Ta đối với người thân

Hôm cuối tuần, tôi đưa con trai mình đi thi chứng chỉ ngoại ngữ. Giữa trưa, hai mẹ con lặn lội từ một quận vùng ven sang quận 3. Gần tới nơi, thằng bé hốt hoảng nói: Mẹ ơi, con để hộp bút ở nhà rồi!

Luôn bên cạnh và an ủi con cái. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Luôn bên cạnh và an ủi con cái. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nghĩ, cũng còn may là nó không quên phiếu báo danh! Dù ghé nhà sách lựa vài thứ viết thước không phải là chuyện quá lớn, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất bực mình với cái sự đểnh đoảng của con. Dặn con thi xong thì vào văn phòng nhờ gọi cho mẹ, tôi cau có chạy xe đi.

Phải tới khi yên vị ở một cái quán mát rượi, uống ngụm nước lạnh cho tỉnh táo, tôi mới sực nhớ ra, mình quên chúc con thi tốt. Cả tuần nay, tối nào hai mẹ con cũng đều ôn bài với nhau, thằng bé rất kỳ vọng vào đợt thi này. Chắc vì hồi hộp quá nên con mới quên. Thế mà tôi, từ nãy giờ chưa hề an ủi con câu nào, chỉ toàn mắng mỏ cau có. Ngay cả một lời động viên dịu dàng cũng không có. Con tôi, chiều nay hẳn là vào phòng thi với tâm trạng buồn rượi, mặc cảm vì có lỗi, bị mẹ tức giận… Mà chuyện gì to tát đâu cơ chứ! Nghĩ tới đây, lòng tôi trĩu nặng, cảm giác hối hận ngập tràn.

Tôi lại nhớ tới một chi tiết trong bộ sách nổi tiếng rằng, có bà mẹ nọ trước khi tiễn mấy bố con đi coi một giải đấu thể thao quốc tế của giới phù thủy đã mắng mỏ bọn trẻ vì các lỗi lầm lặt vặt. Ai dè, ở nơi diễn ra các trận đấu ấy đã xảy ra bạo động. Báo chí đăng tin cầm chừng, không đầy đủ. Người mẹ ở nhà như ngồi trên đống lửa. Khi mấy bố con quay về, xuất hiện an toàn ở cổng làng, bà đứng đón mà bật khóc. Vừa ôm con, người đàn bà khốn khổ ấy vừa nói: “Mẹ lo quá. Lỡ như có chuyện gì, thì mẹ hối tiếc biết chừng nào. Mẹ đã la rầy các con, nói những lời cay nghiệt”. Trời ơi, nếu như con không về thì những lời cuối cùng mẹ dành cho con mình là như vậy đó ư!

Chẳng hiểu sao, tôi cứ bị câu chuyện đó ám ảnh. Để rồi băn khoăn với câu hỏi: Mỗi khi chúng ta rời khỏi nhà, tạm biệt nhau, chia tay nhau ở đâu đó, mình sao biết còn gặp lại. Liệu số phận có mang con cái, bạn bè, người thân của chúng ta đi xa mãi không?

Chưa kể, đối đãi với người ngoài, mình thường lịch sự, dễ thương, biết chuyện hơn hẳn. Từng bao lần tôi phải đợi đối tác, khách hàng, đồng nghiệp… lâu lắc mà chẳng dám phản ứng gì. Trách móc ư? Quên đi nhé! Thậm chí còn xua tay ra điều thông cảm, bảo: Không sao, tôi hiểu mà, đường sá xe cộ đông đúc, tới được đã là rất vui rồi. Vậy nhưng, có lần tôi ngồi chờ chị gái mình ở bến xe. Chị ấy tới trễ đôi chút và tôi cứ chốc chốc lại xem đồng hồ, cảm thấy muốn giận ghê gớm. Lúc chị đến, tôi mặt mũi nặng như chì, lẳng lặng hờn dỗi mãi…

Chao ơi! Một anh bạn của tôi đã kể câu chuyện khiến anh ấy áy náy mãi. Là trên cái ban công be bé nhà mình, anh có trồng được mớ rau sạch. Bữa nọ, cô người yêu ngỏ lời muốn lên chơi, nhân tiện xin hái một ít rau mang về. Anh ấy dứt khoát từ chối. Miệng bảo, rau đợt này chưa có nhiều, đợi dịp khác. Người yêu tiu nghỉu buồn. Sẽ càng buồn hơn, nếu cô biết, anh bạn tôi định để dành cho khách khứa tới thăm, họ có chút niềm vui thu hoạch. Người thân cứ tính sau, chẳng phải nên thế sao? Một người khách đã quay clip khoe cảnh hái rau lên mạng. Định mệnh thế nào, mà cô người yêu của bạn tôi xem thấy. Chẳng lẽ chỉ vì một mớ rau mà phải chia tay nhau ư? Anh bạn tôi mãi vẫn không hiểu được sự “kỳ cục” của phụ nữ. Nhưng lý lẽ của cô gái khiến cho người khác phải suy ngẫm: Chưa kết hôn, với người yêu mà anh còn xem nhẹ từ mớ rau như thế thì mai này, anh sẽ đối đãi với vợ con, người nhà thế nào? Đặt vợ con sau ưu tiên bạn bè, các mối quan hệ bia rượu xã giao khác, đúng không?

Muốn an ủi anh bạn, mà tôi thật cũng cảm thấy người phụ nữ trẻ kia cũng có lý của cô ấy. Chúng ta, khi nào thì mới bớt hời hợt vô tình, xuề xòa quấy quá với tình thân nhỉ?

HOÀNG MY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ta-doi-voi-nguoi-than-635043.html