Suy ngẫm từ sự việc hai sinh viên vô lễ với cựu chiến binh ngày 30/4/2025

Ngày 30/4/2025 - ngày đánh dấu tròn nửa thế kỷ kể từ thời khắc lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Một dịp để tri ân, để ngẫm lại những hy sinh, đau thương và khát vọng hòa bình của cả một dân tộc.

Hai bạn trẻ đã lớn tiếng với cựu chiến binh trong lúc xếp hàng chờ theo dõi diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Mạng xã hội

Hai bạn trẻ đã lớn tiếng với cựu chiến binh trong lúc xếp hàng chờ theo dõi diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Mạng xã hội

Thế nhưng, trong chính ngày đầy ý nghĩa trọng đại và thiêng liêng ấy, một sự việc đau lòng đã xảy ra, hai bạn trẻ đã lớn tiếng với cựu chiến binh trong lúc xếp hàng chờ theo dõi diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó 1 người là sinh viên học Trường Đại học Văn Lang và 1 người là sinh viên học Trường Đại học Công nghệ TP HCM.

Khi hai cựu chiến binh - những người đã từng trải qua những trận đánh khốc liệt, đã từng chứng kiến biết bao đồng đội hy sinh ngay bên mình, từ miền quê xa xôi đến thành phố mang tên Bác tham dự diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thì đó không chỉ là những con người bình thường mà còn là nhân chứng sống động của lịch sử. Vì thế, mọi người cần phải thể hiện sự tôn trọng đối với những con người đã không tiếc máu xương của mình vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nhưng thật đáng tiếc! Trong sự kiện thiêng liêng, trọng đại ấy đã xảy ra một hình ảnh không mấy đẹp đẽ, sự việc đau lòng, đó là sự vô lễ của hai sinh viên đối với hai cựu chiến binh. Sự vô lễ - dù chỉ là một tiếng cười không đúng chỗ, một câu hỏi thiếu suy xét, một cử chỉ không nhường chỗ,… là một lưỡi dao vô hình cắt vào lòng của những người đi trước. Nó cũng là tiếng chuông báo động về sự suy giảm những giá trị nền tảng như lòng biết ơn, sự thấu cảm và đạo lý.

Câu chuyện xảy ra đã được chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng, gây nhiều tranh luận. Có người cho rằng “các em chỉ thiếu hiểu biết, chưa chín chắn”. Có người thì bênh vực: “Đặt câu hỏi là quyền tự do ngôn luận”. Cũng có người quy kết gay gắt: “Đây là hậu quả của một thế hệ vô ơn, thực dụng”,...

Sự việc hai sinh viên lớn tiếng với hai cựu chiến binh là một tai nạn văn hóa? Một biểu hiện cá biệt của tuổi trẻ non nớt? Hay là dấu hiệu của một sự đứt gãy đáng lo ngại trong hệ giá trị đạo đức - lịch sử - văn hóa của xã hội hôm nay?

Vụ việc hai sinh viên vô lễ với hai cựu chiến binh trong lễ kỷ niệm 30/4 không chỉ là câu chuyện cá biệt của vài cá nhân, mà còn là hồi chuông cảnh báo về một “khoảng trống đạo lý” đang mở rộng.

Để đối diện và giải quyết tận gốc vấn đề này, chúng ta cần một chiến lược khôi phục và tái định hình các giá trị văn hóa - đạo đức từ nền tảng, chứ không thể chỉ xử lý theo kiểu đối phó, hình thức.

Việc “trả lại chỗ đứng” cho những giá trị đạo lý cốt lõi như: lòng biết ơn, sự kính trọng tiền nhân, niềm tự hào dân tộc,… phải được thực hiện đồng bộ, lâu dài, bền bỉ, với sự tham gia của toàn xã hội.

Đồng thời, chúng ta cần cải cách giáo dục đạo đức và lịch sử theo hướng trải nghiệm - cảm thụ. Các trường học cần đưa học sinh - sinh viên đến gần hơn với lịch sử thông qua các hoạt động thực tế như: thăm nghĩa trang liệt sĩ, giao lưu với nhân chứng lịch sử, tổ chức các ngày hội tri ân, thi kể chuyện truyền thống,...

