Từ phiên dịch tình nguyện đến 'đại sứ' văn hóa Việt

Từng việc làm của mỗi tình nguyện viên phiên dịch trong Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (DIFF), dù nhỏ nhất cũng là giới thiệu, góp phần lan tỏa đến bạn bè quốc tế nét văn hóa, tình cảm của con người Việt Nam.

Lưu Ngọc Bảo Thi phiên dịch cho bà Nadia Shakira Wong, Giám đốc Công ty tư vấn tổ chức pháo hoa Global 2000

Lưu Ngọc Bảo Thi phiên dịch cho bà Nadia Shakira Wong, Giám đốc Công ty tư vấn tổ chức pháo hoa Global 2000

Những bài học thực tế

Những ngày qua, Trần Ngô Hạnh Thảo (21 tuổi, sinh viên năm 4 khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) dậy từ rất sớm, chạy xe đến khu vực bãi bắn (cảng sông Hàn, quận Hải Châu) để hỗ trợ đội pháo hoa Joho Pyro Professional Fireworks AB (Phần Lan) với 5 thành viên. Mỗi ngày, Thảo có mặt tầm 6 giờ sáng để bắt đầu công việc. Có hôm cao điểm, công việc của cô kết thúc vào tối muộn. Lịch trình phải phụ thuộc theo lịch làm việc của đội, nhưng Thảo luôn tươi cười bởi chẳng “nhằm nhò” gì so với niềm vui mà em được nhận lại khi phục vụ tại một sự kiện lớn như DIFF 2024. Điều Thảo nhớ nhất là ngày đón các thành viên ở sân bay Đà Nẵng. Dù cảm thấy hồi hộp do lần đầu gặp mặt, nhưng các thành viên đã chào đón Thảo bằng những nụ cười, cái bắt tay khá thân thiện, chân thành. Những ngày tiếp theo, vì muốn trở thành người hỗ trợ tích cực nên Thảo nỗ lực học từ vựng về pháo hoa. Thông qua các buổi làm việc, cô học được cách chuyển đổi ngôn từ một cách mượt mà, nhanh nhẹn hơn.

“Mặc dù có thế mạnh về ngoại ngữ, tuy nhiên, những kiến thức về pháo hoa, từ vựng liên quan đến pháo tôi vẫn còn bỡ ngỡ. Để thích nghi, trên tay tôi luôn có sổ ghi chú để viết lại những từ mới. Mỗi lần có từ vựng chuyên ngành không hiểu thì tôi sẽ nhờ các thành viên của đội giải thích, hướng dẫn cách đọc. Để lần sau, nếu tôi gặp lại những từ ấy việc phiên dịch sẽ dễ dàng hơn”, Hạnh Thảo chia sẻ.

Cách đó không xa, Trần Văn Hòa (21 tuổi, khoa tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) đang hỗ trợ phiên dịch cho các thành viên của đội pháo hoa Liuyang Jingduan New-art Display Co.Ltd (Trung Quốc). Bên cạnh phiên dịch ngôn ngữ Anh, Hòa còn có thêm cơ hội học thêm tiếng Trung khi trao đổi với các thành viên. “Hầu như các thành viên trao đổi với nhau đều bằng tiếng Trung bản địa nên tôi cũng muốn hòa nhập. Ngữ pháp vốn không dễ, nhưng vấn đề lớn nhất là tiếng Trung có rất nhiều từ đồng âm, khác nghĩa. Tùy vào ngữ cảnh mới phân biệt được. Có một lần, tôi nói không chuẩn khiến cả nhóm cười rộ lên. Sau đó, các anh chị giải thích và hướng dẫn tôi cách dùng từ. Đó là những trải nghiệm quý giá”, Hòa bày tỏ.

Cầu nối văn hóa

Bên cạnh việc phiên dịch, các tình nguyện viên không quên sứ mệnh của mình trong việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đảm nhận phiên dịch cho bà Nadia Shakira Wong, Giám đốc Công ty tư vấn tổ chức pháo hoa Global 2000, Lưu Ngọc Bảo Thi (20 tuổi, sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) kể rằng, trong những lần dùng bữa, cô giới thiệu cho bà và các thành viên trong đoàn những món ăn tại TP Đà Nẵng. Đà Nẵng có nhiều món ăn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa của các vùng miền, từ các tỉnh lân cận. Họ cảm nhận được sự thân thiện của người dân địa phương qua sự hướng dẫn tỉ mỉ cách thưởng thức món ăn truyền thống. Hay cả những món ăn du nhập từ các nước có lượng khách du lịch đến đông đảo như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… khiến họ có cảm giác gần gũi như đang ở nhà. Khi đến các điểm tham quan, đường phố Đà Nẵng xanh - sạch - đẹp và con người thân thiện đã “ghi điểm” với họ. Đây chính là niềm tự hào của người dân và luôn được chính quyền TP Đà Nẵng quan tâm, phát triển.

Mỗi tình nguyện viên tại DIFF 2024 như một đại sứ quảng bá hình ảnh cho TP Đà Nẵng, vì vậy, mỗi người xác định đây không chỉ là cơ hội để học hỏi, trau dồi kỹ năng cho bản thân, mà còn là vinh dự gắn với trách nhiệm cùng TP Đà Nẵng lan tỏa hình ảnh về một thành phố thân thiện, mến khách. Bà Nadia Shakira Wong, Giám đốc Công ty tư vấn tổ chức pháo hoa Global 2000, cho rằng, mọi thứ đều cần đến tình nguyện viên từ việc hỗ trợ phiên dịch cho các đội tại bãi bắn đến mua thức ăn, các vật dụng cần thiết. Các bạn là người liên lạc với tài xế, đón và đưa các đội thi tại sân bay. Các bạn đều làm việc với 100% công suất nên các đội thi rất yêu mến các bạn. Nhờ các bạn tình nguyện viên, nhiều đội thi đã có dịp trải nghiệm nhiều điểm đến ở Đà Nẵng, Quảng Nam như Bà Nà Hills, phố cổ Hội An, bán đảo Sơn Trà... cũng như thưởng thức ẩm thực đặc trưng, các món ăn đặc sản địa phương. Những phản hồi tích cực này chính là lý do có nhiều đội thi đã và luôn sẵn lòng trở lại Đà Nẵng.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-phien-dich-tinh-nguyen-den-dai-su-van-hoa-viet-post749084.html