Tác động từ kết quả bầu cử ở Đức với Ukraine

Khi EU gấp rút chuẩn bị gói viện trợ mới, tương lai của Ukraine đang phụ thuộc nhiều vào sự quyết đoán của Đức. Liệu Đức có trở thành trụ cột mới cho Ukraine khi Mỹ dần rút lui?

Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Đức Friedrich Merz. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Đức Friedrich Merz. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo Politico ngày 24/2, kết quả bầu cử Quốc hội Đức cuối tuần qua đã mở ra triển vọng mới cho Ukraine giữa bối cảnh lo ngại về sự thay đổi chính sách của Mỹ. Friedrich Merz, ứng cử viên bảo thủ dự kiến sẽ trở thành tân Thủ tướng Đức, đã bày tỏ quyết tâm xây dựng một châu Âu độc lập về quốc phòng, không phụ thuộc vào Mỹ.

Theo Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại EurasiaGroup, chiến thắng của ông Merz báo hiệu một sự thay đổi quan trọng trong định hướng chính sách của Đức thời kỳ hậu Thế chiến II. Chuyên gia Rahman nhận định ông Merz đã nhận thức rõ về thách thức từ Tổng thống Donald Trump đối với an ninh châu Âu.

Trong bối cảnh đó, ông Merz đề xuất thành lập một liên minh phòng thủ châu Âu mới thay thế NATO, trong đó có sự hợp tác về vũ khí hạt nhân với Pháp và Anh. Đây được xem là phản ứng trước những tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump về việc Mỹ có thể rút khỏi cam kết bảo vệ các đồng minh NATO. "Sau những tuyên bố của Tổng thống Trump vào tuần trước, rõ ràng là Mỹ, ít nhất là một bộ phận người Mỹ và chính quyền này phần lớn thờ ơ với số phận của châu Âu", ông Merz nói trong một cuộc thảo luận trực tiếp trên truyền hình.

"Thế giới ngoài kia sẽ không chờ đợi chúng ta", ông Merz nhấn mạnh, thể hiện quyết tâm đẩy nhanh quá trình thành lập chính phủ để đối phó với những thách thức cấp bách về an ninh và quốc phòng mà châu Âu đang phải đối mặt. Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về tương lai của NATO: "Liệu chúng ta có tiếp tục thảo luận về NATO theo hình thức hiện tại hay không, hoặc liệu chúng ta có phải thiết lập năng lực phòng thủ độc lập của châu Âu nhanh hơn nhiều hay không?"

Về cơ cấu chính phủ mới, đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của ông Merz nhiều khả năng sẽ lập "liên minh lớn" với đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Mặc dù Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố không tham gia liên minh, nhưng Boris Pistorius - Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại và là người có quan điểm cứng rắn với Nga, có thể sẽ tham gia nội các mới. Liên minh này được dự đoán sẽ ổn định hơn so với liên minh ba đảng trước đây.

Robert Habeck từ đảng Xanh, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc tăng chi tiêu quốc phòng và viện trợ cho Ukraine, cũng có thể được mời tham gia liên minh. Tuy nhiên, ông Merz và chính phủ mới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đảng cực hữu AfD đang đạt được ủng hộ kỷ lục và hướng tới chiến thắng vào năm 2029, gây áp lực buộc ông Merz phải giải quyết vấn đề nhập cư sau hàng loạt vụ khủng bố gây chấn động. Nền kinh tế Đức đang trì trệ và có thể bị ảnh hưởng thêm bởi chính sách thương mại của chính quyền Trump, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp ô tô và các nhà xuất khẩu.

Vấn đề cấp bách nhất là thời gian. Quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh thường kéo dài khoảng hai tháng, trong khi Ukraine đang rất cần sự hỗ trợ. EU đang gấp rút chuẩn bị gói viện trợ mới trị giá hàng tỷ euro và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về quốc phòng vào ngày 6/3.

Tổng thống Ukraine Zelensky thậm chí đã bày tỏ sẵn sàng từ chức nếu điều đó có thể mang lại hòa bình và an ninh thực sự cho nước này, bao gồm việc gia nhập NATO. Trong khi đó, Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin được cho là có thể gặp nhau trong thời gian tới để thảo luận về "hòa bình" tại Ukraine mà không tham khảo ý kiến các đồng minh châu Âu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tac-dong-tu-ket-qua-bau-cu-o-duc-voi-ukraine-20250224152633743.htm