Tác động từ việc FED tăng lãi suất lần thứ tư
Động thái tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là sự tiếp tục của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của Ngân hàng Trung ương này kể từ đầu thập niên 1980. Điều khiến giới chuyên gia lo ngại sẽ gây ra nhiều tác động đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.
Thị trường toàn cầu chao đảo
Theo CNBC, với tình trạng lạm phát dai dẳng, sát ngưỡng cao nhất trong 40 năm là nguyên nhân khiến FED liên tục nâng lãi suất và chưa có ý định dừng lại. Tính từ đầu năm, FED đã tăng lãi tổng cộng 6 lần, trong đó bốn lần gần nhất đều nâng với mức 0,75 điểm phần trăm trong các phiên họp tháng 6, 7, 9 và 11. Tuy nhiên, trong lần họp này, FED có nói đến khả năng giảm mức độ nâng lãi suất từ kỳ họp tới, có nghĩa là trong những lần nâng lãi suất tiếp theo, mức tăng sẽ không phải là 0,75 điểm phần trăm mà thấp hơn.
Các chuyên gia kinh tế hy vọng, mức tăng lãi suất của FED là 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 tới và ít hơn trong năm 2023. Tác động của quyết định tăng lãi suất mới của FED là người dân và doanh nghiệp sẽ giảm vay tiền và chi tiêu, làm chậm lại nền kinh tế nhưng cũng sẽ làm chậm lại đà tăng giá. Với người Mỹ, họ sẽ khó khăn trong các hoạt động liên quan đến ngân hàng vì lãi suất cho vay mua nhà, xe và cả chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ tăng lên.
Trong bối cảnh chiến dịch kiềm chế lạm phát kéo dài nhiều tháng của FED ngày càng có nguy cơ dẫn tới suy thoái vào năm tới, khiến cho nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi: Liệu FED có thay đổi việc tăng lãi suất vào tháng 12.2022 hay đợi cho đến khi lạm phát có dấu hiệu giảm xuống rõ ràng? Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, FED có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng tới. Song, ông cho biết thêm, FED vẫn chưa thể tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất của mình và cần phải tăng lãi suất thêm một chút nữa để đạt được mức đủ kiềm chế để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu của FED là 2%. Với thông điệp ngầm của FED rằng lãi suất có thể cao hơn nữa trong thời gian tới đã tạo cơ sở cho một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á.
Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ đã khiến thị trường nhà ở lao đao và người tiêu dùng khó có thể tăng chi tiêu dù chính phủ nói rằng nền kinh tế đang phát triển và các chủ lao động cũng đang tuyển dụng với tốc độ mạnh mẽ. Nhưng việc lãi suất tăng chắc chắn sẽ không chỉ hạn chế lạm phát mà còn kìm hãm tăng trưởng kinh tế và tuyển dụng. Một điều rõ ràng là, FED đã làm cho việc vay vốn trở nên đắt đỏ hơn, khiến mọi người đi vay và chi tiêu ít hơn.
Việc tăng lãi suất cũng ảnh hưởng đến lợi tức của trái phiếu, vì trái phiếu và lãi suất có mối quan hệ nghịch đảo. Nếu lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm và ngược lại. Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn có thể có tác động lan tỏa đến các nơi khác trên thế giới. Đa số các quốc gia đang trong cuộc chiến chống lạm phát, và trong tình hình như vậy, đồng tiền của họ có thể yếu hơn so với đồng USD và việc phá giá tiền tệ khiến việc chống lạm phát trở nên khó khăn hơn. Lãi suất cao hơn cũng đẩy giá cổ phiếu xuống, điều có tác động đến các khoản tiền của nhiều nhà đầu tư. Theo cách này, việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng.
Lạm phát liệu có được kiềm chế?
Cuộc họp gần đây nhất của FED đã có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể sớm giảm bớt. Tăng trưởng việc làm hàng tháng của Mỹ đã giảm từ 537.000 trong tháng 7 xuống 263.000 vào tháng 9, và tiền lương của khu vực tư nhân đã tăng 5,2% hàng năm trong giai đoạn từ tháng 7 - 9.2022. Mặc dù tỷ lệ này vẫn ở mức cao trong lịch sử nhưng đã giảm so với mức 5,7% của quý trước. Công cụ đo lạm phát được sử dụng rộng rãi nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy, giá cả chung trong tháng 9 đã tăng 8,2% so với một năm trước đó, giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 9% vào tháng 6.2022.
