Tạ mộ cuối năm nên đi vào ngày nào?
Cuối tháng Chạp theo phong tục truyền thống các gia đình thường đi tạ mộ Tổ tiên, trước là tạ quan Thần linh, sau là dọn dẹp mộ phần rồi mời Gia tiên về 'ăn Tết' cùng con cháu.
Từ xa xưa cứ cuối tháng Chạp dù bận mấy các gia đình cũng dành thời gian đi tạ mộ Tổ tiên, trước là lễ tạ Thần linh, sau là dọn dẹp mộ phần rồi mời Gia tiên về "ăn Tết".
Lễ tạ mộ là tục lệ tốt đẹp của người Việt bao đời nay, thể hiện sự hiếu thuận, đạo lý uống nước nhớ nguồn của con cháu đối với người thân đã khuất (tương tự như cuối năm làm lễ tạ thần linh, thổ địa, ông bà tiền chủ nơi đang sống).
Theo dân gian, việc này đồng thời cầu mong các vị thần phù hộ cho các vong linh quyến thuộc đắc an cư nơi mộ địa, không bị ngoại quỷ vọng hành quấy rối mộ phần. Lễ tạ mộ diễn ra vào những ngày giáp Tết (khác với tảo mộ thường làm vào đầu năm). Lễ tạ mộ cũng là một nghi thức để giáo dục cho thế hệ sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân, chứ không phải rinh rang khoe mẽ... cho nên nhiều người gọi là ngày tạ bồi âm phúc.
Tạ mộ không chỉ tạ "các cụ" nhà mình, mà nên hiểu đủ là tạ ơn phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho gia tiên nương nhờ mảnh đất đó, nhờ vậy các cụ mới dễ dàng "đi về" mà phù hộ cho con cháu làm ăn có tài, có lộc. Bởi theo tâm linh, mộ phần và bàn thờ gia tiên được chăm sóc tốt thì "âm siêu, dương thái", con cháu được "âm phù dương trợ" mới khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, sinh tài, đắc lộc, gia tộc hưng vượng...
Tuy phong tục mỗi nơi và mỗi nhà có khác, nhưng lễ tạ mộ thường diễn ra trong gia đình nhỏ, hoặc đi theo dòng họ. Những người đi làm ăn xa dịp này cũng cố gắng trở về cố hương ăn Tết kịp tham gia lễ tạ mộ, sum họp với gia đình.
Chọn ngày đẹp tạ âm bồi phúc
Đi lễ tạ mộ hãy lưu tâm đến tất cả các cụ gần đời mình (như cha mẹ, ông bà tới tam đại, tứ đại), cần quan tâm tới "các cụ cao hơn" (gọi là cao tằng tổ tỉ), bởi không có các cụ lớn thì sao có các cụ gần để phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc?
Nên thắp hương "thăm hỏi xóm giềng" cạnh các cụ, nếu có những ngôi mộ vô chủ cũng thắp cho "họ" nén hương.
Các dòng họ tạ mộ theo dòng tộc thường quy định một ngày chạp họ, để thân tộc cùng gặp mặt cuối năm tại nhà thờ họ để cúng lễ, dọn dẹp, trang hoàng… đón Tết. Thời gian thường vào ngày nghỉ để mọi người có mặt đông đủ hơn.
Trong phong thủy có chọn ngày lễ tạ mộ, người dân nhìn vào bảng sau để vận dụng cho phù hợp.
Bảng chọn ngày đẹp để tạ mộ. Ảnh: Phong thủy Tam Nguyên.
Nên tạ mộ vào ngày nào?
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mọi người đến nghĩa trang tạ mộ cẩn thận đeo khẩu trang để phòng dịch. Lễ tạ mộ có thể làm vào tất cả các ngày tốt trong tháng Chạp, hoặc kết hợp với lễ mời gia tiên về ăn Tết sau ngày 23 tháng Chạp.
- Tạ mộ vào giờ nào tùy vào điều kiện, thời tiết thuận lợi, và sức khỏe cho phép. Nhưng tốt nhất nên chọn ngày tạnh ráo, ấm áp.
