Tà Đảnh phát huy lợi thế nông nghiệp

Là xã thuần nông của huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) Tà Đảnh đang tập trung khai thác lợi thế nông nghiệp để tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong nông nghiệp là những ưu tiên hàng đầu.

Thế mạnh cây lúa

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh Tiêu Đình Hiếu Nhân Trung cho biết, Tà Đảnh có diện tích tự nhiên 5.040ha, trong đó 3.915ha đất nông nghiệp. Đa số người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế của xã (nông nghiệp 80%, tiểu thủ công nghiệp 4%, thương mại - dịch vụ 16%). Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng đạt 9.064ha, trong đó diện tích lúa 7.081ha. Điểm đặc biệt của xã Tà Đảnh là có quy mô sản xuất lúa giống lớn, hiện có 3 tổ sản xuất giống với 143 hộ tham gia, diện tích 2.468ha/năm.

Lợi thế cây lúa được xã Tà Đảnh đặc biệt quan tâm. UBND xã xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển diện tích sản xuất lúa phù hợp với đặc tính vùng. Ông Trung cho biết, toàn bộ 3.915ha lúa được cơ giới hóa 100%. Nhờ tập trung đầu tư thâm canh, sản xuất 3 vụ nên sản lượng lương thực bình quân của xã đạt 59.800 tấn/năm. Cùng với canh tác lúa, xã còn vận động nhân dân tận dụng bờ kênh, bờ mẫu, đất vườn, đất ruộng, sân nhà trồng thêm rau dưa các loại, giúp tăng thu nhập.

Nhằm nâng cao giá trị cây lúa, hướng đến sản xuất bền vững, xã tập trung mời gọi doanh nghiệp (DN) liên kết, hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX) để tập hợp nông dân cùng sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu của DN, thị trường. Đến nay, tổng diện tích liên kết sản xuất đạt 1.965ha, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần giống cây trồng Cửu Long, Công ty TNHH thương mại Tân Thành, Công ty TNHH MTV Ngọc Chính Sơn, cơ sở sản xuất lúa giống Kiều Tạo, cơ sở sản xuất lúa giống Hơn số 10, cơ sở sản xuất lúa giống Đồng Phát... Tính chung, lợi nhuận tăng thêm từ các mô hình liên kết đạt từ 6,5-7 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, HTX nông nghiệp - dịch vụ và du lịch Tân Thạnh đang phát huy tốt vai trò đầu mối liên kết sản xuất lúa giống, đại diện nông dân ký hợp đồng tiêu thụ lúa với các DN, như: Ngọc Chín Sơn, Hai Thụ, Lộc Trời, Thái Bình NOSANFOOD… Việc liên kết tiêu thụ với HTX giúp duy trì giá lúa từ 5.900-6.100 đồng/kg, cao hơn so với giá nông dân bán cho thương lái bên ngoài; chưa có hiện tượng phá vỡ hợp đồng.

Đa dạng sản xuất

Cùng với lợi thế cây lúa, nhiều mô hình mới ở nông thôn được xã Tà Đảnh khuyến khích phát triển, nhằm tăng thu nhập cho người dân. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã phát triển được 3 nhà nuôi chim yến ở ấp Tân Bình, Tân Thạnh và Tân Trung, sản lượng thu hoạch bình quân gần 9kg yến thô/nhà/năm, giá bán 20-25 triệu đồng/kg, mang về nguồn thu gần 1 tỷ đồng.

Ông Trung cho biết, xã luôn tích cực vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân quan tâm áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình công nghệ tưới phun tự động kết hợp điện năng lượng mặt trời, mô hình ứng dụng nhà lưới ở ấp Tân Thuận; mô hình tưới phun tự động trên cây cam ở ấp Tân Trung…

Trong đó, mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Phan Văn Thụ (ấp Tân Thuận) mang lại lợi nhuận 120 triệu đồng/năm. Đối với ông Nguyễn Thanh Dân (ấp Tân Trung), trên diện tích 1ha đất, ông lên liếp trồng 1.000 cây cam, áp dụng mô hình tưới phun tự động, mang lại doanh thu bình quân 3 triệu đồng/cây, tương đương 3 tỷ đồng/năm.

“Xã còn tập trung triển khai đề án chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả và đất vườn tạp sang trồng cây ăn trái, như: Mãng cầu xiêm (Thái), xoài, vú sữa, ổi, cam sành, táo, nhãn… để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, UBND xã quan tâm, vận động nhân dân tạo thu nhập ngoài cây lúa bằng cách tận dụng đất bờ kênh, đất vườn tạp, đất ruộng kém hiệu quả trồng thêm cây màu, cây ăn trái, như: Dưa leo, dưa hấu, khổ qua, nấm rơm, cam, chanh, dưa lưới; phát triển mô hình nuôi cá tra, nuôi ếch, lươn, cá lóc, nhà yến... Đồng thời, khuyến khích nông dân tích cực thi đua sản xuất - kinh doanh, làm giàu chính đáng, hàng năm thu hút trên 250 hộ đăng ký.

Một trong những thuận lợi của xã Tà Đảnh là được tỉnh triển khai dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững) với diện tích 608ha, 160 hộ dân. Dự án giúp giảm chi phí sản xuất bình quân khoảng 2 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận hơn 30% trên cùng diện tích.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ta-danh-phat-huy-loi-the-nong-nghiep-a332954.html