Tác động của một số nhân tố vĩ mô lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
Bài viết nghiên cứu tác động của một số nhân tố kinh tế vĩ mô đến tăng trưởng GDP ở Việt Nam trong giai đoạn 1991-2020 bằng phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất và hồi quy phân vị thông qua các công cụ như cung tiền, nợ công, lãi suất đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Từ việc sử dụng hồi quy phân vị để lượng hóa mối quan hệ giữa các nhân tố của chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu sẽ xác định được những tác động có thể xảy ra ở các phân vị khác nhau. Các phân vị của các biến trong nghiên cứu có thể sử dụng trong việc xây dựng các ngưỡng trong điều hành chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong việc phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa.
Mở đầu
Trong quá trình điều hành nền kinh tế của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) trở nên cấp thiết nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra. Thực tế nhiều năm qua tại Việt Nam đã khẳng định, về mặt thực tiễn, không thể tách rời hai chính sách này khi muốn đạt được tăng trưởng kinh tế và về mặt lý luận cũng không thể tách rời khi phân tích mối quan hệ lên tăng trưởng.
Nghiên cứu này thực hiện đánh giá tác động của lãi suất, lạm phát, cung tiền và nợ công lên tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là các nhân tố quan trọng có thể mang tính chất đại diện cho CSTK và CSTT. Cụ thể, các nhân tố như lãi suất và cung tiền đại diện cho CSTT; trong khi nhân tố nợ công đại diện cho CSTK.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS) và và hồi quy phân vị. Khi thực hiện hồi quy phân vị, chỉ số kinh tế có thể được chia thành 100 đoạn bằng nhau tương ứng với phân vị từ 1% đến 99%, hoặc 0,01 đến 0,99.
Phương trình có thể biểu diễn dưới dạng: Yi=x'i β+ εi, trong đó hệ số ước lượng xác định qua hồi quy OLS được xác định theo điều kiện , y là biến phụ thuộc, x là biến độc lập.
Theo ước lượng hồi quy phân vị Q(p), p là mức phân vị. Khi đó, hệ số β có thể được tính tại mức phân vị p theo biểu thức sau:
cho các phân vị p
(0,1):
Theo đó, phương trình nghiên cứu tổng quát có dạng như sau:
GDP = f (M2, IR, CPI, GOV) (1)
Từ phương trình (1) có phương trình hồi quy như sau:
GDP = α0 + α1M2 + α2CPI + α3GOV+ α4IR + ε(2)
Trong đó:
GDP: Biến đại diện cho tăng trưởng kinh tế, đo bằng logarit tự nhiên của GDP thực.
M2: Là biến độc lập, biến đo lường cung tiền mở rộng, cũng là thông số đại diện cho phát triển tài chính, đo lường bằng cung tiền mở rộng M2/GDP.
CPI: Chỉ số giá tiêu dùng, là biến đại diện cho chỉ số giá tiêu dùng, mô tả cho biến động giá hoặc lạm phát của nền kinh tế, là biến độc lập.
GOV: Biến đại diện cho nợ công, tính bằng % GDP, là biến độc lập.
IR: Lãi suất cho vay, là biến độc lập.
α: Hệ số hồi quy.
ε: Hệ số hiệu chỉnh sai số của mô hình.
Số liệu các biến số được tác giả thu thập trong giai đoạn từ năm 1991- 2020 từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Tổng cục Thống kê (GSO) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đảm bảo tính chính thống, tin cậy (Bảng 1). Nghiên cứu sử dụng phân tích dữ liệu bằng phầm mềm Eviews 9.0. Trước khi phân tích dữ liệu, nghiên cứu tiến hành kiểm tra, hiệu chỉnh các sai số của dữ liệu, nhằm đồng nhất toàn bộ dữ liệu phục vụ cho các phân tích hồi quy ước lượng.
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Kết quả nghiên cứu
Phân tích thống kê mô tả
Để tiến hành ước lượng các biến trong mô hình, nghiên cứu trước tiên thực hiện phân tích thống kê mô tả nhằm phân tích các biến số được sử dụng trong nghiên cứu (Bảng 2).