Thay vì học thuộc lòng, học sinh nên được khơi gợi cảm xúc về sự hy sinh, mất mát, qua phim tài liệu, nhật ký người lính, thơ văn cách mạng, hoặc các dự án sáng tạo học tập như: làm video về một cựu chiến binh địa phương,…

Gia đình là điểm tựa đầu tiên của nhân cách, vì thế, cha mẹ cần là những người thầy đầu tiên dạy con về lòng biết ơn, sự kính trọng, niềm tự hào dân tộc. Điều này không nhất thiết phải là những bài giảng dài dòng, mà có thể là những mẩu chuyện nhỏ trong bữa ăn, “góc lịch sử gia đình” trong mỗi nhà: nơi lưu giữ hình ảnh, kỷ vật của ông bà, tổ tiên có liên quan đến kháng chiến,...

Trong các dịp lễ như 27/7, 30/4, 2/9,… các gia đình nên cùng nhau đến viếng nghĩa trang, đài tưởng niệm - đây không chỉ là hành động thiêng liêng, mà còn là lớp học đạo đức đầy cảm xúc cho con trẻ.

Nhà trường cần là môi trường văn hóa sống động, vậy nên, mỗi ngôi trường cần xem việc giáo dục lòng biết ơn, lịch sử dân tộc như sứ mệnh song song với truyền đạt kiến thức. Các buổi sinh hoạt chủ điểm, lễ kỷ niệm không nên diễn ra theo lối hình thức, mà cần được đầu tư nội dung có chiều sâu, có sự tham gia cảm xúc của học sinh.

Khuyến khích học sinh, sinh viên thực hiện các dự án nhân văn như: phỏng vấn cựu chiến binh trong khu phố, tổ chức chương trình có ý nghĩa, mỗi tháng mời một nhân chứng đến nói chuyện, viết thư tri ân các liệt sĩ vô danh, xây dựng bản đồ lịch sử địa phương,…

Cần có cơ chế khen thưởng cho những học sinh thể hiện hành vi văn hóa, đạo đức nổi bật: nhường ghế cho người già, lễ phép với người lớn tuổi, hỗ trợ người khuyết tật,… đó là cách gieo mầm những hành động đẹp từ thực tiễn.

Truyền thông chính thống cần tăng cường các chương trình kể chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ hiện đại, gần gũi với người trẻ. Mạng xã hội cần có trách nhiệm kiểm duyệt, ngăn chặn các nội dung xuyên tạc lịch sử, giễu cợt người cao tuổi, làm nhục anh hùng liệt sĩ và cần đẩy mạnh các chiến dịch lan tỏa văn hóa biết ơn.

Cộng đồng và chính quyền địa phương cần tổ chức định kỳ các buổi gặp mặt, tri ân cựu chiến binh, đồng thời mời học sinh - sinh viên đến tham gia. Đó là cơ hội “giao lưu thế hệ” rất hữu ích.

Cùng với đó xây dựng các câu lạc bộ “Sống đẹp” trong các khu dân cư - nơi trẻ được học từ người lớn về đạo lý, ứng xử và giá trị truyền thống thông qua các hoạt động thường kỳ như: trồng cây nhớ ơn, vẽ tranh lịch sử, dựng kịch ngắn “người lính làng tôi”,...

Khi thế hệ trẻ hiểu rằng họ đang sống trong một chuỗi tiếp nối thiêng liêng - giữa hôm qua đau thương và hôm nay hòa bình - họ sẽ biết cúi đầu trước lịch sử, biết nói lời tri ân đúng lúc và biết sống có trách nhiệm với tương lai.

Văn hóa, rốt cuộc, không phải thứ gì quá cao siêu. Văn hóa chính là khi ta biết đặt tay lên tim và lắng nghe nhịp đập của lòng biết ơn.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/suy-ngam-tu-su-viec-hai-sinh-vien-vo-le-voi-cuu-chien-binh-ngay-3042025-a28593.html