Syria – Khoảng trống quyền lực và điểm nóng được báo trước
Cho dù, vào ngày 19/7, Bộ Nội vụ Syria thông báo rằng tình trạng giao tranh đã tạm lắng, thì có lẽ cũng vẫn có quá ít lý do để các nhà phân tích quốc tế có thể tin tưởng rằng tình trạng này sẽ kéo dài. Nửa năm sau khi chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad sụp đổ, những hệ lụy sâu sắc dành cho đất nước ấy, đã được chỉ ra từ trước, dường như mới chỉ bắt đầu bộc phát.
Người Druze và yếu tố Israel
Ngày 16/7, Israel bất ngờ thực hiện loạt cuộc không kích nhằm vào thủ đô Damascus của Syria, đánh dấu diễn biến nghiêm trọng trong bối cảnh khu vực đang bất ổn. Cụ thể, Israel đã tấn công nhiều mục tiêu chiến lược tại trung tâm thủ đô Damascus, bao gồm các khu vực gần Bộ Quốc phòng Syria và phủ Tổng thống. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cảnh báo: Các cuộc tấn công sẽ tiếp diễn cho đến khi lực lượng chính quyền lâm thời Syria rút khỏi khu vực Sweida. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: miền Nam Syria phải "hoàn toàn phi quân sự" và không chấp nhận sự hiện diện của chính quyền Syria do Hồi giáo lãnh đạo gần biên giới Israel.
Đây bị xem là một hành vi vi phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria - điều được chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterrres chỉ ra, khi ông bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi Israel chấm dứt các hành vi này.

Syria đã rút quân theo lệnh ngừng bắn và yêu cầu Israel dừng các cuộc tấn công vào nước này.
Ngay cả Washington cũng “không ủng hộ các cuộc không kích gần đây của Israel" - như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce. Với vai trò trung gian của nước Mỹ, cùng sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, đến sáng 19/7, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Tom Barrack thông báo nhà lãnh đạo lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa và Thủ tướng Israel Netanyahu đã đồng ý lệnh ngừng bắn.
Vấn đề là, lệnh ngừng bắn ấy có giải quyết được những nguyên nhân gốc rễ của bạo lực hay không?
Căng thẳng Israel - Syria bùng lên từ Sweida, nơi có đa số cư dân là người Druze. Trước đó, lực lượng Chính phủ Syria đã tiến vào thành phố này ngày 15/7 để giám sát lệnh ngừng bắn, sau các cuộc đụng độ giữa cộng đồng Druze và Bedouin khiến hơn 100 người thiệt mạng. Israel đã can thiệp để bảo vệ cộng đồng với khoảng 140.000 người, chiếm 2% dân số Syria này. Tel Aviv gửi viện trợ trị giá gần 600.000 USD bao gồm lương thực và vật tư y tế cho người Druze ở Sweida.
Thế nhưng, từ trước đó, cách tiếp cận vấn đề của Tel Aviv dường như đã không chỉ là chuyện “cứu những người anh em Druze của chúng ta”. Mối quan hệ mật thiết truyền thống giữa cộng đồng người Druze và nhà nước Do Thái dĩ nhiên là vô cùng quan trọng. Nó đã được GS Yossi Mekelberg tại Đại học Regent's (Anh) phân tích trên DW: "Israel đang chịu áp lực phải bảo vệ người Druze, bởi liên minh lâu đời và sâu sắc giữa người Druze và người Do Thái ở Israel". Tại Israel, người Druze là một cộng đồng khoảng 150.000 người. Nam giới người Druze thường xuyên phục vụ trong quân đội Israel. Tại Syria, khoảng 700.000 người Druze tạo thành một trong những nhóm thiểu số lớn nhất của Syria.
Song, cần nhắc lại, ngay sau khi chính quyền cựu Tổng thống Al Assad sụp đổ hồi tháng 12/2024, Israel đã liên tục oanh kích Syria, với lý do: “Nhằm đảm bảo vũ khí của quân đội Syria (cũ) không rơi vào tay lực lượng đối địch với Tel Aviv”. Lực lượng ấy, không phải ai khác, chính là chế độ đang nắm quyền ở Syria hiện tại - chính quyền do Tổng thống lâm thời Ahmad Al-Sharaa và nhóm Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo. Như nhà phân tích Ryan Bohl (Công ty Rane Network, có trụ sở ở Mỹ) nhận định với hãng tin Bloomberg: “Israel đang cố gắng thiết lập một vùng đệm không chính thức ở miền Nam Syria”.
Và, GS Yossi Mekelberg cũng chỉ ra: "Các cuộc không kích gần đây là thông điệp gửi tới chính phủ ở Damascus rằng Israel đang theo dõi với quan tâm và lo ngại về điều đang diễn ra ở Syria. Có điều, một trong những vấn đề của chính phủ Israel hiện tại là chuyện phương thức hoạt động duy nhất của họ chỉ xoay quanh sử dụng vũ lực".
Nói cách khác, lời cam kết của Israel bảo vệ người Druze còn là cơ hội để Tel Aviv phô diễn ưu thế quân sự trước nước láng giềng Syria - vốn vẫn đang hỗn loạn kể từ tháng 12/2024, đồng thời gia tăng kiểm soát đối với khu vực biên giới chung. Hơn thế, nếu Syria - một cường quốc khu vực trước kia - càng yếu đi thì cũng có nghĩa là càng giảm thiểu khả năng đe dọa Israel.