Nguồn: Tính toán của tác giả từ phần mềm Eviews 9.0
Bảng 2 trình bày thống kê mô tả các biến được sử dụng trong mô hình hồi quy, bao gồm giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ nhất và lớn nhất, độ lệch và độ nhọn. Đối với giá trị cung tiền mở rộng M2, giá trị lớn nhất là 164,8682% GDP năm 2020 và giá trị nhỏ nhất 19,5664% GDP vào năm 1991, thể hiện cung tiền mở rộng có sự tăng trưởng liên tục trong suốt giai đoạn 1991 - 2020. Sự tăng trưởng này có sự đóng góp lớn từ vai trò của các ngân hàng thương mại (NHTM) và sự điều hành từ NHNN, đã tạo vốn cho người dân và DN trong nền kinh tế. Đối với lãi suất vay, lãi suất vay bình quân đạt 13,824%, lãi suất vay nhỏ nhất 6,9600% và lãi suất vay lớn nhất 32,1825%, cho thấy, lãi suất vay bình quân trên thị trường Việt Nam tương đối cao, thậm chí một số năm đầu những năm 90 của thế kỷ trước, lãi suất vay lên tới trên 30%, trở thành một gánh nặng lãi vay đối với DN. Trong những năm gần đây, nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng, lãi suất vay dần thấp hơn và có một số năm lãi suất vay chỉ chưa tới 7%, là một nỗ lực rất lớn của các NHTM trong đảm bảo vốn cho nền kinh tế. Nhìn chung, lãi suất cho vay bình quân của nền kinh tế đang có xu hướng giảm dần đều trong giai đoạn nghiên cứu và xu thế này có thể tiếp tục giảm nhằm tạo nhiều thuận lợi hơn cho các DN trong nước.
Theo IMF (2021), trong suốt giai đoạn 1991 đến 2020, nợ công Chính phủ, đạt bình quân 77,2073% GDP. Hiện nay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam dao động khoảng trên dưới 60% GDP trong giai đoạn 2015 đến 2020. Qua đó, thể hiện chính sách duy trì tỷ lệ nợ công hợp lý và mức vừa phải nhằm đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế và trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Thảo luận kết quả nghiên cứu
Trên cơ sở kết quả ước lượng bằng phương pháp phân tích OLS và phương pháp phân tích hồi quy phân vị cho thấy: (1) Biến cung tiền M2 có tác động tích cực lên tăng trưởng GDP ở Việt Nam trong giai đoạn 1991- 2020, trong đó, tác động tích cực của M2 mạnh hơn ở phân vị 40- 60%; (2) Lạm phát có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP ở phân vị 40- 50%, nghĩa là nền kinh tế duy trì tỷ lệ lạm phát quanh giá trị trung bình có thể tăng khả năng đạt tăng trưởng cao nhất và ngược lại; (3) Biến nợ công (GOV) có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP ở phân vị 0-20%; 60% và tác động tiêu cực ở phân vị 20-50%, hoặc trên 60-100%; (iv) Biến lãi suất cho vay (IR) không có ý nghĩa thống kê, nghĩa là không có bằng chứng về quan hệ giữa lãi suất cho vay và tăng trưởng kinh tế ở tất cả phân vị. Cụ thể:
- Về cung tiền mở rộng M2: Cung tiền mở rộng có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1991-2020. Kết quả hồi quy phân vị cho thấy, tác động tích cực của cung tiền mở rộng lên tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh hơn tại các phân vị 40% đến 60%, các phân vị còn lại mặc dù tồn tại tác động tích cực nhưng mức độ tác động là nhỏ hơn. Điều này có nghĩa rằng, các quyết định lựa chọn công cụ điều hành CSTT phù hợp là cơ sở thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong ngắn hạn. Khi CSTT điều hành theo xu hướng nới lỏng, nguồn vốn cho nền kinh tế khi đó tăng lên và nhiều DN có khả năng tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, là cơ sở thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Về lạm phát: Ở cả hai phương pháp hồi quy đều cho thấy, lạm phát có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế tại mức phân vị 40%- 50%. Khi nền kinh tế duy trì tỷ lệ lạm phát quanh giá trị trung bình thì khả năng đạt tăng trưởng cao nhất. Ngược lại, nếu lạm phát tăng quá cao hoặc ở mức quá thấp, thì có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, khi lạm phát quá cao, dẫn tới chi phí vốn mà DN và xã hội cao hơn, khiến DN khó có khả năng duy trì sản xuất hoặc không đảm bảo được lợi nhuận, ảnh hưởng tới lợi ích cổ đông, cuối cùng ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP. Ngược lại, nếu nền kinh tế duy trì mức lạm phát quá thấp có thể dẫn tới khả năng mất thanh khoản của nền kinh tế, làm cho người gửi tiền không có động cơ gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, nguồn tiền nhàn rỗi không được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và do vậy nền kinh tế không có đủ nguồn lực tài chính cho phát triển và cuối cùng ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP.
