Syria chấm dứt hợp đồng đầu tư của Nga tại cảng chiến lược Tartus

Chính quyền mới Syria đã chấm dứt thỏa thuận với công ty Stroytransgaz của Nga về việc quản lý cảng biển Tartus.

Ông Riad Judy - Giám đốc Hải quan tỉnh Tartus, Syria hôm 22/1 cho biết, chính quyền mới của Syria đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận đầu tư với công ty Stroytransgaz của Nga về việc thuê cảng Tartus. Theo quan chức này, cảng chiến lược này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước Syria để phát triển kinh tế.

"Thỏa thuận đầu tư vào cảng Tartus được ký kết với một công ty Nga đã bị hủy bỏ. Toàn bộ doanh thu từ cảng sẽ được chuyển cho nhà nước Syria. Các công nhân của cảng sẽ quay lại khôi phục các thiết bị cũ mà công ty đã sử dụng", ông Riad Judy cho biết.

Vào năm 2019, chính quyền Syria thời điểm đó đã ký hợp đồng đầu tư với công ty Nga Stroytransgaz kéo dài 49 năm để mở rộng cảng Tartus. Văn bản này nêu rõ, rằng phía Nga sẽ quản lý cảng trong thời gian đó, đầu tư hơn 500 triệu đô la vào quá trình hiện đại hóa cảng. Tuy nhiên, các quan chức Syria cho biết phía Nga chưa thực hiện đầy đủ các cam kết.

Theo quan chức Syria, cảng Tartus gần như không thể hoạt động do thuế hải quan và giá dịch vụ cao. Đó là lý do tại sao chính quyền mới của Syria đẩy nhanh việc tái cấu trúc và tổ chức lại cảng, đồng thời giảm thuế hải quan đối với một số loại hàng hóa xuống 60%.

"Chính quyền hiện tại cho phép nhập khẩu các vật liệu và hàng hóa mà trước đây bị cấm. Cảng Tartus đang có lưu lượng tàu thuyền ổn định với các tàu chở sắt, cacbonat và đường đến từ nhiều quốc gia Arab", ông Riad Judy nói thêm.

Tartus là cảng biển lớn thứ hai của Syria, nơi đặt căn cứ hậu cần của Hải quân Nga. Tháng 12/2024, có thông tin cho biết Nga đang đàm phán với chính quyền Syria mới về việc duy trì hai căn cứ quân sự của mình tại quốc gia này. Theo nguồn tin, Moscow đã có được sự đảm bảo an ninh tạm thời để các căn cứ này tiếp tục hoạt động bình thường.

Cảng Tartus vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong hợp tác Nga - Syria, đóng vai trò cung cấp và bảo trì thiết bị quân sự, đồng thời mang lại cho Nga sự hiện diện chiến lược ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, sự thay đổi quyền lực ở Syria vào cuối năm 2024 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong mối quan hệ này, làm dấy lên lo ngại về sự hiện diện của Nga trong khu vực.

Quỳnh Như

Theo Tass

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/syria-cham-dut-hop-dong-dau-tu-cua-nga-tai-cang-chien-luoc-tartus-post1711646.tpo