Tuy nhiên, những diễn biến đó đã bị lấn át bởi các dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ chỉ giảm từ từ. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng từ mức 4,9% của tháng 8.2022 lên 5,1% trong tháng 9.2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Và số lượng việc làm được đăng tuyển đã tăng từ 10,3 triệu việc trong tháng 8.2022 lên 10,7 triệu trong tháng 9.2022. Điều này một lần nữa có thể gây áp lực tăng lên đối với tiền lương khi các nhà tuyển dụng cạnh tranh để giành được số lượng lao động vẫn còn hạn chế so với mức trước đại dịch. Ngay cả khi không có các đợt tăng lãi suất lớn của FED, các nhà kinh tế vẫn dự đoán lạm phát sẽ chậm lại khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng giảm bớt, giá hàng hóa giảm, đồng USD mạnh làm giảm chi phí nhập khẩu và các nhà bán lẻ giảm giá để giải phóng hàng tồn kho đang tăng lên.
Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã làm cho tình hình trở nên khó kiểm soát đối với đảng cầm quyền. Một số nhà lập pháp của đảng Dân chủ đã thúc giục FED kiềm chế trong việc nâng lãi suất, nhưng Ngân hàng Trung ương lại có những động thái ngược lại. Áp lực nhất quán đối với mặt trận giá cả và chi phí đi vay cao hơn đã làm giảm khả năng vận động tranh cử của đảng Dân chủ. Mặt khác, đảng Cộng hòa đang công kích đảng Dân chủ về những tác động tiêu cực của lạm phát cao trong lịch sử trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Trong khi đó, FED cùng với nỗ lực kéo dài nhiều tháng để kiểm soát lạm phát vẫn sẽ là tâm điểm chú ý khi người dân Mỹ đưa ra lựa chọn bỏ phiếu cuối cùng.
Tranh luận xoay quanh đỉnh của lãi suất
Các nhà phân tích của Deutsche Bank, UBS, Credit Suisse và Nomura Securities đều tin rằng sau đợt tăng 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp lần này, FED sẽ tiếp tục áp dụng bước nhảy lãi suất như vậy trong cuộc họp tháng 12. Trong khi đó, các nhà phân tích của Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Evercore ISI dự báo Fed sẽ giảm tốc về bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp cuối cùng của năm.
Các số liệu kinh tế công bố từ sau cuộc họp tháng 9 của FED có cả tốt và xấu. Nhu cầu trong nền kinh tế Mỹ đã chậm lại và thị trường nhà đất nước này đã sụt giảm mạnh, nhưng thị trường việc làm vẫn mạnh và áp lực lạm phát vẫn ở mức cao. Các báo cáo tài chính quý III công bố gần đây của các công ty niêm yết cũng cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng vẫn lớn và giá cả tiếp tục tăng lên. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, FED có thể giảm tốc trong cuộc họp tháng 12, nhưng lại vẫn có thể tăng lãi suất lên 6%.
FED sẽ có 2 tháng dữ liệu kinh tế nữa trước khi bắt đầu cuộc họp tháng 12, bao gồm các số liệu về tuyển dụng và lạm phát. Một số chuyên gia kinh tế nói FED sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn mức 4,6% trong năm tới vì sự vững vàng của tiêu dùng và nhu cầu trong nền kinh tế đòi hỏi lãi suất cao hơn. Chuyên gia Jim Vogel của FHN Financial cho biết, thế tiến thoái lưỡng nan đối với thị trường tài chính nằm ở việc có nhiều thứ có thể đồng thời đúng, và nhiều thứ trong đó kéo nhà đầu tư theo các hướng khác nhau. FED có thể giảm tốc trong cuộc họp tháng 12, nhưng lại vẫn có thể tăng lãi suất lên 6%.