- Về nợ công: Cả hai phương pháp hồi quy đều xác nhận kết quả tương đối vững chắc là nợ công có tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế tại phân vị 0-20% và phân vị 60%, trong các phân vị khác tác động là nhỏ hơn. Nghĩa là, khi nền kinh tế có tỷ lệ nợ công thấp hoặc tỷ lệ nợ công ở mức cao hơn bình quân nền kinh tế thì tăng trưởng không đạt được mức tối ưu nhất. Nền kinh tế duy trì tỷ lệ nợ công ở mức bình quân tại các phân vị 20-50% hoặc trên 60-100% thì tác động tiêu cực của nợ công lên tăng trưởng là thấp hơn.
Trong điều hành kinh tế, Chính phủ xác định ngưỡng nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP, nợ Chính phủ khoảng 44,1% GDP. Kết quả trong nghiên cứu này phù hợp với ngưỡng Chính phủ đặt ra, cũng như chỉ tiêu đánh giá sức mạnh thể chế và chất lượng chính sách (CPIA) do IMF, WB (2005) đưa ra. Song, trong từng giai đoạn, tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ lệ nợ công, chẳng hạn điều chỉnh đến sát ngưỡng phân vị 50% để có thêm không gian điều hành kinh tế và ngược lại, trong điều kiện bình thường của nền kinh tế thì duy trì tỷ lệ nợ công theo ngưỡng kế hoạch đề ra nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
- Về lãi suất cho vay: Kết quả nghiên cứu không có bằng chứng về tác động của lãi suất cho vay đến tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn nghiên cứu. Thực tế cho thấy, mặc dù lãi suất cho vay trong thời gian nghiên cứu có xu hướng giảm xuống, song vẫn còn ở mức cao so với khu vực và thế giới. Ở Việt Nam, nghiên cứu của Dong và cộng sự (2020) cho thấy, nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa khi khảo sát đều cho rằng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Trong khi đó, nhiều DN lớn, hoặc DN nhà nước lại có mức độ tiếp cận tín dụng dễ hơn. Điều này có thể làm giảm tác dụng của công cụ lãi suất trong điều hành CSTT, từ đó tác động tiêu cực lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Kết luận
Nguồn: Tính toán của tác giả từ phần mềm Eviews 9.0
Với 28 quan sát tuy chưa thực sự đủ lớn để có kết quả tốt nhất, song ưu điểm của nghiên cứu này là xác định được các phân vị cho cung tiền M2, lạm phát, nợ công và lãi suất cho vay. Đây là những biến số kinh tế vĩ mô quan trọng trong điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác. Do vậy, trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô, việc xác định các ngưỡng, hay chỉ tiêu cần được đặt trong tổng thể mối quan hệ giữa các biến số. Bên cạnh đó, lựa chọn giá trị các biến số linh hoạt theo thực trạng nền kinh tế, song phải nằm trong ngưỡng đã định, như xác định phân vị trong nghiên cứu này. Cụ thể:
- Với Cung tiền M2, tác giả cho rằng, trong điều kiện bình thường của nền kinh tế, ngưỡng phân vị của M2 nên xem xét trong khoảng từ 40-60%. Trong hai quý đầu của năm, có thể ngưỡng phân vị ở ngưỡng quanh 40% và giai đoạn cuối năm, cung tiền M2 có thể tăng mạnh do yếu đố tăng tổng cầu và ngưỡng phân vị ở khoảng 60% sẽ có hiệu ứng tốt cho tăng trưởng kinh tế. Có sự khác nhau về ngưỡng phân vị do tính mùa vụ, hoặc đột biến về tổng cầu trong nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần thiết duy trì kỷ luật thực hiện mục tiêu cung tiền M2 và đặt trong điều kiện phối hợp chặt chẽ với CSTK để tránh cung tiền quá mức vào nền kinh tế, gây ra lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô (Bùi Duy Phú, 2008).