- Phần sắm lễ tạ mộ tùy theo điều kiện mà biện lễ. Ở miếu quan thần linh các gia đình thường dâng mâm cỗ lớn (lễ chay hoặc lễ mặn - các nhà tâm linh đều khuyên nên tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong lễ cúng tâm linh), rồi mới đi thăm mộ người thân, nhưng không nhất thiết phải "mâm cao cỗ đầy".
- Lễ tạ mộ truyền thống ở nơi mộ phần sắm lễ hoa quả đơn giản (hương, nước, hoa tươi, trầu cau, hoa quả, thuốc lá, chè, rượu trắng (kèm chén đựng rượu 5 cái), nến cốc màu đỏ.
- Không nên sắm lễ lớn vì có thể bị các vong linh xung quanh quấy nhiễu. Muốn cúng tiến các cụ thì sau lễ tạ mộ, con cháu đã mời các cụ về nhà đón Tết lúc đó mới làm cơm cúng, biếu hoa quả, thực phẩm, vàng mã… nhưng không nên dùng nhiều vàng mã.
- Tùy phong tục địa phương mà có điều chỉnh thích ứng. Ở nghĩa trang có nơi thờ Thần linh, Thổ địa riêng thì phải bày lễ hai nơi (miếu quan Thần linh và mộ phần).
- Tùy gia đình mà có thể cúng "hàn long mạch" phần mộ bằng nước ngũ vị, hàn the tưới quanh các ngôi mộ.
Việc chính cần làm khi đi tạ mộ:
- Soạn lễ cúng gia tiên, bao gồm hương thơm, hoa, quả, trầu cau, một ít vàng mã và mâm cỗ chay hay mặn thì tùy nhà, nhưng mọi thứ phải bày biện cẩn thận rồi mang ra ngoài mộ, hoặc bày lên bàn thờ gia tiên.
- Dọn dẹp sạch sẽ cho phong quang, thoáng đáng mộ phần của người đã mất. Mộ đất có thể đắp lại nấm cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ, cũng là cách giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ.
- Quan sát phần mộ, nếu thấy có mộ phần ở nơi trũng, thấp mà vô cớ nứt nẻ, bát hương vỡ nứt, nhân khẩu bất an, sự nghiệp thất bại, gia sản hao hụt, mộ táng có nước chảy vào… thì cần cải tạo sớm.
Tùy phong tục từng miền, tùy nhà mà sắm lễ tạ mộ khác nhau, quan trọng là tưởng nhớ người đã khuất, và nguyện làm những điều thiện lành, hồi hướng công đức cho họ. Nhưng nếu gia đình không có điều kiện đi tạ mộ thì có thể rước gia tiên về đón năm mới theo cách: bày cỗ lên bàn thờ, đèn, hương hoa dâng cúng vào trưa (giờ Ngọ) ngày 30 Tết, rồi khấn Tổ tiên về dự hưởng Tết với gia đình.
Lưu ý về lễ tạ mộ:
- Phụ nữ có thai, trẻ dưới 10 tuổi, người già yếu, người đau ốm bệnh tật, sức khỏe không tốt thì không nên ra mộ phần (vì dễ bị nhiễm năng lượng xấu).
- Tránh đi tạ mộ quá sớm (vì sớm quá thì sương gió), hay quá muộn (vì muộn quá thì tối và năng lượng xấu mạnh hơn).
- Thời tiết có mưa gió, sấm chớp thì không nên đi tạ mộ.
- Nghi lễ tạ mộ nên đơn giản, không nên làm linh đình, tốn kém để khoe mẽ. Cũng không nặng về hình thức, đốt vàng mã lớn kiểu mê tín.
- Không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang, vì dễ bị lạnh bụng, ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa.
- Không nô đùa, ngồi lên những ngôi mộ vì bị coi là bất kính. Cũng không thiền, tập dưỡng sinh, thể dục... vì năng lượng xấu dễ xâm nhập vào cơ thể.
- Đi tạ mộ về, nên hơ lửa, hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các năng lượng xấu, chược khí, âm khí bám vào người và quần áo…