Tác động từ việc Tổng thống Mỹ mạnh tay áp thuế với hàng hóa Canada, Mexico và Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/2 đã ra lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico, và 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Mexico và Canada ngay lập tức có phản ứng trả đũa. Điều này dấy lên lo ngại về các cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng.
Mồi lửa của chiến tranh thương mại
Mức thuế mới đối với hàng hóa Canada, Mexico và Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực từ ngày 4/2. Các quan chức Mỹ chia sẻ với truyền thông rằng sản phẩm năng lượng từ Canada sẽ chỉ chịu thuế 10%, nhưng mặt hàng năng lượng nhập khẩu từ Mexico sẽ bị áp mức thuế đầy đủ 25%.
Động thái này diễn ra sau lời đe dọa lặp đi lặp lại của ông Trump sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Phát biểu tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump nói với giới truyền thông rằng có một số lý do cho quyết định của ông: “Thứ nhất là những người nhập cư đã đổ bộ vào đất nước chúng ta, một cách khủng khiếp và với số lượng rất lớn… Thứ hai là ma túy, fentanyl (một loại thuốc giảm đau gây nghiện) và mọi thứ khác đã xâm nhập vào đất nước… Và thứ ba là khoản trợ cấp khổng lồ mà chúng ta đang chi cho Canada và Mexico do thâm hụt thương mại”.
Hãng tin Reuters (Anh) nhận định, chính sách thuế mới của Mỹ nêu trên có khả năng dẫn đến trả đũa và có nguy cơ châm ngòi cho chiến thương mại gây gián đoạn kinh tế của các bên liên quan. Cả Mexico, Canada và Trung Quốc đều là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, do đó, có nguy cơ mức thuế tăng sẽ dẫn đến giá cả phi mã.
Chính các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài sẽ phải trả mức thuế này. Ví dụ, nếu một nhà sản xuất ô tô Mỹ nhập khẩu linh kiện từ Mexico, họ sẽ phải trả thuế khi hàng hóa đến nước này.
Vậy liệu Tổng thống Trump có cần sự chấp thuận của Quốc hội để áp thuế? Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump có rất nhiều quyền lực tại Quốc hội để thông qua luật.
Nhưng Tổng thống Mỹ cũng có quyền áp thuế mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, trong trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ hoặc "tình trạng khẩn cấp quốc gia". Và ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA). Đạo luật này đơn phương cho phép tổng thống quản lý hoạt động nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp quốc gia.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã yêu cầu thực hiện biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích quốc gia sau thông tin Mỹ tăng thuế với hàng hóa nước này. Trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 1/2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Sheinbaum cho biết bà đã yêu cầu Bộ trưởng Kinh tế Mexico triển khai “Kế hoạch B” để bảo vệ lợi ích đất nước. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh Chính phủ Mexico mong muốn hợp tác và đối thoại, thay vì đối đầu với quốc gia láng giềng.
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 106,5 tỷ USD của Mỹ để đáp trả. Thủ tướng Trudeau phát biểu tại một cuộc họp báo nhấn mạnh rằng mức thuế mới sẽ áp dụng lên số hàng hóa trị giá 30 tỷ đô la Canada từ 4/2 và số hàng hóa trị giá 125 tỷ đô la Canada dự kiến chịu mức thuế mới trong 21 ngày tới. Thủ tướng Trudeau đánh giá, các mặt hàng bị ảnh hưởng sẽ bao gồm rượu, nông sản, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, nội thất, vật liệu như gỗ xẻ... của Mỹ.
Sau khi Tổng thống Trump công bố chi tiết về mức thuế mới nhất, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông - Bryan Lanza đã nói với đài BBC (Anh): "Không ... đây là đe dọa về một cuộc đàm phán".
Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Trump cũng cho biết ông đang cân nhắc áp thuế đối với hàng hóa châu Âu nhằm đảo ngược thâm hụt thương mại. Do đó, một số nhà phân tích lo ngại rằng nó có thể leo thang thành một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng khi các quốc gia chịu mức thuế cao mới của Mỹ cũng có động thái tương tự.
Ai chịu nhiều thiệt hại nhất?
Cuối cùng, người tiêu dùng là đối tượng chịu nhiều thiệt hại vì thuế quan bởi họ gần như chắc chắn sẽ cảm nhận được tác động thông qua việc giá cả tăng. Phòng Thương mại Mỹ chỉ trích thuế quan của tân chủ nhân Nhà Trắng, đồng thời cảnh báo rằng chúng sẽ làm tăng giá tiêu dùng. Tuy nhiên, Phòng Thương mại Mỹ cũng thừa nhận rằng ông Trump đã đúng khi tập trung vào việc bảo vệ biên giới và chống lại dòng chảy bất hợp pháp của fentanyl.
Ngành công nghiệp năng lượng không hài lòng với mức thuế áp dụng lên dầu, khí đốt và điện của Canada. Viện Dầu khí Mỹ, đại diện cho các công ty khí đốt tự nhiên, cho biết họ muốn được loại hoàn toàn khỏi mức thuế này. Viện Dầu khí Mỹ lưu ý rằng giá nhiên liệu sẽ tăng đối với 14,4 tỷ USD dầu và khí đốt tự nhiên nhập khẩu mỗi năm từ Canada.
NEMA, đại diện cho ngành điện, đã thúc giục chính quyền Tổng thống Trump có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với thuế quan. Họ nhấn mạnh rằng ngành điện và điện tử chiếm phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Mỹ.
Hàng hóa Mexico và Canada được nhập khẩu vào Mỹ hầu như miễn thuế nhờ Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada mà Tổng thống Trump đã đàm phán với các quốc gia láng giềng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Mexico duy trì vị trí hàng đầu về xuất khẩu vào Mỹ năm 2024, với lượng hàng hóa trị giá 467 tỷ USD, theo sau đó là Trung Quốc và Canada, lần lượt xuất khẩu vào Mỹ lượng hàng hóa trị giá 401 tỷ USD và 377 tỷ USD. Tổng cộng, ba quốc gia này chiếm 42% trong tổng số gần 3.000 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu trên toàn thế giới vào năm ngoái.
Cả 3 quốc gia này cũng là thị trường hàng đầu cho hàng xuất khẩu nông sản của Mỹ, khiến nông dân Mỹ phải chịu hậu quả đầu tiên từ các biện pháp trả đũa.
Khi ông Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc ở nhiệm kỳ đầu tiên, Bắc Kinh đã tăng thuế với nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm đậu nành và ngô. Động thái này gây tổn hại nặng nề cho nông dân Mỹ, vốn phụ thuộc vào việc kinh doanh với Trung Quốc. Sau thông tin về mức tăng thuế ngày 1/2 với hàng hóa nhập khẩu, Western Growers, tổ chức đại diện cho nông dân, lo lắng mức thuế mới sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất thực phẩm của Mỹ.
Ngành xe hơi Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu hơn 126 tỷ USD ô tô và phụ tùng từ Mexico và 46 tỷ USD từ Canada. Nhiều trong số đó được sản xuất bởi các công ty thương hiệu nổi tiếng của Mỹ và nước ngoài hoạt động tại hai quốc gia này.
Trong khi đó, kênh Al Jazeera nhận định, cuộc chiến thương mại sẽ tác động nghiêm trọng đến Mexico. 80% hàng xuất khẩu của Mexico là sang Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Mexico. Do đó, chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia sẽ khiến giá cả tăng và lạm phát tăng.