Tác động của kinh tế phi chính thức đến tăng trưởng kinh tế
Trong điều kiện số liệu, dữ liệu về kinh tế phi chính thức ở Việt Nam còn ít và chưa hệ thống, bài viết sử dụng tối đa các nguồn dữ liệu sẵn có kết hợp với phương pháp phân tích hồi quy theo chuỗi thời gian. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, giữa kinh tế phi chính thức và tăng trưởng kinh tế không tồn tại quan hệ nhân quả mà chỉ tồn tại quan hệ ảnh hưởng của kinh tế phi chính thức tới tăng trưởng kinh tế.
Trong kỳ nghiên cứu, quy mô kinh tế phi chính thức tăng 1% thì dẫn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế mất đi 0,06 điểm %. Để nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế, bài viết đưa ra một số hàm ý chính sách tập trung vào việc cải thiện hiệu quả quản trị quốc gia của Nhà nước.
Khu vực kinh tế phi chính thức hàm chứa nhiều hoạt động kinh tế khác nhau và đa dạng về mặt hình thức biểu hiện. Điều này làm cho việc đánh giá tác động của khu vực kinh tế phi chính thức tới tăng trưởng kinh tế không dễ dàng. Với mục tiêu phân tích các tác động của khu vực kinh tế phi chính thức tới tăng trưởng kinh tế trong điều kiện thiếu nhiều số liệu thống kê, bài viết sử dụng phân tích thống kê đơn giản và phương pháp hồi quy tuyến tính với 2 biến số chính là tỷ trọng kinh tế phi chính thức so với GDP (đơn vị %) và tốc độ tăng trưởng của GDP (đơn vị %).
Để phân tích quan hệ nhân quả giữa kinh tế phi chính thức và tăng trưởng kinh tế, bài viết sử dụng kiểm định nhân quả Granger sau khi biến số kinh tế phi chính thức đã được loại trừ các tác nhân từ phía Chính phủ và hệ thống quản trị.
Một số tác động của kinh tế phi chính thức đến tăng trưởng kinh tế
Diễn biến của khu vực kinh tế phi chính thức
Để ước lượng được độ lớn của khu vực kinh tế phi chính thức, bài viết áp dụng phương pháp ước lượng do Schneider và Enste (2000) đề xuất và được Nguyen (2019) áp dụng đối với trường hợp của Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả mở rộng bộ dữ liệu đã được Nguyen (2019) sử dụng cho giai đoạn 1995 – 2017 để làm cơ sở ước tính và dự báo cho năm 2018 và năm 2019.
Nhìn vào diễn biến về độ lớn của kinh tế phi chính thức trong giai đoạn 1995 – 2019 (Hình 1) có thể thấy, mức độ biến động của nó khác với xu hướng biến động của tốc độ tăng trưởng GDP. Dường như 2 xu hướng thay đổi này không có mối tương quan với nhau. Tỷ trọng của kinh tế phi chính thức trên GDP thấp nhất vào năm 2006 (với mức xấp xỉ 15%) và cao nhất là năm 2016 (khoảng 27,5%), trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2006 cao hơn năm 2016 là 0,77 điểm %. Điều này hàm ý rằng, giữa kinh tế phi chính thức và tăng trưởng kinh tế chỉ tồn tại mối quan hệ một chiều. Có thể là kinh tế phi chính thức có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế hoặc ngược lại nếu chỉ xét riêng 2 biến số này.
Cùng với sự gia tăng về quy mô của kinh tế phi chính thức là sự gia tăng về quy mô của lượng thuế thất thu tính trên GDP. Trong giai đoạn 1995 – 2018, tính bình quân mỗi năm lượng thuế thất thu khoảng 4,01% GDP/năm. Nếu tính bình quân theo từng giai đoạn 5 năm: (i) Giai đoạn 1995 – 1999, bình quân thất thu thuế khoảng 3,59% GDP/năm; (ii) Giai đoạn 2000 – 2004, bình quân thất thu thuế khoảng 3,62% GDP/năm; (iii) Giai đoạn 2005 – 2009, bình quân thất thu thuế khoảng 3,63% GDP/năm; (iv) Giai đoạn 2010 – 2014, bình quân thất thu thuế khoảng 4,37% GDP/năm; (v) Giai đoạn 2015 – 2018, bình quân thất thu thuế khoảng 5,34% GDP/năm.
Kết quả ước lượng ảnh hưởng của kinh tế phi chính thức tới tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1995 – 2018
Để ước lượng được ảnh hưởng của kinh tế phi chính thức tới tăng trưởng kinh tế, biến số đo lường quy mô của kinh tế phi chính thức cần được loại trừ các yếu tố ảnh hưởng từ thể chế. Trên cơ sở phân tích nghiên cứu của Nguyen (2019), Enste (2010) và Schneider và Enste (2000) cho thấy, chất lượng thể chế và quản trị nhà nước ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Do đó, chất lượng thể chế và quản trị nhà nước có thể tác động làm thay đổi sự tác động của kinh tế phi chính thức tới tăng trưởng kinh tế. Kết quả ước lượng mối quan hệ giữa 2 biến số này được trình bày ở Bảng 1.
