T&T Group sản xuất pin lưu trữ, tăng tốc chiến lược năng lượng tái tạo

T&T Group chủ động chiến lược trung hòa vấn đề thuế quan, đón đầu vận hội năng lượng tái tạo, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Tập đoàn.

Mới đây, Tập đoàn T&T đã tỏ quyết tâm triển khai dự án nhà máy sản xuất pin lưu trữ hàng đầu tại Việt Nam và ra mắt sản phẩm vào năm tới thông qua hợp tác với Cospower – một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu của Trung Quốc. Bà có thể cho biết rõ hơn về kế hoạch này này?

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Hiện nay, năng lượng tái tạo đang là xu thế và Chính phủ Việt Nam đã có cam kết rõ ràng là chuyển dịch năng lượng và cam kết Net Zero vào năm 2050, và năng lượng tái tạo đóng góp quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu đó.

Trên cơ sở tiềm năng điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển, cùng với các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Nhà nước mang tính hỗ trợ, khuyến khích từ trước tới nay, năng lượng tái tạo vừa đón nhận bản Quy hoạch điện VIII điều chỉnh - trong đó đưa ra tổng công suất cho năng lượng tái tạo (NLTT) bao gồm điện gió và điện mặt trời rất lớn trong tỉ lệ tổng công suất điện Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng là mới đây Bộ Công thương đã ban hành chính sách về giá điện, trong đó có quy định về việc các dự án Điện mặt trời đầu tư mới cần phải lắp hệ thống lắp đặt pin lưu trữ tối thiểu 10% và có cơ chế giá cho pin lưu trữ này. Đấy là quy định, nền tảng rất quan trọng để phát triển hệ thống tích hợp pin lưu trữ cho các dự án NLTT.

Năng lượng tái tạo có sự bất ổn về hệ thống nhưng khi được tích hợp pin lưu trữ thì sẽ giải tỏa được nhược điểm này. Hiện nay, quy định đã tương đối rõ ràng và tôi chắc chắn thời gian tới đây của năm 2026 – 2027 đến năm 2030 sẽ là thời điểm phát triển mạnh mẽ của việc sử dụng pin lưu trữ cho các dự án NLTT.

Nắm bắt cơ hội đó, Tập đoàn T&T Group đang triển khai dự án sản xuất pin lưu trữ và có liên danh với một đối tác hàng đầu của Trung Quốc để triển khai sản xuất tại Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là chiếm lĩnh 40-50% thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu cho thị trường khu vực cũng như xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới như Mỹ và EU.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc T&T Group. Ảnh: DN

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc T&T Group. Ảnh: DN

Pin năng lượng là một lĩnh vực mới và khó ở Việt Nam khi chưa ghi nhận doanh nghiệp nào thực hiện được. Vậy sản phẩm pin của T&T Group sẽ cạnh tranh như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Trước hết cần nhắc đến cạnh tranh của thị trường. Trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đã đầu tư vào pin lưu trữ hơn 10 năm nay với các dòng sản phẩm, thương hiệu khá mạnh.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có hướng đi đúng đắn, cạnh tranh cả về giá lẫn chất lượng sản phẩm cũng như nắm bắt rõ nhu cầu của thị trường trong nước, của các nhà đầu tư Việt Nam thì tôi nghĩ vẫn có thể cạnh tranh.

Quan trọng hơn nữa, theo tôi, Chính phủ sẽ rất khuyến khích các mặt hàng pin lưu trữ được sản xuất ở Việt Nam, do các nhà đầu tư nội tham gia nên chắc chắn sẽ có những cơ chế ủng hộ ưu đãi để T&T Group có thể tăng được tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong lĩnh vực năng lượng nói chung và mảng pin lưu trữ nói riêng, T&T Group đang hợp tác với những đối tác nước ngoài nào của Trung Quốc và khu vực ASEAN và dự kiến sẽ triển khai phối hợp thực hiện các dự án ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Với mục tiêu trở thành và duy trì vị trí tập đoàn dẫn đầu của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và hướng tới là tập đoàn hàng đầu trong khu vực về năng lượng, T&T Group đã xác định để muốn đi xa, muốn đầu tư lớn vào lĩnh vực này thì chắc chắn phải có sự đồng hành của các đối tác hàng đầu thế giới.

Trong các lĩnh vực đầu tư năng lượng chúng tôi đã triển khai từ năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG hay điện sinh khối hay điện rác thì chúng tôi đều có các đối tác đồng hành để cùng bổ trợ và trở thành liên danh tốt nhất.

Thường có thế mạnh về tài chính, quản trị và công nghệ, các đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng và mong muốn tìm kiếm một nhà đầu tư trong nước có uy tín, có kinh nghiệm và có thể đồng hành để triển khai các thủ tục pháp lý trong nước.

T&T Group có kinh nghiệm, có đội ngũ về mặt quản trị và cả thế mạnh về tài chính nên khi đồng hành cùng nhau sẽ tạo nên liên danh rất mạnh để có thể đầu tư, hiện thực hóa các dự án.

Hiện tại, danh mục các dự án đầu tư của tập đoàn đang sử dụng rất nhiều trang thiết bị từ các đối tác Trung Quốc như: Tuabin của Goldwind và Envision. Đặc biệt, T&T Group cũng lựa chọn các đơn vị tổng thầu EPC uy tín như công ty GEDI thuộc China Energy – là một trong hai tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc về tổng thầu.

Với các nước ASEAN, chúng tôi đã mở rộng đầu tư năng lượng ra nước ngoài như cụm dự án điện gió tại Lào (tổng công suất hướng tới có thể vượt 1.000MW) và bán điện về Việt Nam.

Bám sát lộ trình và chiến lược hợp tác để vươn mình trở thành tập đoàn top đầu Việt Nam về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, T&T Group đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tổng công suất lắp đặt khoảng 18.000-20.000MW đến năm 2035 – tức chiếm khoảng 10% tổng công suất lắp đặt ở Việt Nam.

Liên danh T&T Group – Cospowers đặt mục tiêu ra mắt sản phẩm ngay trong năm 2026 để đón đầu nhu cầu lắp đặt tích hợp pin lưu trữ cho các dự án năng lượng tái tạo tại thị trường Việt Nam.

Liên danh T&T Group – Cospowers đặt mục tiêu ra mắt sản phẩm ngay trong năm 2026 để đón đầu nhu cầu lắp đặt tích hợp pin lưu trữ cho các dự án năng lượng tái tạo tại thị trường Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu giàu tham vọng này, chắc chắn T&T Group cần có nhà đầu tư và đối tác đồng hành, các nhà đầu tư hợp tác mang tính chất chiến lược. Ngay cả với các nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị thì chúng tôi cũng sẽ lập cơ chế hợp tác chiến lược để có thể đồng hành lâu dài.

Vừa qua, Mỹ áp thuế đối với pin năng lượng mặt trời của một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lên đến hơn 400 - 452%. T&T Group đã chuẩn bị ra sao để tránh giảm thiểu rủi ro tác động từ bên ngoài như thế này?

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Với chính sách của Mỹ về việc áp thuế thì sẽ không chỉ có Việt Nam mà còn rất nhiều quốc gia ảnh hưởng bởi quy định mới này. Hiện nay, đối với Trung Quốc, một trong những nước đang sản xuất pin lưu trữ hàng đầu thế giới, chắc chắn tỉ lệ áp thuế còn cao hơn Việt Nam.

Vì vậy, nếu nói về thị trường xuất khẩu thì đây là mặt bằng chung khi thuế cao áp chung cho tất cả. Trong trường hợp đó, đối với thị phần xuất khẩu tôi nghĩ sẽ cũng có nghiên cứu để xác lập chiến lược tương ứng tốt nhất.

Với Việt Nam, theo tôi, cần cân bằng hơn nữa cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, nhập khẩu được nhiều hơn các mặt hàng từ Mỹ – qua đó cân bằng cán cân thương mại, lúc ấy sẽ có cơ sở hạ mức thuế quan.

Hiện nay, Tập đoàn T&T đang triển khai rà soát và rất tích cực để tham gia vào việc góp phần cân bằng cán cân thương mại với Mỹ trong việc nhập khẩu các trang thiết bị, nguyên liệu từ Mỹ.

Ví dụ, với các dự án điện khí LNG, chúng tôi đang ưu tiên hướng tới các đối tác cấp khí của Mỹ để có các hợp đồng khí dài hạn và các đối tác cung cấp thiết bị của Mỹ.

Tính toán cho thấy, với tổng công suất các nhà máy điện khí LNG đi vào vận hành năm 2030, nhu cầu nhập khẩu khí hàng năm của Việt Nam lên tới hơn 10 tỷ USD. Trong trường hợp Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ có chính sách hợp lý để ưu tiên các nhà đầu tư có sử dụng nguồn khí hoặc các trang thiết bị như tuabin của Mỹ trong các dự án thì chắc chắn sẽ tăng được kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu cùng các đối tác làm thế nào để có thể đồng hành và tham gia vào việc cân bằng cán cân thương mại đó. Khi cân bằng được cán cân thương mại hơn thì chúng ta mới có cơ hội đàm phán và giảm các mức thuế quan.

Trong thị phần sản phẩm pin lưu trữ, chúng tôi dự kiến khoảng 50% là phục vụ thị trường trong nước và các nước ASEAN vì nhu cầu và tổng mục tiêu dự kiến để đầu tư cho năng lượng tái tạo là rất lớn.

T&T Group sẽ đi bằng hai chân: cả về xuất khẩu sang Mỹ, EU nhưng cũng sẽ ưu tiên thị trường Việt Nam và ASEAN.

Với thị trường đó, chúng ta không bị ảnh hưởng bởi các câu chuyện về thuế quan, thậm chí còn có các ưu đãi của Chính phủ, nên T&T Group sẽ có chiến lược đầu tư phù hợp làm thế nào để hiệu quả, mang lại đóng góp, giá trị cho xã hội.

Mới đây, liên quan đến khung giá phát điện 2025 cho các loại hình năng lượng tái tạo, một số doanh nghiệp tỏ ra thiếu mặn mà về sức hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực này. Quan điểm của bà về việc này?

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Theo cơ chế, khung giá phát điện hiện nay là có điều chỉnh hàng năm. Tôi cho rằng, sức hấp dẫn liên quan đến giá điện còn tùy vào dự án.

Theo từng điều kiện, loại hình mỗi dự án, ví dụ như tốc độ gió, sản lượng mặt trời khác nhau hay là nằm ở các địa phương có điều kiện tự nhiên, cường độ bức xạ khác nhau sẽ dẫn đến hiệu quả đầu tư, vận hành nhà máy khác nhau.

Vì vậy, để đưa ra nhận định về việc khung giá này có hấp dẫn cho tất cả doanh nghiệp hay không thì rất khó. Với T&T group sẽ phải đánh giá và rà soát trong danh mục chúng tôi đang đề xuất. Đồng thời, chúng tôi sẽ có những đánh giá chi tiết và lập nghiên cứu khả thi cho từng dự án để cân đối chi phí đầu tư với giá điện đó cho phù hợp.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tt-group-san-xuat-pin-luu-tru-tang-toc-chien-luoc-nang-luong-tai-tao-d39939.html