Quy hoạch Điện VIII (điều chỉnh): Ưu tiên đặc biệt phát triển năng lượng tái tạo
Cùng với việc tái khởi động các dự án điện hạt nhân, đáng lưu ý trong Quy hoạch Điện VIII (điều chỉnh) đã dành sự ưu tiên đặc biệt dành cho phát triển năng lượng tái tạo.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 điều chỉnh (gọi tắt là Quy hoạch Điện 8 điều chỉnh) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025. Có 3 mục tiêu lớn được xác định tại bản Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đó là: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; Thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; và Phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) trong cơ cấu nguồn điện lên khoảng 28 - 36% vào năm 2030 và định hướng đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ đạt mức ấn tượng 74 - 75%. Riêng nguồn điện gió trên bờ và gần bờ đến năm 2030 vào khoảng 26.066 - 38.029 MW; điện gió ngoài khơi: 6.000 - 17.032 MW (vận hành giai đoạn 2030 - 2035); điện mặt trời: 46.459 - 73.416 MW.
Một điểm mới đáng kể nữa của bản Quy hoạch Điện 8 điều chỉnh là việc tái khởi động Điện hạt nhân, phát triển theo định hướng đã được Quốc hội thông qua, dự kiến vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2 với quy mô 4.000 - 6.400 MW giai đoạn 2030 - 2035.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) trong cơ cấu nguồn điện lên khoảng 28 - 36% vào năm 2030
Về phương án phát triển lưới truyền tải điện, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục điện lực (Bộ Công Thương) thông tin, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải các địa phương; Sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn ổn định kinh tế. Phát triển lưới điện truyền tải 220-500kV bảo đảm khả năng giải tỏa công suất của các nhà máy điện; nâng cao độ tin cậy, cung cấp điện, giảm tổn thất điện; đáp ứng tiêu chí N-1 ở các vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với phụ tải đặc biệt quan trọng và điện hạt nhân…
Với mục tiêu cụ thể về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, như “Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050, điện sản xuất và nhập khẩu năm 2030 phải đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỷ kWh; Công suất cực đại của hệ thống năm 2030 khoảng 89.655 - 99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 - 228.570 MW…
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đơn vị được giao vai trò chính trong đảm bảo cung ứng điện cho đất nước, đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng.
“Mong Bộ sớm có Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch đã được điều chỉnh, vì chúng ta đã có 2 lần điều chỉnh, bây giờ sẽ tiếp tục cập nhật lại và sớm ban hành để triển khai tiếp. Cũng đề nghị Bộ cũng cập nhật và rà soát thường xuyên việc tiến độ triển khai theo Kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt để kịp thời có điều chỉnh. Vì trong Quy hoạch được điều chỉnh lần này có những danh mục dự phòng sẵn sàng cho những dự án bị chậm tiến độ để thay thế ngay. Đây là một điểm rất mở để tạo điều kiện cho chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 136,3 tỷ USD
Cùng với rất nhiều điểm mới trong phát triển nguồn điện, lưới điện và xuất/nhập khẩu điện năng, nguồn vốn cho việc thực hiện Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh cúng rất lớn. Chỉ trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 136,3 tỷ USD (trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 118,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18,1 tỷ USD). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ ngành liên quan và EVN có các nghiên cứu để có được khung giá điện hấp dẫn nhà đầu tư.
“Cần có những cơ chế đủ mạnh đủ sức hấp dẫn để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhu cầu đầu tư từ nay đến 2035 mỗi năm khoảng từ 16 - 18 tỷ USD, sau 2035 sẽ còn cao hơn, khoảng trên dưới 20 tỷ USD/năm. Nếu như chúng ta không có chính sách giá, khung giá của các loại hình điện năng phù hợp với xu thế thị trường, các yếu tố đầu vào sẽ không thể thu hút được nhà đầu tư, sẽ không thể có điện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, nỗ lực của chính quyền địa phương và các chủ đầu tư trong việc thực hiện thành công Quy hoạch này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Điện lực phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ tổng hợp cập nhật tại các địa phương để kịp thời xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8 điều chỉnh, bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất và đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện.