Tác động của xung đột Israel-Hamas với an ninh năng lượng khu vực

Chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza nhằm vào lực lượng Hamas không những khiến cả hai bên bị thiệt hại nặng nề mà còn gây ra những tác động chưa từng có.

Viện phân tích quan hệ quốc tế của Italia cho rằng, khi châu Âu và Trung Đông vẫn vật lộn với những hậu quả chính trị, nhân đạo và kinh tế của cuộc chiến ở Dải Gaza, vấn đề lâu dài về cơ hội năng lượng của người Palestine vẫn đang bị đe dọa.

“Năng lượng vấn đề sống còn”

Cuộc chiến Israel-Hamas thể hiện sự chuyển hướng gây sốc khỏi các xu hướng chính trị và kinh tế dường như đang phát triển ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) trong những năm gần đây. Một mặt, cuộc cạnh tranh lâu đời giữa Iran và Saudi Arabia thể hiện rõ nhất trong cuộc nội chiến ở Yemen. Mặt khác, khu vực này dường như sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của hợp tác rộng rãi giữa một số quốc gia Arập và Israel.

Xu hướng hòa giải giữa nhà nước Do Thái và các đối thủ lịch sử dự kiến bao gồm cả các đối tác tiềm năng mới như Saudi Arabia. Viễn cảnh Saudi Arabia và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức được coi là bước phát triển tích cực đáng kể đối với động lực chính trị và kinh tế của khu vực MENA.

Xung đột bùng nổ sau sự kiện ngày 7/10/2023 và việc Israel tấn công Gaza làm trầm trọng thêm những bất ổn liên quan đến con đường hướng đến tương lai của Palestine. Một yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia của bất kỳ quốc gia nào là năng lượng, bao gồm các khía cạnh như sản xuất, chuyển đổi, phân phối và tiêu thụ. Tuy nhiên, các vùng lãnh thổ của Palestine nhận thấy mình thiếu quyền tự chủ thực sự trong lĩnh vực năng lượng khi phụ thuộc nặng nề vào Israel - khoảng 87% nhu cầu điện.

Hơn nữa, Palestine không có ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch nội địa và hoàn toàn phụ thuộc vào Israel và các nước láng giềng như Jordan và Ai Cập để mua năng lượng. Sự kiểm soát các khu định cư của Israel ở Bờ Tây cản trở nghiêm trọng khả năng của Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) trong thực hiện quản lý các nguồn tài nguyên thiết yếu.

Tel Aviv duy trì chính sách cô lập năng lượng nghiêm ngặt đối với Palestine, qua đó đảm bảo sự phụ thuộc của Palestine trong cuộc thảo luận liên quan đến phát triển và cơ hội liên quan đến năng lượng.

Theo góc nhìn của Israel, chính sách này tỏ ra có lợi thế chiến lược, đặc biệt trong việc quản lý cam kết của Palestine với các bên liên quan. Bằng cách duy trì sự phụ thuộc của Palestine vào năng lượng của Israel, nhà nước Do Thái có thể giảm thiểu một cách hiệu quả ảnh hưởng của các quốc gia đối thủ vốn tìm cách sử dụng nhu cầu năng lượng của Palestine để mở rộng ảnh hưởng.

Năng lượng trở thành tâm điểm quan trọng của Israel trong những năm gần đây sau khi khai thác các mỏ khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Quá trình chuyển đổi này biến Israel từ quốc gia lệ thuộc năng lượng thành nước xuất khẩu khí đốt nổi bật, mang lại những lợi thế kinh tế và chính trị đáng kể.

Triển vọng năng lượng gặp nhiều thách thức

Trước khi xảy ra xung đột, vào tháng 6/2023, Israel âm thầm mở ra cơ hội cho việc tiếp tục phát triển mỏ khí đốt Gaza Marine trong khuôn khổ hợp tác có sự tham gia của PNA và Ai Cập. Nỗ lực hợp tác này đòi hỏi thỏa thuận phân chia doanh thu từ hoạt động khai thác khí đốt và thiết lập các bảo đảm an ninh mà Israel cho là cần thiết.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, một liên danh do công ty Egas của Ai Cập đứng đầu giám sát việc khai thác khí đốt, trong đó Ai Cập mua và vận chuyển khí đốt qua đường ống đến thành phố cảng Arish để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.

Chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza nhằm vào lực lượng Hamas là cuộc chiến có quy mô lớn, ác liệt và kéo dài nhất kể từ khi thành lập Nhà nước Israel (năm 1948) đến nay. Ảnh: AP

Chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza nhằm vào lực lượng Hamas là cuộc chiến có quy mô lớn, ác liệt và kéo dài nhất kể từ khi thành lập Nhà nước Israel (năm 1948) đến nay. Ảnh: AP

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat, Đại học Bar-Ilan, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định của Israel cho phép mỏ khí này hoạt động vào thời điểm đó. Một lý do hợp lý là Israel khai thác những căng thẳng gia tăng giữa Hamas để tạo dựng hình ảnh mình là người thúc đẩy cơ hội kinh tế và dàn xếp hòa bình cho Palestine.

Khi xung đột ở Gaza không có dấu hiệu giảm leo thang, việc dự đoán tương lai của Gaza Marine và rộng hơn là triển vọng năng lượng của Palestine gặp nhiều thách thức. Mặc dù kết quả chủ yếu phụ thuộc vào việc Israel có ý định ở lại Dải Gaza hay rút về sau xung đột, nhưng trong các kịch bản rất khó có khả năng PNA được lợi trong lĩnh vực năng lượng.

Nếu Israel chọn kiểm soát Gaza, Palestine chắc chắn sẽ mất mọi yêu sách hoặc quyền đối với lãnh hải và vùng EEZ, do đó mất cơ hội khai thác mỏ khí đốt Gaza Marine. Đây có thể là kịch bản xấu nhất đối với PNA, có khả năng dẫn đến việc Israel gia tăng kiểm soát Bờ Tây.

Một mối lo ngại lớn khác xoay quanh phản ứng tiềm tàng của các chủ thể trong khu vực đối với việc Israel giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Gaza Marine. Đặc biệt, Ai Cập có thể gặp phải những thách thức đáng kể về an ninh, chính trị và kinh tế khi nước này thực hiện vai trò trung gian hòa giải giữa những áp lực trong nước và khu vực. Sự thay đổi động lực trong đời sống chính trị khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, do việc Israel kiểm soát Gaza Marine, có thể có những tác động sâu rộng đối với sự ổn định và an ninh biển ở khu vực.

Điều này đặc biệt đúng khi liên quan đến lợi ích và tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải. Ankara có thể không hoan nghênh việc Israel cưỡng bức chiếm đoạt nguồn tài nguyên năng lượng của Palestine và các thỏa thuận kinh tế sau đó Israel đàm phán với Ai Cập và Cộng hòa Cyprus.

Những diễn biến như vậy có thể tạo cơ sở cho căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia láng giềng, xoay quanh các tranh chấp về khai thác tài nguyên và yêu sách lãnh thổ. Ngược lại, một số tác nhân trong khu vực có thể nhận thấy cơ hội để giành lợi thế chiến lược từ những thay đổi này.

Việc Israel kiểm soát lâu dài Gaza và nguồn tài nguyên năng lượng tại đây chắc chắn làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, ảnh hưởng đáng kể đến sự hợp tác và an ninh. Một kịch bản như vậy có thể kéo dài thời gian đình trệ của dự án đường ống dẫn khí đốt EastMed cũng như việc Houthi phong tỏa eo biển Bab el-Mandeb, làm gián đoạn hơn nữa thị trường năng lượng Trung Đông và châu Âu, đồng thời ảnh hưởng một cách không tương xứng đến một số bên tham gia.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tac-dong-cua-xung-dot-israel-hamas-voi-an-ninh-nang-luong-khu-vuc-330112.html