Ta còn em mùi hoàng lan

Heo may đã phả làn hơi mát lạnh như kem lướt qua mỗi ban mai, nắng lóng lánh ánh vàng mật như phủ lớp bột mịn lên lá, hoa cho mọi vật trong đất trời chênh chao những hoài niệm thu về. Và như một hẹn hò bí ẩn của thần tiên, hoa Hoàng lan, mang hương dịu dàng, ngọt ngào theo ngọn gió thu lả lướt lan dài phố Hà Nội, đọng lại những mái ngói nâu thâm trầm, len lỏi vào từng ô cửa sổ khép hờ trên những căn gác nhuốm rêu phong thời gian.

Chợt câu hát “Ta còn em mùi hoàng lan…” cứ ngân nga thầm như tơ vương loài hoa được mệnh danh “Vương hậu chi hoa” của mùa trong chờ đợi, để được đắm mình vào một thứ hương tình đặc biệt mê đắm bàng bạc những phong sương cổ kính ngàn năm Hà Nội phố.

Hoa Hoàng lan, dân gian có nhiều tên gọi, Ngọc hoàng lan, Hoàng ngọc lan, hoa Công chúa, Ngọc lan tây, Ylang Ylang- “hoa của các loài hoa"… Không biết trồng từ bao giờ (nghe đâu do người Pháp mang sang trồng từ hơn trăm năm trước), và người Pháp dùng tinh dầu hoa Hoàng lan chưng cất, sản xuất nước hoa với hai nhãn hiệu nổi tiếng cả trăm năm nay là Amarige của Givenchy và Ylang Ylang của Decléor. Hoàng lan Hà Nội giờ toàn những cây đại thụ, phiến lá hình xoan dài trơn nhẵn như phiến ngọc thạch mềm mại, gần như xanh quanh năm, tỏa bóng rợp mát cả mùa hạ phố.

Hoa nở thành chùm trên cành, khi còn xanh non thì lẫn trong màu xanh của đám lá, giống như các tán lá tìm cách cất giấu hoa của chúng vậy và hoa ngoài hương thơm, thì hình dáng càng đặc biệt, hoa lớn cuống nhỏ nên cứ rủ xuống phía dưới, sáu cánh dài lượn sóng xếp thành hai vòng, hoa mới nở màu xanh lục, dần chuyển màu vàng ánh xanh, đầu hoa xòe rộng xoắn lại, nhìn phảng phất giống một thiếu nữ tóc vàng đội vương miện, có lẽ thế mà hoa còn mang tên hoa Công chúa… Hoàng lan để thương để nhớ từ hương thơm ngọt dịu dàng, đằm thắm, nương theo làn gió heo may khi thu về, để song hành cùng bước chân ai trên phố như dẫn dụ vào mùa trong cảm giác lâng lâng không trọng lượng, phi thời gian.

Phải chăng vì thế mà tôi nhớ em Hà Nội, nhớ hương Hoàng lan hình như lẫn trong mái tóc dài đen mượt như đêm thu của em, khi cùng nhau tay trong tay lang thang khắp các con phố cổ tích ngàn năm Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bạc.. Hay khi cùng em đi dạo giữa sắc thu trong veo vàng nắng mật trên những con phố Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Đội Cấn, Đại Cồ Việt, Điện Biên Phủ.. , ngắm bóng Hoàng lan phủ xuống những căn biệt thự xưa, mùi hương Hoàng lan trong suốt bao bọc em và tôi như thật như ảo...

Nhớ sao là nhớ hoàng hôn mùa thu, cùng em tựa ánh mắt vào mặt nước Hồ Tây ngắm mặt trời dần lặn xuống, để rồi cảm nhận Hoàng lan bên đường Tô Ngọc Vân đang hào phóng phủ lên không gian hương thơm liêu trai khắp mặt hồ… Có một kỷ niệm khó quên, khi em Hà Nội đưa tôi vào Hoàng Thành Thăng Long, dù là giữa trưa mà tôi như lạc vào một giấc mộng thiên thai, khi dừng chân ở điện Kính Thiên, dưới bóng cây Hoàng lan cổ thụ, hoa vàng dày đặc rủ xuống, có một khoảnh khắc, tôi cảm giác như đang ngắm những tiên nữ áo xanh lục thắt những sợi dây lụa vàng nhảy múa trong một vũ điệu loan phượng thanh nhã thoát tục, và thi thoảng thả vào trong gió mùi hương diệu vợi như từ vườn Giác Uyển đậu xuống trần gian…

Lại nhớ, đọc trong sách về Hà Nội, từ hồi nào không rõ, các bà các cô người Hà Nội đến ngày rằm, mùng Một thường hay bày hoa Hoàng lan dâng cúng Phật.. Có phải đây là loài hoa của vườn Giác Uyển nhà Phật được đưa xuống nhân gian? Mùa Hoàng lan kéo dài suốt thu, thu càng sâu thì hoa càng tỏa hương đằm thắm, sang trọng, ngọt từ bờ vai, hàng mi, như níu kéo mùa, như quyến rũ những mối tình mãi bên nhau, như gợi lại những hoài niệm tưởng chừng đã ngủ quên, như tôi mỗi mùa Hoàng lan lại nhớ em Hà Nội, trong bóng dáng một thiếu nữ tóc thả dài, tay cầm giỏ mây nhỏ, bước từ trong căn nhà phố cổ, nhặt những bông Hoàng lan vừa rụng xuống hè phố ban mai thu….

HOÀI HƯƠNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ta-con-em-mui-hoang-lan-10292673.html