Tác động của giảm lãi suất sẽ không kéo dài
Dự kiến trong tuần tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chính thức công bố giảm 25 điểm điểm phần trăm ở một số loại lãi suất điều hành và điều này dự báo sẽ chỉ ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn.
Hạ lãi suất: Việt Nam không ngoài xu hướng…
Không khó để lý giải về quyết định điều hành tiền tệ của NHNN nếu nhìn vào bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã cắt giảm lãi suất điều hành.
Ðơn cử, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức 50 điểm phần trăm cho tất cả các ngân hàng và 100 điểm phần trăm cho các ngân hàng thành phố đủ điều kiện.
Thậm chí, PBOC còn cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng lớn xuống mức 13%, dự kiến sẽ tăng thêm dòng tiền 900 tỷ CNY (tương đương 126 tỷ USD) vào nền kinh tế đang tỏ ra yếu ớt với các chỉ báo vĩ mô kém tích cực.
PBOC đã giảm tỷ lệ này lần thứ ba trong năm 2019 và là lần thứ bảy kể từ đầu năm 2018.
Với diễn biến điều hành chính sách tiền tệ tại các ngân hàng trung ương trên thế giới đều theo xu hướng hạ lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ gặp thêm áp lực giảm lãi suất, mặc cho các chỉ báo vĩ mô vẫn cho thấy tình hình kinh tế nội địa nước này phát triển ổn định và chưa cho thấy dấu hiệu suy thoái.
Tuy vậy, áp lực cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng trung ương khác có thể làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất của Fed.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BAOVIET Bank cho biết, Mỹ cắt giảm lãi suất tỷ giá VND tăng cao so với USD.
Việc neo tỷ giá VND với USD sẽ dẫn tới việc NHNN phải bán các tài sản bằng VND và mua vào các tài sản bằng USD để điều phối tỷ giá về mức hợp lý.
Việc trao đổi như vậy cuối cùng cũng sẽ dẫn tới việc giảm lãi suất bằng VND.
Thêm nữa, NHNN giảm lãi suất cũng làm giảm tỷ giá giữa VND và CNY, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.
“Với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, tăng trưởng thương mại của Việt Nam ít nhiều sẽ gặp bất lợi, cho dù nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Do đó, việc NHNN chủ động cắt giảm lãi suất điều hành trong thời điểm này là bước đi thận trọng cần thiết để đảm bảo đà tăng trưởng kinh tế được duy trì và tạo điều kiện tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trong nước khi đứng trước những bất ổn từ kinh tế thế giới, đồng thời không tạo áp lực lớn lên lạm phát và tỷ giá”, ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối HSBC Việt Nam chia sẻ.
Thực tế cho thấy, thị trường đón nhận thông tin này khá tích cực khi đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế, mặc dù quyết định giảm lãi suất không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, NHNN đã phát đi tín hiệu bằng động thái đầu tiên là giảm 0,25%/năm lãi suất tín phiếu.
… Và để định hướng thị trường
Mặc dù đón nhận thông tin hạ lãi suất khá tích cực, nhưng tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam được lãnh đạo các ngân hàng cùng các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển là Mỹ hay châu Âu...
Nguyên do bởi việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2), chứ không điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất như Fed hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.
Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 vừa qua cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
“Ðộng thái giảm lãi suất mang tính chất định hướng thị trường, củng cố thêm cho xu hướng giảm lãi suất cho vay mà một số ngân hàng đã thực hiện đầu tháng 8/2019 đối với một số nhóm ngành được ưu tiên”, ông Ngô Ðăng Khoa nói.
“Dòng tiền được bơm thực tế ra thị trường có thể thấp hơn hoặc không đột biến như kỳ vọng. Việc cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng thường chỉ vận động theo điều hành tiền tệ khi thanh khoản gặp khó khăn trên kênh liên ngân hàng.
Tín hiệu cần theo dõi nhất vẫn sẽ là cung cầu của dòng tiền trên hệ thống tài chính thể hiện qua tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.
Thị trường chủ yếu chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn
Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV nhận định, tác động đến thị trường từ quyết định của NHNN sẽ được cộng hưởng cùng các đặc điểm của giai đoạn hiện nay như nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản khá dư thừa, nguồn cung trái phiếu chính phủ rất hạn chế.
Theo đó, dự kiến thị trường chủ yếu chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn, quanh thời điểm ra quyết định (trong khoảng 1 tuần tới), sau đó sẽ chững lại.
Dự kiến lãi suất các kỳ hạn ngắn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, quanh khoảng 2,8-3%/năm kỳ hạn qua đêm - 1 tuần sau khi các ngân hàng thương mại đã bán về NHNN xấp xỉ 2,5 tỷ USD trong 1 tháng gần đây, tương đương với bơm ra thị trường khoảng 50.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài 6-12 tháng có thể điều chỉnh giảm tương ứng khoảng 0,2-0,3%/năm, xoay quanh mức 4,6-4,9%/năm.
Lãi suất thị trường 1 dự báo chưa có nhiều thay đổi và xu hướng đi ngang là chủ đạo. Lãi suất trái phiếu chính phủ dự kiến các kỳ hạn ngắn đến 5 năm có xu hướng đi ngang hoặc nhích nhẹ khoảng 5-10 điểm do thông tin hỗ trợ (NHNN cắt giảm lãi suất điều hành) đã gần như phản ánh hết vào xu hướng giảm của lãi suất trái phiếu chính phủ thời gian qua, trong khi yếu tố tạo áp lực tăng như việc NHNN dự kiến tuần sau sẽ hút tín phiếu trở lại để giảm bớt lượng dư thừa tiền đồng trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện.
Các kỳ hạn dài 15-30 năm có thể giảm thêm 10-20 điểm trong vòng 1 tuần tới với bối cảnh đặc thù hiện nay nguồn cung vẫn ở mức rất hạn chế và nhu cầu có xu hướng tăng từ tất cả các nhóm nhà đầu tư (ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi…).
Lãi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn dự kiến xoay quanh mức 2,8-3%/năm với kỳ hạn 5 năm, 3,7-3,9%/năm với kỳ hạn 10 năm và 4-4,2%/năm với kỳ hạn 15 năm.