Syria bộn bề tái thiết và hòa giải
Chính quyền Damas đang rốt ráo tiến hành tái thiết đất nước bị thiệt hại nặng nề do nội chiến kéo dài. Tuy nhiên, hòa giải dân tộc mới là căn nguyên vấn đề. Tiến trình này vừa được tái khởi động bất chấp sự can thiệp ngầm và công khai từ các cường quốc khu vực và thế giới.
Ngày 25-11, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành phiên họp trực tuyến định kỳ hằng tháng về tình hình tại Syria.
Ngoài vấn đề nhân đạo, Phó Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria Khawla Matar thông báo rằng chính quyền Syria và phe đối lập mới đây đã có thống nhất về chương trình nghị sự và thời điểm tiếp tục tiến hành đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp sau một thời gian chưa đạt được nhất trí kể từ vòng đàm phán thứ ba vào cuối tháng 8-2020. Theo đó, vòng đàm phán thứ tư về chủ đề các nguyên tắc quốc gia sẽ được tiến hành trong tuần đầu tiên của tháng 12-2020 và vòng thứ năm về chủ đề các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp dự kiến được tiến hành trong tháng 1-2021.
Các cuộc họp sẽ tiếp tục được tổ chức trực tiếp tại Geneva, Thụy Sĩ với các quy định y tế chặt chẽ nhằm bảo đảm sức khỏe cho đại biểu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại đây. Liên quan đến tình hình nhân đạo, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về vấn đề nhân đạo Ramesh Rajasingham cho biết tình hình không có cải thiện trong tháng vừa qua và nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tiếp tục đặc biệt cao. Ông lo ngại về tình hình nhân đạo trong mùa đông sắp tới trước bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực, thiếu hàng hóa cơ bản vẫn ở mức nghiêm trọng, hiện có tới 6,7 triệu người Syria đang mất nơi cư trú và một phần ba trong số đó không có nơi trú ngụ đầy đủ điều kiện.
Lý giải về tình hình này, phát biểu tại hội nghị quốc tế về người tị nạn Syria ở Damas gần đây, Tổng thống Al-Assad khẳng định chính phủ đang nỗ lực để mọi người tị nạn trở về và đóng góp xây dựng quê hương nhưng lưu ý rằng còn nhiều những trở ngại lớn đối với điều này. Ông Assad chỉ rõ Mỹ và các đồng minh đang cản trở nỗ lực của các tổ chức nhà nước Syria nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng để những người tị nạn có thể trở về và sống một cuộc sống bình thường.
Trước đó, chính quyền Syria đang kêu gọi người dân ổn định cuộc sống và chung tay tái thiết đất nước. Bên cạnh đó, Damas cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và nhất là các nước đồng minh giúp Syria nhanh chóng xây dựng lại cơ sở hạ tầng đất nước. Ngày 15-11, Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Điều phối Liên quân Nga-Syria về người tị nạn, cho biết Nga sẽ phân bổ số tiền 1 tỷ USD để tái thiết Syria.
Ngoài ra, Thủ tướng Nga Mikhail Michoustine đã ký một sắc lệnh quy định việc mở một phái đoàn thương mại của Nga tại thủ đô của Syria trong năm nay. “Cơ quan đại diện thương mại của Liên bang Nga tại Cộng hòa Arab Syria sẽ được thành lập vào năm 2020 tại thành phố Damas”, văn bản cho biết. Ngoài Nga, Iran và Trung Quốc cũng đang được chính quyền Syria cầu cứu nhưng dường như không đả động gì đến các nước Âu-Mỹ.
Việc tái thiết đất nước không phải là việc ngày một ngày hai, tiến trình hòa giải dân tộc cũng cần nhiều thời gian và quyết tâm chính trị. Khó khăn là vậy nhưng tình hình Syria vẫn chưa thực sự yên ổn do có quá nhiều quốc gia đang can thiệp vào tình hình nước này. Ngày 18-11, Israel cho biết đã tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào quân đội Syria và lực lượng Kurd của Iran, sau khi phát hiện các thiết bị nổ tại khu vực Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, nhằm mục đích tấn công quân đội Israel.
