Tác động của tăng lương tới lạm phát thời gian tới thế nào?
Mặc dù điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra ở khu vực công có quy mô không lớn. Do đó, các chuyên gia kinh tế dự báo, tác động của tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không nhiều.
Sáng ngày 03/7, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024. Hội thảo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để tìm giải pháp quản lý, điều hành giá theo mục tiêu đề ra.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, Hội thảo này được tổ chức nhằm phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2024, những yếu tố cơ bản, nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường giá cả trong thời gian qua; đề cập đến dự báo lạm phát 6 tháng cuối năm và cả năm 2024.
Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, làm tăng biến động thị trường, giá cả… tác động xấu tới cả sản xuất và tiêu dùng.
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Tính tới cuối tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng thêm từ 0,1 - 0,3 điểm % so với các dự báo đưa ra trước đó.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo…
Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và gần cao bằng mức tăng CPI bình quân của năm 2017, 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều...
Tham luận tại Hội thảo về diễn biến lạm phát 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo cả năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023.
Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.
“Nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy rằng, áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây là mức tăng vừa phải trong 5 năm gần đây”, TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá.
Dự báo lạm phát cả năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, 6 tháng cuối năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn, do tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020-2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Hơn nữa, mặc dù tỷ giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (tăng 4,17% so với tháng 12/2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%), nhưng lạm phát hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2024 không cao…
Một yếu tố khác là từ ngày 01/7/2024, áp dụng tăng lương cơ sở, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công, có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không nhiều.
“Về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Nguyễn Đức Độ nhận định.
Phân tích thêm về tác động của việc tăng lương đến CPI, tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở tác động đến CPI đã được Ban Chỉ đạo điều hành giá chú trọng thực hiện để trên cơ sở đó xây dựng kịch bản điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhận diện các yếu tố tăng CPI thời gian qua, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, các yếu tố làm tăng CPI gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, các mặt hàng thực phẩm, giao thông. Trong số các mặt hàng này có nhóm mặt hàng tăng theo quy luật tăng giá vào dịp lễ, Tết đầu năm, dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 như thực phẩm, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giải trí.
Ngoài ra, các yếu tố tác động làm giảm CPI bao gồm giá nhiên liệu là xăng dầu và gas. Giá xăng dầu trong nước biến động phức tạp theo thị trường thế giới và giảm liên tục từ tuần cuối tháng 4/2024 cho đến nay, góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Từ phân tích các yếu tố trên, đại diện Cục Quản lý giá nhìn nhận, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt theo mục tiêu cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành đã quản lý, điều hành giá đúng hướng trên cơ sở kinh nghiệm kiểm soát lạm phát qua các năm, cũng như sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân khiến nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, giúp ổn định mặt bằng giá.
Đánh giá kỹ tác động đến mặt bằng giá để có phương án điều chỉnh phù hợp
Nêu giải pháp quản lý điều hành giá trong thời gian tới, đại diện Cục Quản lý giá cho hay, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt là việc điều chỉnh tăng lương, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu với Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ các biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong điều hành giá thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Về giải pháp cụ thể, Cục Quản lý Giá khuyến nghị cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến mặt bằng giá.
Một giải pháp khác là các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến mắt bằng giá thị trường.
Cùng với đó, tăng cường triển khai giám sát thực hiện các biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện chấn chỉnh khắc phục những bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá…
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho hay, dự báo lạm phát 6 tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng, do biến động nguồn cung, giá cả thế giới, do điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương từ ngày 01/7. Thêm vào đó, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài.
“Dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là trong điều hành, cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch về giá cả các mặt hàng để kiểm soát lạm phát kỳ vọng”, Chuyên gia Ngô Trí Long khuyến nghị.
Để kiểm soát lạm phát nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, vị chuyên gia này cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Đồng thời, chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp…
Trong khuôn khổ nội dung chương trình Hội thảo, bên cạnh việc đánh giá về diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024; giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả, tổ chức thị trường phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam, các đại biểu tham dự đã bàn thảo, thảo luận về diễn biến thị trường vàng, hoat động ngân hàng và thị trường bất động sản…