Bài biết "Cục Kỹ thuật, Binh chủng Tăng thiết giáp làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu" của Đại tá Đỗ Văn Diệp - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Binh chủng Tăng thiết giáp, đăng trên trên Tạp chí Cộng Sản đã cung cấp thông tin rất đáng chú ý.
"Tham mưu có hiệu quả cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng về CTKT, tập trung vào nhiệm vụ mua sắm, cải tiến hiện đại hóa xe tăng thiết giáp; huấn luyện khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới (xe tăng T-90S/SK, T-72MS...);
Như vậy trong đoạn trích dẫn trên, có thể thấy Đại tá Đỗ Văn Diệp đã nhắc đến xe tăng T-72MS bên cạnh T-90S/SK trong danh sách VKTBKT mới, dấu hiệu cho thấy chúng ta sắp có loại chiến xa này.
Việc Lục quân Việt Nam lựa chọn mua thêm T-72MS thay vì chỉ tập trung vào T-90S/SK có thể nhằm mục đích chính là nhanh chóng đưa lực lượng tăng thiết giáp tiến lên hiện đại với chi phí tiết kiệm nhất.
Đây được xem là hướng đi hợp lý khi tiềm lực tài chính của chúng ta còn có hạn, chưa thể mua sắm T-90S/SK một cách đại trà, trong khi vẫn cần phải nâng cao sức mạnh chiến đấu bằng một loại MBT mạnh mẽ hơn T-54M hay T-62.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72MS (T-72B1MS) với biệt danh "Đại Bàng Trắng" là sản phẩm từ dự án Proryv-2G, đây là gói nâng cấp hỏa lực nhanh dành cho T-72B của quân đội Nga vốn đã lạc hậu so với các dòng MBT phương Tây.
Chiếc T-72MS "Đại bàng trắng" lần đầu ra mắt tại Triển lãm kỹ thuật công nghệ 2012, nó mang đầy đủ đặc trưng của dòng T-72B với các khối giáp phản ứng nổ Kontakt-1 bao quanh mũi và tháp pháo, tên gọi trên bắt nguồn từ việc xe trưng bày được sơn trắng toàn bộ.
Xe tăng T-72MS được trang bị kính ngắm đa kênh Sosna-U cho pháo thủ tương tự T-72B3 và T-90S/SK. Điểm đáng chú ý nữa là nó có thêm kính ngắm toàn cảnh dành cho trưởng xe - khí tài này chỉ xuất hiện trên T-72B3M, thậm chí T-90S/SK cũng chưa có.
Ngoài ra chiếc "Đại bàng trắng" còn được lắp đặt máy tính đường đạn và hệ thống theo dõi mục tiêu tự động, tích hợp tháp súng máy 12,7 mm điều khiển từ xa, đi kèm camera hành trình.
Khách hàng có thể tùy chọn động cơ cho T-72MS là loại V-84MS công suất tối đa 840 mã lực thế hệ cũ, hoặc V-92 đời mới hơn có công suất lên tới 950 mã lực, hoặc thậm chí cả V-92S2F công suất cực đại 1.130 mã lực.
Vũ khí chính của T-72MS "Đại bàng trắng" là khẩu pháo 125 mm nòng trơn 2A46M, dĩ nhiên nó có sức mạnh không bằng loại 2A46M-5 cải tiến lắp trên T-72B3 hay T-90, nhưng vẫn tỏ ra rất đáng gờm.
Đặt cạnh T-72B3 hay T-90S/SK thì T-72MS kém vững chắc hơn khi giáp phản ứng nổ vẫn là Kontakt-1 chỉ chống được đạn xuyên lõm truyền thống thay vì cả đạn xuyên động năng như Kontakt-5, tuy nhiên xét về hỏa lực thì T-72MS lại được đánh giá là khá ngang bằng.
Các xe tăng T-72MS "Đại bàng trắng" nói trên có thể phối hợp tốt với T-90S/SK trong đội hình hỗn hợp theo kiểu cao - thấp truyền thống, hoặc cũng có thể sử dụng độc lập như mũi nhọn tấn công.
So sánh với T-54M do Việt Nam tự nâng cấp theo công nghệ Israel, thì T-72MS vẫn tỏ ra vượt trội nhờ khẩu pháo 125 mm 2A46M mạnh mẽ hơn hẳn loại D-10T2S cỡ 100 mm.
Việc bổ sung xe tăng chiến đấu chủ lực T-72MS "Đại bàng trắng" rõ ràng sẽ giúp nâng lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam lên một tầm cao mới so với các quốc gia trong khu vực.
Việt Dũng