- Về nợ công, thực tế cho thấy, tác động tiêu cực của nợ công lên tăng trưởng kinh tế thường diễn ra trong ngắn hạn. Trong dài hạn, các khoản đầu tư công có hiệu quả sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế (Hilton, 2021). Về mặt định lượng, tồn tại một ngưỡng nợ công tối ưu đối với các nền kinh tế, nghĩa là khi tỷ lệ nợ công lớn hơn 51,65% GDP thì vay cho chi tiêu công làm giảm tăng trưởng kinh tế. Khi tỷ lệ nợ công nhỏ hơn 51,65% GDP thì việc vay cho chi tiêu công nợ có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Panizza và Presbitero, 2013; Law và cộng sự, 2021). Điều này có nghĩa là việc duy trì một tỷ lệ nợ công hợp lý có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển có nhu cầu lớn về chi tiêu công cho mục tiêu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội. Những năm gần đây, Việt Nam luôn cố gắng kiểm soát nợ công ở mức dưới ngưỡng mục tiêu, song tăng trưởng được cải thiện tốt hơn. Điều này cho thấy, việc duy trì tỷ lệ nợ công tối ưu trở nên cần thiết đối với nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, Quốc hội đặt ra mục tiêu trần nợ công hàng năm trong giai đoạn 2021- 2025 không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP. Các ngưỡng nợ công này được tính toán cơ bản hợp lý trên cơ sở sức khỏe tài chính quốc gia. Song, trong điều kiện bình thường của nền kinh tế, cũng như nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch như hiện nay thì ngưỡng nợ công cần dao động quanh ngưỡng của Quốc hội đặt ra, hoặc chấp nhận vượt ngưỡng ở mức nào đó để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, song không nên ở ngưỡng phân vị gần 100%.
- Lạm phát được Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát dưới 4% trong giai đoạn 2021- 2025 theo Nghị quyết số 99/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và có thể nói đây là ngưỡng có lợi cho tăng trưởng kinh tế, bởi nền kinh tế Việt Nam cần duy trì lượng cung tiền, chi tiêu công thường xuyên cho mục tiêu phát triển. Tác giả cho rằng, trong điều kiện kinh tế bình thường, ngưỡng phân vị của lạm phát 0-20% hoặc 60% có ý nghĩa tích cực nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
- Về lãi suất cho vay, tuy không có bằng chứng về phân vị cho biến số này, song tác giả cho rằng, tiếp cận tín dụng của các DN là vấn đề lớn của Việt Nam, tác động lớn lên việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô, hỗ trợ khu vực kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do đó, tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn có ý nghĩa chính sách quan trọng với tăng trưởng kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Thống kê tiền tệ tại https://www.sbv.gov.vn/, truy cập 24/3/2022); Tổng cục Thống kê (2020), Tài khoản quốc gia tại https://www.gso.gov.vn/tai-khoan-quoc-gia/, truy cập 24/3/2022).Anowor O.F., Okorie G.C. (2016), A reassessment of the impact of monetary policy on economic growth: study of Nigeria. Emerging Markets Review, 4(1): 82-90;Berg A., Karam P., & Laxton D (2006), A practical model-Based approach to monetary policy analysis. IMF Working Paper, WP/06/80, March 2006;Bui Duy Phu (2008), Quantitative analysis of the impact of monetary policy on some of Vietnam's macro factors during the renovation period. PhD dissertation in economics, National Economics University;Dong P.T., & Hung T.T. (2020), An empirical study of the effect of monetary policy on the economic growth of Vietnam, Advances and Applications in Statistics, 62(1): 19-29.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023