Trên thực tế, về mặt kỹ thuật, Syria và Israel vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ cuộc chiến Arab-Israel năm 1948. Năm 1967, Israel chiếm phần lớn diện tích khu vực này trong cuộc Chiến tranh 6 ngày. Đến năm 1981, Israel sáp nhập Cao nguyên Golan. Cộng đồng quốc kế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ghi nhận động thái sáp nhập đơn phương này. Về phần mình, Syria nhiều lần yêu cầu Israel trả lại lãnh thổ. Chỉ đến gần đây, khả năng từ bỏ đòi hỏi chủ quyền với Cao nguyên Golan được chính quyền mới của Syria để ngỏ.
Người Alawite và mầm mống tương tàn
Còn hơn cả những mối đe dọa từ biên giới Israel-Syria, ngay khi Tổng thống Syria Bashar Al Assad rời bỏ cương vị, giới quan sát quốc tế đã tiên liệu: Khoảng trống quyền lực để lại sẽ còn tạo nên nhiều sự chia rẽ thảm khốc cho đất nước này, mà trong đó, mối hận thù giữa quân nổi dậy HTS và cộng đồng người Alawite trung thành với chế độ Al Assad sẽ là một yếu tố cốt lõi.
Ngày 30/6/2025, hãng tin Reuters đưa bản báo cáo đặc biệt đầy những chi tiết ghê rợn, với tiêu đề giống hệt một bản cáo trạng: “Quân đội Syria đã thảm sát 1.500 người Alawite”. “Vụ thảm sát Suleiman Rashid Saad là một phần trong làn sóng giết chóc của các chiến binh Sunni tại các cộng đồng Alawite dọc bờ biển Địa Trung Hải của Syria, từ ngày 7 đến ngày 9/3. Theo chính phủ, vụ bạo lực này xảy ra nhằm đáp trả cuộc nổi loạn do các cựu sĩ quan trung thành với tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad tổ chức, khiến 200 người thuộc lực lượng an ninh thiệt mạng” - Reuters nêu rõ.
Trước đó, từ tháng 3/2025, hãng tin Al Jazeera đã bình luận: “Đừng tin bất cứ ai”, khi đề cập tới chuyện “Người Alawite ở Syria lo sợ rằng họ sẽ không bao giờ được an toàn, sau khi hàng trăm người thiệt mạng dọc bờ biển, trong các vụ bạo lực có động cơ tôn giáo”. Sự khác biệt về tôn giáo đang một lần nữa trở thành những vết chém hằn xuống thân thể vốn đã đầy thương tích của Syria, trong vai trò là công cụ của chính trị.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Sweida, miền Nam Syria, ngày 15/7.
Alawite là gì? Hiểu một cách đơn giản, theo Bách khoa toàn thư trực tuyến uy tín Britannica, đó là một hệ phái Hồi giáo thiểu số, với những khác biệt về giáo lý và tín điều so với 2 hệ phái chính (Sunni và Shiite), cho dù họ thường bị nhầm lẫn là một phần của Shiite. Tai Syria, gia tộc Al Assad trước đây xuất thân từ cộng đồng Alawite, do đó, cộng đồng này nắm vai trò hạt nhân trong hệ thống chính trị. Điều này rõ ràng là đã tạo nên nhiều hệ lụy, nhiều hiềm khích và mâu thuẫn trong xã hội Syria, suốt chừng ấy thập kỷ nhà Al Assad nắm quyền.
Khi các chiến binh đối lập lật đổ chế độ vào tháng 12/2024, Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa đã hứa sẽ bảo vệ các nhóm thiểu số. Khoảng thời gian bình yên tạm thời sau khi Al-Assad sụp đổ khiến nhiều người Alawite tin rằng họ sẽ được an toàn. Song, đến hiện tại, niềm tin rằng Tổng thống lâm thời Al-Sharaa có thể bảo vệ người Alawite “đã bị tổn hại không thể phục hồi”, một số người Alawite chia sẻ với Al Jazeera.
Theo Mạng lưới Nhân quyền Syria (SNHR), vào ngày 6/3, những người trung thành với Al-Assad đã phát động một làn sóng tấn công khiến hàng trăm nhân viên an ninh và dân thường thiệt mạng. Trong 4 ngày tiếp theo, bạo lực hoành hành khắp vùng ven biển Syria, buộc lực lượng an ninh mới của nước này phải triển khai để đẩy lùi các chiến binh ủng hộ Assad. Một số lượng không xác định những người đàn ông có vũ trang cũng đã xuất hiện và được cho là đã thực hiện hàng trăm vụ giết người trả thù chống lại người Alawite - theo những người sống sót, giám sát viên địa phương và các nhà phân tích. Fadel Abdul Ghany, Giám đốc sáng lập của SNHR, phát biểu với Al Jazeera: "Rất nhiều cuộc phản kích là bất hợp pháp, nhắm vào dân thường hoặc các chiến binh sau khi họ đã bị tước vũ khí".
Như một lẽ thường, trả thù sẽ lại làm nảy sinh thêm thù hận, trong một cái vòng luẩn quẩn. Và, khối thuốc nổ nội tại mang tên Alawite này, trong lòng xã hội Syria, thậm chí sẽ còn có thể làm bùng phát những thảm kịch, đặc biệt là khi cộng hưởng với áp lực từ bên ngoài.