Syria tao loạn, Trung Đông lo bất ổn
Bắt đầu từ ngày 27-11, cuộc tấn công chớp nhoáng của phe nổi dậy đã khiến lực lượng của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad bất ngờ
Lực lượng nổi dậy ở Syria ngày 8-12 tuyên bố trên truyền hình nhà nước rằng họ đã chiếm giữ thủ đô Damascus và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, chấm dứt 50 năm cầm quyền của gia tộc Assad. Diễn biến bước ngoặt này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Trung Đông thêm bất ổn giữa lúc xung đột vẫn đang diễn ra tại Dải Gaza.
Bắt đầu từ ngày 27-11, cuộc tấn công chớp nhoáng của phe nổi dậy vào TP Aleppo lớn thứ 2 Syria khiến lực lượng chính phủ bất ngờ. Đến ngày 1-12, hầu hết TP Aleppo đã rơi vào tay quân nổi dậy. Kể từ đó, lực lượng nổi dậy tiếp tục chiến dịch quân sự và chiếm một loạt thành phố quan trọng khác, nổi bật là Hama và Holms.
Đến sáng 8-12 (giờ địa phương), phe nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu tuyên bố Tổng thống Assad không còn ở Damascus nữa. Hai sĩ quan cấp cao của quân đội Syria tiết lộ với Reuters rằng ông Assad đã rời khỏi Damascus tới một địa điểm không xác định. Trong khi đó, phe đối lập nói nhà lãnh đạo này đã chạy khỏi Syria.
Cùng ngày, Thủ tướng Ghazi al-Jalali cho biết đã liên lạc với ông Abu Mohammed al-Golani, thủ lĩnh HTS, để thảo luận về vấn đề quản lý giai đoạn chuyển tiếp hiện tại, đánh dấu diễn biến đáng chú ý trong nỗ lực định hình tương lai chính trị đất nước. Cũng theo ông Jalali, bầu cử tự do nên được tổ chức để người dân có thể chọn lựa người mong muốn.
Tuy nhiên, theo Reuters, điều này đòi hỏi một tiến trình chuyển giao suôn sẻ giữa lúc Syria có nhiều lợi ích cạnh tranh phức tạp, từ các nhóm Hồi giáo cho đến những tổ chức có liên hệ với Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Câu hỏi thực sự là tiến trình chuyển giao này sẽ diễn ra trật tự đến mức nào và rõ ràng là ông Golani dường như rất mong muốn nó diễn ra trật tự" - ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma (Mỹ), nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, ông Golani sẽ không muốn lặp lại sự hỗn loạn đã bao trùm Iraq sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003. "Họ sẽ phải tái thiết... Họ sẽ cần châu Âu và Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt" - ông Landis nói thêm.
Trước mắt, tình hình Syria có nguy cơ dẫn đến làn sóng bất ổn mới tại Trung Đông trong bối cảnh khủng hoảng tại Dải Gaza vẫn chưa có hồi kết. Với Syria, việc Damascus thất thủ là bước ngoặt tại đất nước bị tàn phá bởi hơn 13 năm chiến tranh, khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải ra nước ngoài tị nạn.
Sau khi xa lánh chính quyền Tổng thống Assad trong nhiều năm, các chính phủ phương Tây giờ đây phải quyết định cách ứng phó với một chính quyền mới có thể chịu ảnh hưởng của HTS tại Syria.
Điều đáng lo là HTS từng là một nhánh của al-Qaeda và được biết đến với tên gọi Mặt trận Nusra cho đến khi ông Golani cắt đứt quan hệ với nhóm khủng bố quốc tế này vào năm 2016. Bất chấp động thái này, HTS vẫn bị Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia phương Tây xem là khủng bố.
Vẫn chưa rõ HTS sẽ lãnh đạo đất nước thế nào trong trường hợp kiểm soát các cơ quan chính phủ.
"Liệu họ có quay lại như thời kỳ khi còn liên kết với al-Qaeda không? Hoặc liệu họ sẽ giống như Taliban ở Afghanistan - một chế độ Hồi giáo, bảo thủ nhưng nhìn chung không có ý định đe dọa các quốc gia láng giềng hoặc biến đất nước mình thành bàn đạp để tấn công phương Tây?" - ông Javed Ali, chuyên gia tại Trường Chính sách công Ford thuộc Đại học Michigan (Mỹ), nói với trang ABC News.
Các nước đề cao cảnh giác
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận đã triển khai quân đội vào vùng đệm với Syria cũng như một số nơi khác để củng cố phòng thủ ở Cao nguyên Golan. "IDF không can thiệp vào nội bộ ở Syria" - thông báo nhấn mạnh.
Theo đài Al Jazeera, nhiều xe tăng của Israel đã tiến vào khu vực Quneitra, cách Cao nguyên Golan không xa. Đây được xem là vùng đệm mà Israel chiếm đóng từ sau cuộc chiến năm 1967. Báo Times of Israel cho biết lực lượng nước này đã tấn công bằng pháo ở khu vực này nhưng không rõ mục tiêu là gì.
Trong khi đó, mối lo ngại lớn nhất của Iraq là các phần tử cực đoan hay "khủng bố" lọt qua biên giới giữa nước này và Syria. Iraq đã phải trả một cái giá rất lớn trong quá khứ, chủ yếu trong giai đoạn 2014-2017, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát nhiều vùng rộng lớn của nước này.
Bộ Nội vụ Iraq cho biết hơn 2.700 người Syria đã vượt biên vào Iraq ngày 7-12, trong đó có 2.000 binh sĩ thuộc chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.
Tập trung ngăn chặn khủng bố, đặc biệt là IS, cũng là vấn đề Mỹ quan tâm nhất hiện nay tại Syria - theo Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.
Ông Sullivan khẳng định tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở bang California ngày 7-12: "Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Syria. Những gì chúng tôi làm là tập trung vào các ưu tiên và lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. (…) Điều quan trọng đầu tiên là không để cho IS phục hồi; thứ hai là củng cố an ninh cho các đối tác trong khu vực, bao gồm Israel, Jordan, Iraq... Thứ ba, chúng tôi sẽ chú ý đến tình hình nhân đạo".
Phát biểu của ông Sullivan được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump kêu gọi Mỹ không can thiệp vào bất kỳ sự thay đổi chế độ nào ở Syria. Ông Sullivan lưu ý chính quyền Tổng thống Joe Biden đồng ý với ông Trump về vấn đề này.
Khi được hỏi về nguy cơ tình hình Syria sẽ gây ảnh hưởng lan rộng trong khu vực, ông Sullivan thừa nhận "đó là một mối lo ngại" và các quan chức Mỹ đang theo dõi chặt chẽ.
Hải Ngọc
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/syria-tao-loan-trung-dong-lo-bat-on-196241208201629387.htm