'Suốt chặng đường 80 năm qua, ngoại giao Việt Nam luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc'
Ngày 28/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học 'Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc'. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (1945-2025).

Các diễn giả trong phiên thảo luận đầu tiên trong hội thảo. (Ảnh: HÒA AN)
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngành ngoại giao vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Suốt chặng đường 8 thập kỷ qua, ngoại giao Việt Nam đã luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng ngoại giao như một vũ khí sắc bén để thêm bạn bớt thù, phân hóa hàng ngũ đối phương, giữ vững chính quyền non trẻ, tranh thủ thêm thời gian và lực lượng cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng với các mặt trận chính trị và quân sự, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Ngoại giao đã góp phần cụ thể hóa các thắng lợi trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán, chấm dứt chiến tranh.
Hiệp định Sơ bộ 6/3, Tạm ước 14/9, Hiệp định Geneva (năm 1954) và Hiệp định Paris (năm 1973) đã trở thành những mốc son chói lọi trong lịch sử nền ngoại giao cách mạng, góp phần dẫn tới chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối.
Sau khi nước nhà thống nhất, ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hòa bình, phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng cục diện đối ngoại bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngoại giao đi đầu đưa đất nước dần hội nhập vào khu vực và quốc tế, đặc biệt qua các cột mốc lịch sử như gia nhập ASEAN, APEC, WTO... và ký kết, tham gia hàng trăm thỏa thuận, điều ước quốc tế.
"Ngoại giao đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước, đưa Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ chính trị thế giới đến vai trò, vị trí ngày càng tăng trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại", đồng chí Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 37 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Đảng ta cũng đã có quan hệ với 259 chính đảng tại 119 nước.
Tại phiên thảo luận, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên một lần nữa khẳng định vinh dự to lớn của ngành ngoại giao khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị “tư lệnh” đầu tiên của ngành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy ngoại giao là vũ khí duy nhất để hóa giải những khó khăn của đất nước sau Cách mạng Tháng Tám.
Đồng chí Nguyễn Dy Niên cũng bày tỏ tự hào về sự phát triển vượt bậc của ngành ngoại giao Việt Nam kể từ thời kỳ Đổi mới. Ông cho rằng Việt Nam cần duy trì vị thế này bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, thể hiện Việt Nam là biểu tượng của hòa bình, hòa giải, hòa hợp, đoàn kết và hợp tác.
Về phần mình, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh đánh giá, sự vươn lên của Việt Nam từ xuất phát điểm rất thấp trong thập niên 1980 đang tạo cho Việt Nam và ngoại giao Việt Nam một thế mới, cho phép đẩy mạnh mở rộng và đa dạng hơn nữa ngoại giao tổng lực, chủ động và linh hoạt của Việt Nam trong bối cảnh cục diện địa kinh tế và địa chính trị toàn cầu và khu vực dịch chuyển phức tạp và khó lường.
Theo bà, điều đó đặt ra các thách thức phức tạp, đòi hỏi ngoại giao Việt Nam cần trí tuệ và bản lĩnh trong vai trò tham mưu chiến lược và chính sách cũng như tổ chức thực hiện chiến thuật và biện pháp đối ngoại của nước ta.
Hội thảo được chia làm hai phiên chính, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Tổng kết thực tiễn lịch sử 80 năm, góp phần hoàn thiện lý luận của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại; xác định nội hàm của ngoại giao trong kỷ nguyên mới; đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao trong tình hình mới; đề xuất những sáng kiến, giải pháp cho công tác xây dựng ngành ngoại giao...