Tác động số hóa đến thúc đẩy đổi mới và tăng cường tài chính toàn diện

Ngày 04 – 06/03/2025, Đoàn công tác của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), do ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc CIC là trưởng đoàn, đã tham dự thành công Hội thảo bên lề sự kiện APEC 2025 tại Hàn Quốc. Trong bối cảnh tài chính số phát triển mạnh mẽ, việc tham dự Hội thảo APEC 2025 là cơ hội quý báu để viên chức, người lao động CIC được học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp trong thời gian tới.

Hội thảo về Tài chính số tại APEC 2025 “Tác động của số hóa ngân hàng đối với đổi mới tài chính và tài chính toàn diện” tập trung vào 02 nội dung chính về số hóa tài chính và đổi mới trong hệ thống ngân hàng” và Hệ sinh thái dữ liệu mới cho tài chính số an toàn và toàn diện. Trong khuôn khổ chương trình, qua góc nhìn của chuyên gia, các diễn giả đến từ nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn về tác động của công nghệ đối với hệ thống ngân hàng, bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng…

Đoàn công tác của CIC tham dự Hội thảo

Đoàn công tác của CIC tham dự Hội thảo

Nhiều nội dung quan trọng tại Hội thảo

Thứ nhất, Open Finance: Mô hình tài chính mở rộng, cho phép cá nhân và doanh nghiệp truy cập, chia sẻ, quản lý dữ liệu tài chính của mình một cách chủ động, minh bạch thông qua các nền tảng kỹ thuật số; giúp thúc đẩy sự cạnh tranh, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính và hỗ trợ đổi mới công nghệ trong ngành tài chính.

Thứ hai, MyData: Mô hình quản lý dữ liệu cá nhân tiên tiến, cho phép chủ thể dữ liệu kiểm soát, quản lý và sử dụng dữ liệu của mình, chủ động quyết định việc chia sẻ dữ liệu của mình với các tổ chức tài chính để nhận được các dịch vụ phù hợp hơn.

Thứ ba, quy trình tài chính số: Thông qua việc ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain), quy trình này số hóa các hoạt động tài chính, giúp tự động hóa, tối ưu hóa quy trình cung cấp dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn thông tin.

Thứ tư, bảo vệ người tiêu dùng trong hệ sinh thái tài chính số: Song song với sự phát triển của công nghệ nói chung và hệ sinh thái tài chính số nói riêng, các rủi ro về quyền riêng tư và an ninh mạng cũng ngày càng trở nên phức tạp, khó lường. Để giải quyết vấn đề này, các diễn giả đã trình bày, phân tích một số chiến lược chính như chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng cường kiểm soát an ninh mạnh, hoàn thiện quy trình cấp quyền dữ liệu, hỗ trợ các sáng kiến giáo dục tài chính

Thứ năm, hệ sinh thái dữ liệu mới trong dịch vụ tài chính: Đảm bảo đáp ứng đủ 04 yếu tố, gồm: Niềm tin vào dữ liệu và phân tích (D&A), sự phát triển của các nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba, cơ sở hạ tầng dữ liệu hiện đại, quản trị dữ liệu cá nhân.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc CIC phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc CIC phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc CIC chia sẻ một số nội dung về thách thức của việc tiếp cận tài chính đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và vai trò của dữ liệu mới, đặc biệt là với các doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển, nơi doanh nghiệp thường thiếu lịch sử tín dụng chính thức, gây khó khăn cho các tổ chức tài chính trong việc đánh giá rủi ro.

Phiên thảo luận tại Hội thảo

Phiên thảo luận tại Hội thảo

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, dù CIC và các Công ty Thông tin tín dụng (TTTD) tư nhân đã thực hiện tốt các chức năng như đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ TTTD, bao gồm cả những sản phẩm giá trị gia tăng như chấm điểm, xếp hạng tín dụng, hỗ trợ quản lý rủi ro và thu hồi nợ,… song cũng không thể tránh khỏi những tác động mạnh mẽ của quá trình chuyển đổi số nhanh chóng và yêu cầu cấp thiết về đẩy mạnh tài chính số, khi mà vẫn còn khoảng 30% dân số trưởng thành không có lịch sử tín dụng tại Việt Nam.

Vì vậy, cần thiết phải thu thập các nguồn dữ liệu thay thế như dữ liệu sử dụng dịch vụ điện, nước, logistics, kế toán,…; Nghiên cứu, ứng dụng các loại hạ tầng dữ liệu mới như AI, học máy (Machine Learning), điện toán đám mây, blockchain, ngân hàng mở và chia sẻ dữ liệu thông qua API mở, phân tích dữ liệu,…; Bám sát khung pháp lý hỗ trợ hạ tầng dữ liệu mới (Luật Dữ liệu 2024 và các dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về sản phẩm và dịch vụ dữ liệu, Nghị định về sản phẩm và dịch vụ phân tích và tổng hợp dữ liệu và Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong thời gian tới).

Bài học kinh nghiệm cho CIC

Một là, tập trung đầu tư nâng cấp nền tảng công nghệ tin học, ứng dụng AI, Machine Learning, Big Data vào hoạt động TTTD, đảm bảo phù hợp với định hướng chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Hai là, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế kết nối các nguồn dữ liệu mới và xây dựng hạ tầng dữ liệu hiện đại.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức có kinh nghiệm về phân tích và ứng dụng dữ liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ TTTD.

PV

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tac-dong-so-hoa-den-thuc-day-doi-moi-va-tang-cuong-tai-chinh-toan-dien-162236.html