Phân tích Bảng 1 cho thấy, mối tương quan giữa quy mô của kinh tế phi chính thức và tăng trưởng kinh tế là quan hệ tỷ lệ nghịch. Điều đó hàm ý, nếu quy mô của kinh tế phi chính thức được mở rộng thì sẽ có nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống. Với kết quả ước lượng trình bày tại Bảng 1 cho thấy, nếu quy mô của kinh tế phi chính thức tăng thêm 1% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể bị giảm đi khoảng 0,06%.
Tiếp theo, để có thể kiểm định mối quan hệ nhân quả giữa kinh tế phi chính thức và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1995 – 2018, kiểm định nhân quả Granger sẽ được sử dụng. Tác giả kỳ vọng giữa 2 biến số này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Nếu giữa chúng tồn tại mối quan hệ nhân quả, việc hoạch định chính sách của Chính phủ sẽ đem lại những kết quả có thể dự đoán được. Trong tình huống không tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa 2 biến số, các chính sách của Chính phủ trong quá trình triển khai phải được cân nhắc kỹ, nhằm tránh lãng phí nguồn lực của Chính phủ mà không đem lại kết quả như mong muốn.
Nhìn vào kết quả ước lượng được trình bày trong Bảng 2 có thể thấy, mối quan hệ giữa kinh tế phi chính thức và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1995 – 2018 chưa phải là mối quan hệ nhân quả mà chỉ tồn tại mối quan hệ tác động một chiều. Qua phân tích số liệu ước lượng cho thấy, việc mở rộng quy mô của kinh tế phi chính thức làm gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự tác động này có thể tin cậy được mặc dù mới chỉ ở mức ý nghĩa 10%.
Như vậy, kết hợp kết quả tại Bảng 1 và Bảng 2 có thể thấy rõ bức tranh toàn cảnh của mối quan hệ giữa kinh tế phi chính thức và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 1995 – 2018. Nếu như ở Bảng 1 kinh tế phi chính thức có tác động ngược chiều tới tăng trưởng kinh tế nhưng chưa biết được sự tác động đó như thế nào; tại Bảng 2 cho thấy, mối quan hệ kéo theo giữa 2 biến số nhưng lại không biết được độ lớn của mối quan hệ kéo theo đó là gì? Chính vì vậy, khi kết hợp kết quả nghiên cứu tại Bảng 1 và Bảng 2, có thể khẳng định, trong giai đoạn 1995 – 2018, việc cho phép mở rộng quy mô của kinh tế phi chính thức kéo theo việc tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa đạt được mức tối đa vốn có. Nghĩa là, nếu Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ để chính thức hóa kinh tế phi chính thức, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ có nhiều khả năng được cải thiện, cụ thể là có thể làm tăng thêm 0,064 điểm % mỗi năm trong giai đoạn tới đây.
Chính phủ cần làm gì để quản lý kinh tế phi chính thức?
Kinh tế phi chính thức là một thành tố cấu thành của nền kinh tế Việt Nam. Các chính sách kinh tế của Nhà nước đã và đang được triển khai đều bao trùm tới khu vực kinh tế này. Hay nói cách khác, một số chủ thể tham gia kinh tế phi chính thức được hưởng lợi ích từ chính sách của Nhà nước, nhưng lại không tham gia đóng góp tương xứng với nguồn lợi ích mà họ đang được hưởng.
Để quản lý kinh tế phi chính thức hiệu quả, bài viết tìm hiểu một số nguyên nhân làm mở rộng quy mô khu vực kinh tế phi chính thức trong giai đoạn 1995 – 2018. Do hạn chế về nguồn số liệu, dữ liệu liên quan đến kinh tế khu vực phi chính thức, nên tác giả chỉ có thể kiểm định giả thuyết mối tương quan tỷ lệ thuận giữa hệ thống thể chế tốt, ít tham nhũng và quy mô kinh tế phi chính thức.
Nhiều kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, trong nhiều nền kinh tế tham nhũng, chất lượng hệ thống thể chế pháp lý thấp, niềm tin của người dân vào sự thực thi pháp luật thấp chính là những nguồn chính để nuôi dưỡng sự mở rộng quy mô của kinh tế phi chính thức. Ví dụ: Việc tồn tại nhiều lao động chấp nhận làm việc không có hợp đồng lao động là một minh chứng cho việc chất lượng của thể chế pháp lý còn nhiều bất cập. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng cải cách thể chế nhưng chất lượng thể chế của nước ta vẫn còn đang ở mức trung bình của thế giới, đặc biệt Việt Nam có điểm số về chất lượng luật pháp ở mức rất thấp. Hiện trạng đó có thể sẽ tiếp tục nuôi dưỡng sự phát triển về quy mô của kinh tế phi chính thức ở nước ta trong giai đoạn sắp tới (Bảng 3).
