'Ta về ta tắm ao ta...'

Kể từ sau 1975, nhất là từ thập niên 80 của thế kỷ 20, đất phương Nam luôn là miền đất hứa để đón nhận làn sóng nhập cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đổ dồn về mưu sinh, tìm việc làm. Tốc độ, số lượng cư dân nhập cư ngày càng tăng lên.

Thế nhưng, trong một hội thảo liên quan đến vấn đề dân số diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh hôm 15/10, số liệu về người nhập cư ở đây cho thấy: năm 2020, tỉ lệ phát triển dân số cơ học của thành phố là 1,7%, trung bình đón nhận gần 170.000 - 180.000 dân nhập cư, bổ sung nguồn nhân lực không nhỏ cho thành phố. Nhưng đến năm 2023, với tỉ lệ 0,67%, số lượng người nhập cư chỉ khoảng 65.000 người.

“Lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh không còn là điểm đến lý tưởng của người nhập cư từ các tỉnh, thành”, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh đã nhận xét như thế. (*)

Cùng với số liệu về lượng người nhập cư vào TP. Hồ Chí Minh giảm gần 1/3 so với mấy năm trước, mới đây, tỉnh Đồng Nai, một trung tâm công nghiệp lớn nằm cạnh TP. Hồ Chí Minh có số lượng nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp nhiều, công nhân làm việc rất đông cũng thông tin về sự sụt giảm nguồn lực này.

Số liệu từ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho thấy, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 có khoảng 60.000 người lao động rời Đồng Nai để trở về các tỉnh, thành thuộc Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ. Vì vậy, các cơ sở sản xuất ở Đồng Nai “khát” lao động, đặc biệt ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất - chế biến gỗ...

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Nhà máy Samho ở Củ Chi cần thêm 1.500 công nhân nhưng mấy tháng nay chỉ mới tuyển được khoảng 300 người (theo thông tin từ Trung tâm Giới thiệu việc làm TP. Hồ Chí Minh).

Những câu chuyện này nói lên điều gì? Rõ ràng tại các địa phương ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ đã có những chuyển dịch về phát triển kinh tế. Rất nhiều tỉnh có các khu công nghiệp và một khi quê nhà tạo ra việc làm thì dòng nhân lực dịch chuyển theo hướng “ta về ta tắm ao ta” là một tín hiệu vui, dự báo sự thay đổi tích cực trong bức tranh phát triển kinh tế của đất nước.

Lý do đầu tiên là tất cả các tỉnh, thành đều đã có khu công nghiệp, nên người lao động không buộc phải “hành phương Nam” để tìm kiếm việc làm nữa.

Hồi đầu năm nay, trong chuyến công tác đến một số tỉnh, thành thuộc châu thổ sông Hồng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở đây xuất hiện những khu công nghiệp lớn, thu hút một lượng lớn người quê lên thủ đô kiếm việc quay về, nhất là những người trẻ.

Hà Nam, tỉnh được mặc định quê nghèo chiêm trũng quanh năm nay đang bật lên từ những khu công nghiệp lớn. Tương tự, ở Bắc miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An... Không nói đâu xa, chỉ cần nhìn lượng công nhân tan ca ở khu vực nhà máy Scavi Huế và liên tưởng rồi đây khi Scavi ở khu vực Tây Bắc Hồ Xá đi vào hoạt động sẽ tạo ra sức hút như thế nào với những lao động trẻ đang vất vả với cuộc sống xa nhà ở miền Nam.

Ai đã từng ghé đến các nhà trọ của công nhân quanh các khu công nghiệp ở phía Nam không thể không băn khoăn về điều kiện sống cho người lao động. Vì thế, với các công việc tương tự tại quê nhà, công nhân có thể giảm bớt chi phí sinh hoạt và có điều kiện sống gần gia đình hơn. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của họ mà còn giúp tăng cường gắn kết xã hội tại địa phương, mang lại lợi ích cho cả gia đình và cộng đồng.

Có một câu chuyện nhỏ nhưng gây xúc động và gợi lên suy nghĩ trong nhiều người, đó là bài báo nhỏ có tựa đề “Chúng ta sẽ được gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần nữa?”. Tác giả bài báo này phân tích khi di cư mưu sinh, để lập gia đình và có con cái, phần đông ở vào tuổi 30-40, bố mẹ ở quê sẽ tầm tuổi 60-80.

Nếu mỗi năm được về thăm quê dịp Tết, may mắn hơn có thêm dịp hè thì một người ở tầm trung niên may ra chỉ gặp bố mẹ mình thêm vài chục lần nữa mà thôi, trong khi điều ao ước nhất của tuổi già là gần con, gần cháu.

Vì thế trên góc độ phát triển, chúng ta mừng về cân bằng kinh tế vùng miền, và ở khía cạnh xã hội thì các liên kết gia đình sẽ trở nên ấm áp hơn, bền vững hơn.

Liệu đây có là động lực cho Quảng Trị đẩy nhanh tốc độ xây dựng hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp để thu hút lực lượng lao động trẻ về lại quê nhà?

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ta-ve-ta-tam-ao-ta-189089.htm