xiên cắm xuống cát quanh bếp lửa. Món thứ hai là cá nguyên con kẹp gắp nướng trên lửa than. Còn có cả món đùi dê đút lò, sau một hồi, lửa than nướng lớp da nâu giòn óng ánh. Họ dọn bữa ăn trên chiếc bàn đá dưới tán cây rừng mát mẻ. Anh Phan Trọng Long đến từ xã An Chấn, huyện Tuy An, đang làm đầu bếp cho hay: “Vợ chồng tôi dắt hai đứa con đến đây lần thứ hai. Lần đầu cũng lên đây nhóm lửa nướng tôm, nướng cá, về nhà mấy đứa con nhắc hoài mùi củi cháy muốn lên lại lần nữa. Vợ chồng tôi đều là giáo viên. Ngoài thời gian đi dạy, ngày cuối tuần chúng tôi đưa các con lên đây để nuôi dưỡng tâm hồn yêu thiên nhiên cho chúng. Trước khi về, tôi chỉ con dập lửa sau khi nấu nướng thật cẩn thận. Bởi xung quanh là rừng, chỉ cần đốm lửa tàn có thể gây cháy rừng”.

Chị Nguyễn Thị Hiền, vợ anh Long tiếp lời: Ở nhà dù có ti vi, tủ lạnh, mạng internet nhưng đời sống tinh thần con trẻ nghèo nàn vì ngồi trong phòng chật hẹp, không tiếp xúc, hòa mình với thiên nhiên… Tin chắc rằng thấy cảnh sương khói, con trẻ sẽ ghi nhớ trong đầu. Còn tôi, sống trong thời đại kỹ thuật số nhưng vẫn thích ngắm bếp củi giữ lửa yêu thương. Đến đây để hít không khí mát lành, xa những căn phòng điều hòa kín mít, để được sống thư thái, hòa mình với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của thiên nhiên, tôi thấy ngập trong niềm vui cuộc sống.

Ngày cuối tuần, nhiều gia đình đưa con nhỏ đến vực Hòm nhóm lửa nướng tôm cá... Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Ngày cuối tuần, nhiều gia đình đưa con nhỏ đến vực Hòm nhóm lửa nướng tôm cá... Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Hoang sơ, kỳ vĩ

Vẻ đẹp ấn tượng của vực Hòm, đó là từ trên núi đá cao thác nước nghiêng mình đổ xuống trắng xóa, tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ vừa ngoạn mục, vừa lãng mạn. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng lặn lội từ xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân đến tham quan vực Hòm cho hay: Tôi đến đây lúc nửa buổi sáng, đứng từ xa đã thấy vực Hòm với thác nước cao dựng đứng trên dòng suối Cái. Còn khi đến gần, vực Hòm như nằm trong hốc mắt vì khoảng trống giữa đá và nước ăn sâu vào trong núi như hang động. Vực Hòm - tên nghe sợ nhưng nhìn kỹ không giống hộc cũng chẳng nên cái hòm. Đó là thiên nhiên kỳ thú, tạo hóa ban tặng con người.

Một du khách cũng đến từ Đồng Xuân cảm nhận: Tôi đến đây ngồi một lát thấy nhiều cảnh thơ mộng xung quanh với mênh mông chuyện đời. Có đứa nhỏ bưng cái chén mẻ, do va chạm với đá ở đây, gợi bao ký ức tuổi thơ cái thuở còn trong cơn khốn khó. Nhớ cảnh bình dị quê mình, mùi khói chiều trên góc bếp, mùi cá kho đậm đà, mùi của bữa cơm gạo lúa rẫy dẻo thơm. Có đứa bé gái cha phải cõng, khi đến nơi điệu đà ngồi trên hòn đá cười duyên để chụp hình… “Nhìn đứa nhỏ ăn bằng cái chén mẻ miệng không biết khổ mà cười hồn nhiên, rất thương!”, vị khách thổ lộ.

Ông Mạnh Minh Tâm, nguyên cán bộ ngành Văn hóa lần đầu tiên đến vực Hòm, tâm đắc: Đến đây, tôi như được trò chuyện với thiên nhiên, bởi tiếng nước chảy, thác reo, gió rì rào và tiếng ếch nhái vang vọng. Đến một lần, vực Hòm khắc sâu trong tâm trí.

Rời vực Hòm, leo lên dốc Đá Lát, đi đến đâu, rẫy chuối cũng chạy theo. Qua hết rẫy chuối, chúng tôi đến xóm nhà dân chừng vài chục hộ. Làng quê mộc mạc và yên bình. Ở đây nhà nào hàng rào cũng đều làm bằng đá xếp từ ngõ dẫn lối vào sân. Họa sĩ Trần Ngọc Hà (phường 5, TP Tuy Hòa) thấy hàng rào đá lạ liền ghé vào hỏi thăm để hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt và văn hóa của người dân địa phương. Chị tâm sự: Nhìn hàng rào đá nhà dân ở đây như ôm ấp mình bằng sự dịu dàng và trầm tĩnh, bằng sự dễ mến của con người, đầy chất quê lẫn chút thân phận. Bà con nói, ở đây chủ yếu trồng chuối, nuôi bò. Lúc sáng đi qua xóm nhà tôi để ý, nhà nào cũng nấu nồi cháo nghi ngút khói. Hóa ra là nấu cháo cho bò.

Theo ông Bùi Văn Thành, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuy An, dọc suối Cái chảy qua thôn Vĩnh Xuân có 3 vực, gồm vực Song, vực Giã Mã và vực Hòm. Vực Hòm ở vị trí xa nhất nhưng nổi tiếng nhất, thu hút nhiều du khách. Vực Hòm có thác nước cao, địa hình vực sâu khác lạ. Mùa mưa là mùa đẹp nhất của thác Vực Hòm vì thác nước chảy mạnh, tôn lên vẻ hùng vĩ. Vào sáng sớm có sương mù giăng lối, thiên nhiên tươi mát, trong lành, tuy nhiên phải chọn ngày nắng, không nên đến vực Hòm vào ngày mưa dầm vì không bảo đảm an toàn. Thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng thác Vực Hòm là vào tháng 11, 12 dương lịch và đầu xuân vì lúc này thời tiết mát mẻ, vực nhiều nước.

Vực Hòm hoang sơ, kỳ vĩ, hút hồn nhiều du khách gần xa, nhưng đường đến với thắng cảnh thiên nhiên này còn gập ghềnh, ô tô chưa đến tận nơi mà phải gửi ở đầu xóm rồi tiếp tục lội bộ thêm hàng cây số. Đoạn đường này thách thức đôi chân leo dốc của mỗi người trải nghiệm và cảm nhận thiên nhiên một cách chậm rãi qua những rẫy chuối, tán rừng xanh mướt. Nhiều người đến đây bằng góc nhìn và cảm nhận mới mẻ, thích thú vì qua đó được rèn luyện sức khỏe, giải tỏa những áp lực trong cuộc sống và đắm mình vào thiên nhiên yên bình.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/294709/suong-khoi-vuc-hom.html