Suy ngẫm từ những con số
Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thị, thành phố (DDCI) tỉnh Bình Thuận năm 2020 vừa được công bố cho thấy, mặc dù là năm đầu tiên triển khai nhưng lại diễn ra trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên kết quả khảo sát, đánh giá cũng đã thể hiện được bức tranh khá đầy đủ về môi trường kinh doanh và về năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thuộc tỉnh.
Suy ngẫm từ những con số
Kết quả khảo sát DDCI Bình Thuận năm 2020 cho thấy cảm nhận tương đối tích cực của cộng đồng doanh nghiệp đối với các sở ban ngành thuộc tỉnh. Theo đó, điểm số DDCI trung vị của các sở ban ngành đạt 70,5/100 điểm, điểm số DDCI trung vị của các huyện, thị xã, thành phố đạt 68,41/100 điểm, không có đơn vị nào có điểm số dưới trung bình (50 điểm). Bên cạnh đó, điểm số DDCI Bình Thuận phản ánh khá sát với điểm số PCI Bình Thuận, đặc biệt là ở khối sở, ban, ngành. Theo đó, những chỉ số thành phần tỉnh thường có điểm số hoặc thứ hạng thấp trong những năm gần đây thì tương ứng trong DDCI khối sở ban ngành, điểm trung vị của các chỉ số này cũng thấp như chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”, “Chi phí không chính thức” và “Thiết chế pháp lý”.
Một kết quả tích cực nữa là, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá tích cực khi điểm trung vị của chỉ số “Tính ứng dụng CNTT” đạt khá cao và nằm trong nhóm tốt của các chỉ số thành phần. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khía cạnh mà doanh nghiệp chưa cảm nhận được từ phía các cơ quan nhà nước. Đối với khối sở, ban, ngành: “Chi phí không chính thức” là chỉ số cần được quan tâm cải thiện nhiều hơn trong thời gian đến, với mức điểm trung vị đạt 6,62 điểm - thấp nhất trong các chỉ số thành phần. Trong khi đó, “Tính ứng dụng CNTT”, “Hỗ trợ doanh nghiệp” và “Chi phí thời gian” là những chỉ số thành phần có khoảng cách về điểm số tương đối lớn giữa các đơn vị được đánh giá. Ngoài ra, đối với một số chỉ tiêu thuộc các chỉ số thành phần khác cũng chưa nhận được sự đánh giá tích cực từ phía doanh nghiệp: Đối với chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” chỉ có khoảng 64% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng “Dễ dàng tiếp cận các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Trung ương liên quan đến ngành” cũng như “Dễ dàng tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh liên quan đến ngành” và “Dễ dàng tiếp cận các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành” hay có 42,27% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng “Cần có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận các thông tin, tài liệu”, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đấu thầu công, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Đối với chỉ số “Chi phí thời gian” vẫn còn 41,76% doanh nghiệp cho rằng “Phải đi lại nhiều lần để hoàn thành một thủ tục hành chính” hay vẫn còn 34,46% doanh nghiệp cho rằng “Hoạt động thanh kiểm tra gây cản trở đáng kể đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Đối với chỉ số “Thiết chế pháp lý” chỉ có 56,76% doanh nghiệp cho biết “Phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết thỏa đáng”, 44,74% doanh nghiệp cho rằng “Thương lượng với cán bộ là cần thiết khi làm việc với sở, ban, ngành” và 41,41% cho biết “Khi doanh nghiệp phản ánh lên cấp trên của cán bộ/công chức làm trái quy định pháp luật thì chưa giải quyết được sai phạm”.
Đối với khối chính quyền địa phương: “Tính năng động và hiệu lực thi hành” là chỉ số cần được chính quyền các địa phương cải thiện nhiều hơn trong thời gian đến vì điểm trung vị chỉ đạt 5,78 điểm - thấp nhất trong các chỉ số thành phần.
Trong khi đó, mặc dù chỉ số “Tính ứng dụng CNTT” là chỉ số thành phần có điểm trung vị cao nhất nhưng chỉ số này cùng với chỉ số “Hỗ trợ doanh nghiệp” lại có khoảng cách về điểm số tương đối lớn giữa các đơn vị được đánh giá.
Ngoài ra, đối với một số chỉ tiêu thuộc các chỉ số thành phần khác cũng chưa nhận được sự đánh giá tích cực từ phía doanh nghiệp: Đối với chỉ số thành phần “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” có 40,85% doanh nghiệp cho rằng “Cần có mối quan hệ với cơ quan Nhà nước để tiếp cận các thông tin, tài liệu”. Đối với chỉ số “Chi phí không chính thức”, có 11,10% doanh nghiệp cho rằng “Có hiện tượng cán bộ/công chức gây khó khăn/trì hoãn thủ tục để trục lợi” và có 17,67% cho rằng “Cần có chi phí không chính thức để công việc được giải quyết như mong muốn”. Đối với chỉ số “Hỗ trợ doanh nghiệp”, có 61,56% doanh nghiệp đánh giá đối với các buổi đối thoại do UBND huyện, thị tổ chức là thiết thực. Đối với chỉ số “Thiết chế pháp lý”, có 47,10% doanh nghiệp đồng ý cho rằng “Thương lượng với cán bộ là cần thiết khi làm việc với UBND huyện, thị”, bên cạnh đó, “Phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết thỏa đáng” và “Khi doanh nghiệp phản ánh lên cấp trên của cán bộ/công chức làm trái quy định pháp luật thì sẽ giúp giải quyết được sai phạm” nhận được sự đánh giá chưa cao từ cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả PCI 2020 của Bình Thuận đạt 63,29 điểm, giảm 3 bậc so với năm 2019, có 7/10 chỉ số thành phần của PCI Bình Thuận giảm điểm. Điều này cho thấy yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư là hết sức cấp thiết. Nghiên cứu đánh giá Năng lực điều hành cấp sở, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) được thực hiện như một nỗ lực của tỉnh Bình Thuận để tiến đến các hành động cụ thể, các cấp quản lý cụ thể, nhằm cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư của tỉnh Bình Thuận.
Như Nguyễn
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/suy-ngam-tu-nhung-con-so-140753.html