Tác động ngược khi áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt với Game online
'Đối với mục đích đa dạng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chúng tôi cũng nhận định rằng không hiệu quả, thậm chí tạo tác động ngược lại' – đại diện Liên minh Game Việt Nam trao đổi riêng với VietTimes.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – đại diện Liên minh Game Việt Nam cho rằng, mục đích của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm điều chỉnh hành vi người dùng và đa dạng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và ông cũng phân tích cho thấy cả 2 mục đích này đều không thể đạt được bằng dự thảo trên.
Dẫn thống kê phân tích của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như doanh nghiệp ngành game, đại diện Liên minh Game Việt Nam cho rằng số lượng người chơi game ở Việt Nam là lớn: Ước tính khoảng 33tr, nhưng so với tỷ lệ dân số thì không có khác biệt với các quốc gia khác (khoảng 30% dân số).
Tuy vậy, 95% người chơi game ở Việt Nam là không trả phí và doanh nghiệp Việt Nam chỉ phát hành 10% lượng game được cung cấp trên thị trường –nhóm game chịu thuế này khá thấp.
Đặc biệt, ông Nghĩa thông tin, doanh thu trên thị trường hiện nay theo số liệu chưa đầy đủ thì có tới trên 30% là từ các game hoạt động bất hợp pháp, game phát hành xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – đại diện Liên minh Game Việt Nam.
Với các số liệu trên, mục đích điều chỉnh hành vi người dùng là chắc chắn không đạt được, vì 2 lý do. Thứ nhất, người dùng trả phí chịu tác động của dự thảo chỉ là thiểu số rất nhỏ trong nhóm khách hàng của ngành game. Và thứ hai, người dùng trả phí có rất nhiều lựa chọn khác để chơi, là các game phát hành toàn cầu hoặc xuyên biên giới – vốn là những game không bị tác động của dự thảo.
“Đối với mục đích đa dạng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chúng tôi cũng nhận định rằng không hiệu quả, thậm chí tạo tác động ngược lại” – ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định.
Trao đổi với VietTimes, ông Nghĩa phân tích, nếu đánh thuế, chỉ có doanh nghiệp game online trong nước có đăng ký kinh doanh là bị ảnh hưởng. Việc này sẽ trực tiếp tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp phát hành xuyên biên giới (toàn cầu) hoặc doanh nghiệp phát hành game không đăng ký – những doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam, và cũng không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào với xã hội Việt Nam.
Việc áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt với Game online sẽ dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp ngành game trong nước sẽ chết dần, hoặc buộc họ phải tự cứu lấy mình bằng cách chọn giải pháp chuyển trụ sở sang nước ngoài, ở những quốc gia có chính sách thuế ưu đãi như Singapore và trở thành doanh nghiệp phát hành không đăng ký ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Đại diện Liên minh Game Việt Nam
Cho rằng việc kiểm soát môi trường kinh doanh trên Internet là bất khả thi, phụ thuộc nhiều vào lựa chọn của người dùng, đại diện Liên minh Game Việt Nam nêu thực tế, các quốc gia phát triển nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đã chọn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tăng sức cạnh tranh với nước ngoài, thu hút nhân lực ngành game về đặt trụ sở, từ đó tăng nguồn thu ngân sách, và dễ dàng kiểm soát nội dung độc hại ảnh hưởng đến người dùng.
Ngành Game thuộc nhóm tiên phong đổi mới sáng tạo nhưng lại chưa được khuyến khích
Theo nghiên cứu của Liên minh Game Việt Nam, chưa có bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam (điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc) chứ công cụ thuế thì chưa có tiền lệ.
Góp ý cho dự thảo Luật Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ông Nghĩa nhiều lần khẳng định, ngành game luôn nằm trong nhóm tiên phong về đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp số. Các công ty trong ngành luôn là tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ, các phương thức làm việc tiến bộ để phục vụ người dùng. Một ví dụ điển hình là game, cùng với thương mại điện tử đã tác động mạnh mẽ đến việc thanh toán không sử dụng tiền mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển ngành game, nhưng phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Vì vậy doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn và có tốc độ phát triển còn hạn chế.
Việt Nam cùng với Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng internet lớn và đang tăng nhanh. Mức tăng trưởng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á từ 2020-2025 trung bình ước tính là 8.2% mỗi năm, chỉ số này ở Việt Nam là gần 9%.
Doanh thu dự kiến toàn từ ngành game ở thị trường Việt Nam 2022 là 0.8 Tỉ USD, Việt Nam vẫn xếp sau các nước trong khu vực như Indonesia (1.8 tỉ USD), Thailand (1 tỉ USD), Malaysia (0.9 tỉ USD), Philippines (0.85 tỉ USD). Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình 9% 1 năm, cao hơn trung bình của khu vực, cùng với lượng người dùng lớn. Việt Nam vẫn là một thị trường rất béo bở trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy vậy, trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác.
Ông Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh, trong suốt nhiều năm, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Thực tế là theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trong số hơn 200 doanh nghiệp Game đã đăng ký, chỉ còn 20 doanh nghiệp Game Việt Nam đang còn hoạt động thường xuyên. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đang dần bán mình cho các công ty nước ngoài.
Cũng theo thống kê của Newzoo, Tại thị trường Việt Nam năm 2022, dù thị trường tiềm năng, nhưng tổng doanh thu của các doanh nghiệp có nguồn gốc nội địa chỉ chiếm khoảng 22%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp có nguồn gốc nước ngoài.
Chính sách quản lý khó khăn và bị động
Ngành game có một khác biệt rất lớn nếu so với các ngành nghề kinh doanh khác: môi trường kinh doanh chủ yếu trên internet. Với môi trường kinh doanh là internet, khoảng cách địa lý không còn quan trọng, các doanh nghiệp lớn mạnh có thể nhanh chóng phát hành sản phẩm và tiếp cận thị trường toàn cầu, bao gồm Việt Nam, với mức tăng trưởng không giới hạn. Cũng vì thế, các doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp ngay trên chính sân nhà, vì việc quản lý của chính phủ trên môi trường Internet là cực kỳ khó khăn và bị động.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề nghị đưa game online ra khỏi danh mục dự thảo Thuế Tiêu thụ đặc biệt
Liên minh Game Việt Nam cho rằng, cần thẳng thắng thừa nhận, hiện nay môi trường kinh doanh của ngành game trong nước chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết, nếu so sánh với chính sách phát triển ươm mầm, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài của các nước phát triển, hay thậm chí là của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Điều này dẫn đến thực trạng, không ít doanh nghiệp có chủ yếu là nhân sự là người Việt, thành công ở Việt Nam và cả thị trường nước ngoài, nhưng lại được khai sinh ở một quốc gia khác, như Singapore.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi thì cũng chưa có bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam (điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc) chứ công cụ thuế thì chưa có tiền lệ" - đại diện Liên minh Game Việt Nam nói
Thị trường game ở Việt Nam tuy đang phát triển, nhưng doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, và cạnh tranh với cả chính sách hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực. Do đó, "chúng tôi khẩn thiết kiến nghị trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt như trong dự thảo” – Liên minh Game, đại diện cho các doanh nghiệp làm game Việt Nam nêu đề xuất./.