Theo tuyên bố của quân đội Israel, máy bay chiến đấu đã bắn trúng các kho dự trữ, cơ sở quân sự... của quân đội Syria. Chiến dịch không kích được thực hiện sau khi Lực lượng phòng vệ Israel phát hiện các thiết bị nổ, được đặt ở phía đường biên giới Alpha của Israel, với cáo buộc lực lượng Kurd của Iran thực hiện. Quân đội Israel khẳng định, đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy có sự hiện diện của lực lượng Iran tại Syria.
Trước đó, ngày 22-11, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng UAV để tấn công vào các khu vực dân sinh nằm gần thành phố ‘Ain ‘Issa ở phía bắc tỉnh Al-Raqqa, nơi đang thuộc quyền kiểm soát của phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Nguồn tin cho biết, quân đội Syria và Nga đã bắn hạ UAV của Thổ Nhĩ Kỳ ít phút sau khi nó phát động tấn công về phía phiến quân SDF. Thời gian gần đây, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng phiến quân được Ankara hậu thuẫn đã tăng cường tấn công chống lại SDF và Các lực lượng Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Cũng trong ngày này, quân đội Mỹ đã triển khai gần 100 binh sĩ và hơn 10 phương tiện thiết giáp để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 90 ngày, nhằm tái củng cố lực lượng của nước này ở miền Đông Syria.
Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ Bill Urban ra tuyên bố nêu rõ: “Mỹ không muốn gây xung đột với bất cứ quốc gia nào ở Syria nhưng sẽ bảo vệ các lực lượng liên quân nếu cần thiết”. Hiện tại, Mỹ có chưa đến 1.000 binh sĩ tại Syria và con số này gần như không thay đổi kể từ khi Washington chấm dứt chiến dịch truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi hầu hết lãnh thổ Syria.
Ông Antony Blinken, người được ông Joe Biden chọn làm ngoại trưởng, từng thừa nhận rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama mà ông từng phục vụ đã thất bại về vấn đề Syria. Tuy nhiên, ông Blinken cũng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Donald Trump vì không muốn liên can đến vấn đề Syria nên đã bỏ đi những công cụ mặc cả và rút toàn bộ binh lính khỏi nước này. Ông Blinken hé lộ cách tiếp cận của chính quyền mới sẽ cẩn trọng hơn so với việc rút quân ồ ạt, bất chấp những cảnh báo từ giới cố vấn quân sự như trong thời Tổng thống Trump.
Ông Blinken để ngỏ khả năng tiếp tục giữ binh lính Mỹ tại các chiến trường như Syria nhưng với số lượng hạn chế. “Chúng ta cần phân biệt giữa các cuộc chiến không hồi kết cùng việc triển khai quy mô lớn với những chiến dịch quy mô nhỏ, có thể duy trì và do lực lượng đặc nhiệm dẫn dắt để hỗ trợ các lực lượng địa phương”, ông Blinken nói.
Dù cùng tham chiến tại Syria nhưng Nga và Mỹ lại theo đuổi các mục tiêu khác nhau. Nga triển khai lực lượng hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Al Assad còn Mỹ điều quân đến Syria để tuần tra chung và phối hợp hành động với Lực lượng SDF - một tổ chức đối lập do nước này hậu thuẫn vào năm 2015, nhằm chiến đấu chống lại IS.
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ tại miền Đông Syria đã leo thang đáng kể trong thời gian qua. Đã có một số cuộc đụng độ xảy ra giữa hai bên, trong đó vụ việc nghiêm trọng nhất diễn ra vào năm 2017, khiến gần 300 nhà thầu quân sự Nga thiệt mạng.