Theo kết quả ước lượng tại Bảng 3, trong các chỉ số đo lường chất lượng quản trị của Nhà nước, chỉ số đo lường mức độ tham nhũng có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển quy mô kinh tế phi chính thức. Chỉ số đo lường chất lượng của luật pháp không có ảnh hưởng tới kinh tế phi chính thức ở Việt Nam trong kỳ nghiên cứu. Các hệ số ước lượng đều mang dấu dương hàm ý một mối quan hệ nghịch chiều giữa kinh tế phi chính thức và chất lượng của quản trị nhà nước. Các chỉ số đo lường mức độ tham nhũng, hiệu quả của Chính phủ, mức độ tuân thủ pháp luật của người dân ở Việt Nam đều nằm trong nhóm thấp của thế giới; song hành với đó là quy mô của kinh tế phi chính thức ở Việt Nam khá lớn so với thế giới.
Trên cơ sở phân tích bài viết, hàm ý chính sách nhằm gia tăng công tác quản lý của Nhà nước đối với khu vực kinh tế phi chính thức, thời gian tới cần tập trung cải thiện thể chế quản trị quốc gia của Nhà nước. Nội dung cải thiện thể chế quản trị quốc gia bao gồm những hoạt động sau:
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần triển khai những hành động thiết thực nhằm hạn chế đà gia tăng quy mô kinh tế phi chính thức.
Việc mở rộng quy mô kinh tế phi chính thức sẽ không chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn gia tăng sự thất thu thuế của Chính phủ. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là mức độ, quy mô và phạm vi của các hoạt động tham nhũng. Chính vì vậy, cần không ngừng ngăn ngừa và phòng chống các hành vi tham nhũng, đặc biệt tham nhũng về mặt chính sách. Chính các hành vi này đã góp phần nuôi dưỡng sự phát triển, mở rộng quy mô của kinh tế phi chính thức ở Việt Nam. Điều đó gián tiếp làm giảm đi tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn trước đây.
Thứ hai, Chính phủ cần thực hiện đa dạng các biện pháp nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động của Chính phủ, đặc biệt đối với quản lý sự phát triển, mở rộng quy mô của kinh tế phi chính thức.
Hiệu quả hoạt động của Chính phủ được thể hiện ở những điểm sau đây: (i) Mức độ hiệu quả trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước đối với kinh tế phi chính thức; (ii) Mức độ hiệu quả của các cơ quan quản lý trong tham mưu các chính sách, biện pháp quản lý đối với kinh tế phi chính thức; (iii) Sự tiết kiệm nguồn lực trong thực hiện các chính sách quản lý đối với kinh tế phi chính thức.
Để có thể thực hiện hiệu quả công tác quản lý kinh tế phi chính thức, Chính phủ cần thực hiện các nội dung sau:
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các loại hình kinh tế phi chính thức và cung cấp quyền tiếp cận cơ sở dữ liệu này cho các cơ quan của Nhà nước và các Trung tâm nghiên cứu quốc gia để sử dụng trong các nghiên cứu đề xuất giải pháp tới Chính phủ. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu đó cần được liên thông từ Trung ương đến địa phương;
- Tăng cường khả năng nhận diện các loại hình kinh tế phi chính thức cho đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách ở cấp địa phương, hạn chế sự bỏ sót loại hình trong quá trình xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu;
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá mức độ phát triển, quy mô phát triển của kinh tế phi chính thức để cung cấp dữ liệu và số liệu cho các bên có liên quan trong quá trình hoạch định chính sách.
Thứ ba, gia tăng mức độ tuân thủ pháp luật của người dân bằng nhiều biện pháp hữu hiệu và thực tế.
Việc gia tăng này nhằm đảm bảo không có một ai có thể can thiệp vào quá trình thực hiện các điều luật và quy định của hệ thống luật pháp. Hàm ý chính sách này có mối tương quan khá chặt chẽ với hàm ý chính sách thứ nhất khi Chính phủ phải không ngừng thực hiện phòng và chống tham nhũng.
Sự gia tăng mức độ tuân thủ luật pháp của người dân và giảm tham nhũng là 2 xu hướng có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Khi người dân hiểu được rằng, họ không thể can thiệp hoặc dàn xếp bất cứ một khâu nào trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật thì họ sẽ tuân thủ nghiêm các điều luật. Ngược lại, người dân cũng sẽ tuân thủ pháp luật khi họ hiểu được các hậu quả sẽ phải gánh chịu khi không tuân thủ luật pháp.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê (1996 – 2018), Niên giám thống kê các năm, NXB Thống kê, Hà Nội;
2. Nguyễn Quang Dong và Nguyễn Thị Minh (2013), Giáo trình Kinh tế lượng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;
3. Enste, D. H. (2010), “Regulation and shadow economy: Empirical evidence for 25 OECD countries”, Constitutional Political Economy, Vol 21, No.3, pp. 231 – 248;
4. Nguyen Thai Hoa (2019), “How large is Vietnam’s informal economy?”, Economic Affairs, Vol 39, pp. 81 – 100;
5. Schneider, F. & Enste, H. D. (2000), “Shadow economies: Sizes, causes, and consequences”, Journal of Economic Literature, Vol 38, No.1, pp.77 – 114.