Tác động của nắng nóng đối với ngành du lịch Châu Âu
Các cơ quan du lịch và các chuyên gia dự đoán, nhiệt độ mùa hè tăng vọt trên khắp miền nam châu Âu có thể khiến du khách thay đổi thói quen du lịch, với nhiều du khách chọn các điểm đến mát mẻ hơn hoặc đi nghỉ vào mùa xuân hoặc mùa thu để tránh cái nóng khắc nghiệt. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngành du lịch châu Âu.
Dữ liệu của Ủy ban Du lịch Châu Âu (ETC) cho thấy số người dự định đi du lịch đến khu vực Địa Trung Hải từ tháng 6 đến tháng 11 đã giảm 10% so với năm ngoái, khi thời tiết nắng nóng dẫn đến hạn hán và cháy rừng.
Trong khi đó, các điểm đến như Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Ireland và Bulgaria đã có sự quan tâm tăng đột biến. Một báo cáo của cơ quan thương mại cũng cho thấy 7,6% du khách hiện coi thời tiết khắc nghiệt là mối quan tâm chính đối với các chuyến đi từ tháng 6 đến tháng 11.
Các công ty du lịch cho biết nắng nóng vẫn chưa gây ra nhiều lượt hủy chuyến. Nhưng điều này có thể thay đổi khi các đợt nắng nóng trở nên khắc nghiệt hơn. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và gây chết người nhiều hơn.
Các nhà khí tượng học dự đoán rằng nhiệt độ trong tuần tới có thể vượt qua kỷ lục hiện tại của châu Âu là 48,8 độ C, được thiết lập ở Sicily vào tháng 8 năm 2021, làm dấy lên lo ngại về sự lặp lại tình trạng tử vong do nắng nóng hồi năm ngoái.
Những câu chuyện về khách du lịch được đưa ra khỏi các bãi biển của Italia bằng máy bay hoặc được đưa đi bằng xe cứu thương từ thành cổ Acropolis của Hy Lạp đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông châu Âu trong những tuần gần đây. Thành cổ Acropolis đã phải tạm ngừng đón khách tham quan từ 12h trưa đến 17h chiều các ngày 14 và 15/7 sau khi dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ trong hai ngày này lên tới 40 độ C.
Vân Hương