Syria chưa phải 'đấu trường sinh tử' của Nga-Mỹ: Vì sao người Kurd được các cường quốc săn đón?

Giới quan sát thường nói về sự đối đầu nảy lửa của Nga-Mỹ ở Syria, nhưng dường như cả hai chỉ tranh cãi ở bên ngoài, còn bên trong vẫn dành cho nhau sự tôn trọng nhất định.

Dù thể hiện sự đối lập ở Syria, Nga-Mỹ vẫn có sự nể mặt nhau nhất định.

Dù thể hiện sự đối lập ở Syria, Nga-Mỹ vẫn có sự nể mặt nhau nhất định.

Phải chăng có thỏa thuận ngầm Nga-Mỹ?

Sự tham gia của Nga vào cuộc khủng hoảng Syria được coi như một sự cản trở khó chịu đối với chính sách của Mỹ. Nhưng sau một thời gian, Washington đã chấp nhận Moscow trở thành một thế lực có tiếng nói quan trọng của cuộc xung đột, nếu không muốn gọi là đối tác.

Có một sự khác biệt lớn giữa Moscow và Washington trong việc xử lý khủng hoảng Syria: chính sách của Mỹ là lật đổ chính quyền Tổng thống Assad trong khi Nga đang cố gắng hậu thuẫn và ngăn cản những nỗ lực của Mỹ.

Sau đó, cuộc chiến chống khủng bố IS đã mở ra một tình huống mới đối với Nga-Mỹ. Sau khi Nga bước chân vào Syria, đã có các cuộc thảo luận kéo dài trong chính quyền Obama về việc nên ưu tiên tiêu diệt các nhóm liên kết với IS hay Al-Qaeda và Al-Nusra.

Từ mùa thu 2014, Lầu Năm Góc đã quyết định đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tiêu diệt IS. Mỹ sẽ tiếp tục chiến đấu với IS trong khi Nga có thể chiến đấu ở những khu vực ngoài tầm với của lực lượng Mỹ, như Palmyra và Deir Ezzor.

Do đó, Mỹ có thể giữ cho các lực lượng Nga tránh xa khu vực lợi ích của mình ở Syria - phía Tây của đất nước. Các phe phái đối lập vũ trang ôn hòa có thế lực rất mạnh tại đây. Bởi vậy, Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm này trong cuộc chiến chống lại chính quyền Damascus.

Vào thời điểm đó, một đề xuất của Nga về việc thành lập một trung tâm hoạt động chung ở Jordan đã bị Mỹ từ chối. Nhìn lại, sự từ chối này có thể giúp Mỹ tiếp tục quấy rối và làm suy yếu chính quyền Syria, trong khi mặt khác kéo dài sự tồn tại của các nhóm đối lập vũ trang.

Ngày nay, giới quan sát đã chứng kiến sự hợp tác giữa Mỹ và Nga, đặc biệt là ở phía đông bắc Syria. Sự mơ hồ trong thái độ của Mỹ đã làm cho việc hợp tác này trở nên khó khăn. Sự mơ hồ này là do thiếu sự đồng nhất đầy đủ giữa các cơ quan quyền lực ở Washington, đặc biệt là giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Nhưng về cơ bản, giữa Nga và Mỹ vẫn có sợi dây kết nối dù mong manh nhưng vẫn cho thấy có một sự hợp tác chung ở Syria.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự vào tháng 10, Mỹ đã rút quân khỏi khu vực. Một trong những căn cứ bị bỏ hoang của Mỹ là sân bay quân sự Metras, cách Ain Al-Arab 30 km về phía Nam.

Vào ngày 1/11, quân đội Mỹ đã quay trở lại căn cứ, nơi giới lãnh đạo Mỹ lưu ý họ sẽ sử dụng sân bay để cung cấp vật tư cần thiết để thiết lập các căn cứ quân sự mới trong khu vực. Tuy nhiên, người Mỹ lại rời đi một lần nữa trước khi quân cảnh Nga đến sân bay vào ngày 15/11.

Viết trên Arab News, cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakis tin rằng, có thể có một thỏa thuận ngầm hoặc thậm chí là một thỏa thuận rõ ràng giữa Mỹ và Nga. Hai thế lực chính trong khu vực khủng hoảng sẽ có sự hội tụ và phân chia lợi ích riêng nhưng họ sẽ làm hết sức để tránh những cuộc đối đầu không cần thiết.

Quân bài người Kurd

Người Kurd đòn bẩy mà các thế lực ở Syria đều muốn nắm giữ.

Người Kurd đòn bẩy mà các thế lực ở Syria đều muốn nắm giữ.

Có hai vấn đề trong cuộc khủng hoảng Syria mà Mỹ và Nga không đồng ý với nhau. Một là phương thức để chấm dứt xung đột. Mỹ ưa chuộng một giải pháp mà trong đó loại bỏ hoàn toàn vai trò của Tổng thống Bashar Assad trong tương lai của Syria, trong khi Nga ủng hộ chính quyền Assad.

Sự bất đồng thứ hai là về tình trạng tương lai của người Kurd ở Syria. Về vấn đề này, các chính sách tương ứng của hai nước nghe có vẻ rất gần gũi nhưng lại không hề giống nhau. Cả hai đều muốn nắm quân bài người Kurd vì nó cung cấp đòn bẩy quan trọng trong một khu vực hỗn loạn đầy rủi ro.

Mỹ rất muốn quảng bá bản sắc của người Kurd và sử dụng nó để gây áp lực lên Chính phủ Syria cho một giải pháp mà nước này hướng đến. Washington muốn để người Kurd duy trì các khu vực kiểm soát hiện tại - Jazira, Kobani và Afrin - và để cho người Kurd phát triển theo hướng tự trị khu vực, giống như ở phía Bắc Iraq.

Trong một viễn cảnh dài hạn, Mỹ rất mong muốn được thấy một thế lực người Kurd độc lập có thể đóng góp cho an ninh của Israel.

Nga ủng hộ việc công nhận bản sắc người Kurd trong sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Điều này có thể được xác định dưới hình thức phân chia quyền lực đối với các đô thị có dân cư chủ yếu là người Kurd.

Nhưng Nga không có một vai trò mạnh mẽ trong việc định hình tương lai lâu dài về chủ đề này và dường như không muốn tham gia vào tranh cãi mà để cho mọi thứ phát triển tự nhiên.

Về vấn đề người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thế lực quan trọng. Các hoạt động quân sự đa dạng của nước này ở Syria đều nhằm mục đích ngăn chặn sự xuất hiện của vành đai người Kurd ở biên giới phía Nam.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, nếu khu vực này không hoàn toàn được giải phóng khỏi các chiến binh người Kurd thì Ankara có thể tiến hành một chiến dịch quân sự khác.

Tuyên bố thách thức này sau đó đã bị Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phủ nhận, người tuyên bố: “Ankara đảm bảo với Moscow rằng Thổ Nhĩ Kỳ không tìm kiếm một hoạt động quân sự mới ở Syria”.

Chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ khác rất nhiều so với chính sách của Mỹ và Nga. Trong bối cảnh có các lập trường khác nhau này, thật khó để mong đợi một giải pháp sớm cho cuộc khủng hoảng Syria.

Chính vì vậy, người dân Syria có thể phải chờ đợi khá lâu cho đến khi nào các cường quốc nước ngoài đồng ý về một lập trường chung khả thi.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/syria-chua-phai-dau-truong-sinh-tu-cua-nga-my-vi-sao-nguoi-kurd-duoc-cac-cuong-quoc-san-don-a458364.html